Sức khỏe - Đời sống

Mẹ Hà Nội bất lực vì 1 tật xấu của con: Hết mắng rồi nói chuyện nhẹ nhàng nhưng vẫn vậy, dân mạng liền bày kế "khó đỡ"

Tóm tắt:
  • Nhiều trẻ em gặp tình trạng nói nhiều và không tập trung trong lớp học.
  • Một bà mẹ chia sẻ về khó khăn trong việc quản lý việc con nói chuyện trong giờ học.
  • Một số phụ huynh đề xuất giải pháp như chuyển chỗ ngồi hoặc cung cấp mic để hạn chế nói.
  • Nguyên nhân trẻ nói nhiều có thể liên quan đến tính cách, sự không hứng thú hoặc áp lực học tập.
  • Phụ huynh nên tạo môi trường học tập thích hợp và giao tiếp tôn trọng để giúp trẻ tập trung hơn.

Mới đây, trong một hội nhóm dành cho phụ huynh, một bà mẹ có chia sẻ thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Chị cho hay: "Các bố mẹ ơi! Làm sao xử lý vụ con hay nói chuyện trong lớp ạ? Cho em xin biện pháp hiệu quả với, mắng rồi nói chuyện nhẹ nhàng rồi mà lên lớp là quên hay sao ấy".

Dưới phần bình luận, một số phụ huynh cho rằng, có thể ở nhà bố mẹ không hay nói chuyện với con nên trên lớp, con mới nói nhiều hơn với bạn; hoặc nên xin cho con chuyển chỗ hoặc ngồi một mình. Đáp lại, người mẹ cho hay, con chị từng ngồi bàn đầu, thậm chí ngồi một mình nhưng vẫn với sang chỗ bạn khác để nói chuyện. 

Ở nhà, con cũng nói liến thoắng, nhiều lúc bố mẹ mệt quá, bảo "để bố mẹ nghỉ một tí" nhưng con vẫn tiếp tục nói.

Những chia sẻ của bà mẹ này khiến nhiều người phì cười. Một số phụ huynh bày kể, nên sắm cho con một cái... mic để đeo vào mồm trong giờ học. Nếu con nói chuyện riêng thì sẽ vang lên cả lớp nghe thấy. Làm thế thì con sợ không dám nói chuyện nữa. Một phụ huynh cũng chia sẻ bức ảnh từng có em học sinh nói nhiều bị "trị" theo cách này.

Mẹ Hà Nội bất lực vì 1 tật xấu của con: Hết mắng rồi nói chuyện nhẹ nhàng nhưng vẫn vậy, dân mạng liền bày kế "khó đỡ"- Ảnh 1.

Từng có em học sinh bị trị tật nói nhiều như này

Phải làm gì khi con nói quá nhiều?

Thực tế, việc trẻ nói chuyện quá nhiều mà không tập trung học không phải việc hiếm. Rất nhiều cha mẹ, thầy cô đã phải đau đầu vì tình trạng này. Tuy nhiên, thay vì la mắng hoặc ép buộc, điều quan trọng là cần hiểu rõ nguyên nhân và có cách tiếp cận phù hợp để đồng hành cùng con.

Trước hết, cần nhận diện đúng bản chất của vấn đề. Trẻ nói nhiều và dễ xao nhãng có thể là biểu hiện của tính cách hướng ngoại, sự ham thích giao tiếp, hoặc đơn giản là năng lượng dồi dào. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu của việc trẻ không cảm thấy hứng thú với nội dung học, chưa hiểu bài, hoặc đang cần được chú ý. Trong một số trường hợp hiếm hơn, những biểu hiện này có thể liên quan đến rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), một dạng rối loạn phát triển thần kinh phổ biến ở trẻ em. Vì vậy, điều quan trọng là phụ huynh không nên vội vàng đánh giá trẻ “lười học” hay “không biết nghe lời” mà cần quan sát kỹ để hiểu rõ tâm lý của con.

Mẹ Hà Nội bất lực vì 1 tật xấu của con: Hết mắng rồi nói chuyện nhẹ nhàng nhưng vẫn vậy, dân mạng liền bày kế "khó đỡ"- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Có nhiều lý do khiến trẻ không thể tập trung vào việc học. Một số em không hiểu bài, không thấy được ý nghĩa của việc học nên nhanh chóng mất hứng thú. Áp lực học tập quá lớn từ gia đình hoặc nhà trường cũng có thể khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, dẫn đến phản ứng tiêu cực như nói chuyện nhiều để giải tỏa. Mặt khác, phương pháp học không phù hợp cũng là một nguyên nhân thường gặp. Không phải trẻ nào cũng tiếp thu tốt bằng cách đọc – viết truyền thống; có trẻ cần học thông qua hình ảnh, vận động hoặc tương tác. Khi bị ép buộc học theo cách mình không quen, việc mất tập trung là điều khó tránh.

