Bác sĩ Lê Nhất Duy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3) cho biết, trong môi trường biển, rác thải nhựa phân rã thành những hạt nhỏ li ti gọi là vi nhựa. Các sinh vật biển như cá, tôm, cua, sò, hàu, vẹm, ngao, ốc, hến... thường xuyên tiếp xúc và có thể nuốt phải vi nhựa trong quá trình kiếm ăn hoặc lọc nước để sinh tồn. Vi nhựa có thể tích tụ trong cơ thể chúng và sau đó đi vào cơ thể con người khi con người ăn hải sản.
Các loại động vật nhuyễn thể như sò, hàu, vẹm, ngao… được đánh giá là giàu dinh dưỡng, chứa nhiều chất dinh dưỡng như axit béo omega-3 và vitamin B12, sắt, canxi, kali,… giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và tăng cường hoạt động của cơ tim, tốt cho sức khoẻ và phòng tránh bệnh tật.
Tuy nhiên, các loài nhuyễn thể này lại chứa nhiều vi nhựa hơn các nhóm hải sản khác do đặc tính lọc một lượng lớn nước biển để lấy thức ăn. Điều này khiến chúng vô tình giữ lại cả vi nhựa, bác sĩ Duy nói.
Các nghiên cứu tổng hợp cho thấy hàm lượng vi nhựa ở động vật nhuyễn thể có thể lên tới 10,5 hạt vi nhựa/gram (MP/g), trong khi ở động vật giáp xác (tôm, cua) là 8,6 MP/g và ở cá chỉ có khoảng 2,9 MP/g.

Động vật nhuyễn thể như sò có nguy cơ cao nhiễm vi nhựa.
Hiện tượng ô nhiễm vi nhựa trong hải sản được ghi nhận trên toàn cầu. Mức độ ô nhiễm có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào loài và khu vực đánh bắt, với xu hướng cao hơn ở các vùng biển ô nhiễm nặng, bác sĩ Duy thông tin.
Đặc biệt, hải sản đánh bắt từ các vùng biển châu Á - nơi được cho là có tình trạng ô nhiễm nhựa nghiêm trọng hơn - thường ghi nhận có mức độ nhiễm vi nhựa cao hơn.
Vi nhựa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Bác sĩ Duy cho hay khi tiêu thụ thực phẩm chứa vi nhựa, cơ thể con người có thể đối mặt với các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật gợi ý một số tác động đáng lo ngại, bao gồm:
- Gây viêm và tổn thương tế bào: Vi nhựa, đặc biệt là các hạt siêu nhỏ (nano nhựa), có khả năng đi qua hàng rào ruột, xâm nhập vào máu và các cơ quan khác. Sự hiện diện của chúng có thể gây ra phản ứng viêm, stress oxy hóa và tổn thương tế bào.
- Nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại: Vi nhựa có thể chứa các chất phụ gia từ quá trình sản xuất (như BPA, phthalates) hoặc hấp thụ các chất ô nhiễm từ môi trường (như kim loại nặng, thuốc trừ sâu). Các hóa chất này có thể nhiễm vào cơ thể.
- Gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng sinh sản: Một số hóa chất liên quan đến nhựa như BPA và phthalates có thể gây rối loạn nội tiết, làm ảnh hưởng đến hormone và khả năng sinh sản.
- Các vấn đề sức khỏe khác: Các nghiên cứu cũng gợi ý mối liên hệ tiềm ẩn giữa vi nhựa và các vấn đề như rối loạn hệ miễn dịch, thay đổi chuyển hóa, ảnh hưởng thần kinh và tim mạch.
“Điều quan trọng cần nhấn mạnh là mặc dù các nguy cơ tiềm ẩn này rất đáng quan tâm, nhưng theo các tổ chức y tế như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bằng chứng khoa học hiện tại vẫn chưa đủ để khẳng định chắc chắn về mức độ rủi ro cụ thể của việc tiêu thụ vi nhựa ở mức độ phơi nhiễm thông thường đối với sức khỏe con người. Cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về tác động lâu dài của vi nhựa, đặc biệt là các hạt nano nhựa”, bác sĩ Duy nói.
Cách giảm vi nhựa khi ăn hải sản
Để bảo vệ sức khỏe, khi ăn hải sản hay các động vật nhuyễn thể, bác sĩ Duy lưu ý:
- Chọn hải sản từ nguồn cung cấp đáng tin cậy.
- Làm sạch kỹ hải sản để loại bỏ một phần vi nhựa bám trên bề mặt. Loại bỏ hoàn toàn phần ruột hoặc nội tạng của cá, nơi thường tập trung nhiều vi nhựa.
- Hạn chế ăn sống các loại hải sản, ưu tiên nấu chín kỹ.
- Cân nhắc giảm tiêu thụ các loại hải sản có nguy cơ tích lũy vi nhựa cao hơn như sò, hàu, vẹm, ngao, hến.