Trước thực tế đó, phụ huynh có thể thực hiện một số giải pháp cụ thể. Trước hết là xây dựng khung sinh hoạt rõ ràng, trong đó có thời gian học, thời gian nghỉ và thời gian vui chơi hợp lý. Khi có giờ học cố định và được nghỉ ngơi đúng lúc, trẻ dễ tuân thủ hơn và giảm tình trạng lơ là. Bên cạnh đó, cha mẹ nên chia nhỏ thời gian học thành các chặng ngắn từ 20 đến 30 phút, kèm theo khoảng nghỉ 5 đến 10 phút để giúp trẻ duy trì sự tập trung mà không thấy quá tải. Trong quá trình học, có thể kết hợp nhiều hình thức như sử dụng hình ảnh, video ngắn, trò chơi học tập để tăng sự hứng thú và tạo cảm giác vui vẻ.

Không gian học tập cũng đóng vai trò rất quan trọng. Một góc học tập yên tĩnh, được bố trí gọn gàng, ít vật dụng gây phân tâm như tivi, điện thoại sẽ giúp trẻ dễ dàng tập trung hơn. Ngoài ra, cha mẹ nên dạy con kỹ năng tự kiểm soát và tự đánh giá, chẳng hạn như cùng con lập kế hoạch học tập hằng ngày, khuyến khích con viết vài dòng nhật ký sau mỗi buổi học để tự nhận xét xem mình học được gì, có tập trung hay không. Điều này không chỉ nâng cao khả năng tự quản lý bản thân mà còn giúp trẻ hình thành tư duy phản biện và có trách nhiệm hơn với việc học.

Mẹ Hà Nội bất lực vì 1 tật xấu của con: Hết mắng rồi nói chuyện nhẹ nhàng nhưng vẫn vậy, dân mạng liền bày kế "khó đỡ"- Ảnh 3.

Nếu phụ huynh đã thử nhiều cách mà tình trạng mất tập trung và nói quá nhiều vẫn kéo dài, nên cân nhắc đưa con đi gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác. Ảnh minh hoạ

Một điểm quan trọng mà nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua là việc giao tiếp với con một cách bình tĩnh và tôn trọng. Thay vì quát mắng như “Con suốt ngày chỉ lo nói chuyện, không chịu học gì cả!”, phụ huynh nên thử cách đặt câu hỏi nhẹ nhàng và mang tính lắng nghe: “Mẹ thấy con hay mất tập trung khi học. Có gì làm con khó chịu hay chán không?”. Khi được thấu hiểu và cảm nhận được sự quan tâm chân thành, trẻ sẽ có xu hướng hợp tác nhiều hơn.

Đặc biệt, cha mẹ nên dành riêng một khoảng thời gian mỗi ngày để trò chuyện tự do với con, lắng nghe con chia sẻ các câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Điều này giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu được nói, từ đó giảm hành vi nói chuyện không đúng lúc trong giờ học. Phụ huynh cũng có thể linh hoạt áp dụng phần thưởng nhỏ như cho con được chơi một trò chơi yêu thích hoặc xem một tập hoạt hình ngắn sau khi hoàn thành bài tập một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng phần thưởng vật chất để không tạo ra động lực học tập lệch hướng.

Cuối cùng, nếu phụ huynh đã thử nhiều cách mà tình trạng mất tập trung và nói quá nhiều vẫn kéo dài, nên cân nhắc đưa con đi gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác. Trong trường hợp trẻ gặp khó khăn do các rối loạn phát triển, việc can thiệp sớm và đúng cách là rất cần thiết để đảm bảo quá trình học tập và phát triển lâu dài.

Tóm lại, nói nhiều và không tập trung là biểu hiện thường gặp ở nhiều trẻ em, nhất là trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Đây không phải là lỗi hay điểm yếu, mà là cơ hội để cha mẹ hiểu con hơn, điều chỉnh phương pháp giáo dục và giúp con hình thành thói quen học tập tích cực. Khi cha mẹ thật sự đồng hành, lắng nghe và kiên nhẫn, trẻ sẽ dần học được cách kiểm soát bản thân, biết khi nào cần tập trung và khi nào được tự do thể hiện mình.


Các tin khác

Cô trò Y Tý nhận trường lớp mới

Ngày 14/4, cô trò điểm trường Lao Chải 3 - Trường Mầm non Y Tý nhận bàn giao trường lớp sau gần hai tháng thi công sửa chữa.

Toàn cảnh nhà ga gần 11.000 tỷ tại sân bay Tân Sơn Nhất trước ngày vận hành

TPO - Dự án nhà ga hành khách quốc nội T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút”, với các công đoạn vệ sinh và thử nghiệm vận hành được triển khai khẩn trương. Dự kiến, công trình có tổng vốn gần 11.000 tỷ đồng này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/4 tới.

Màn duyệt đội ngũ và biểu diễn nghệ thuật hùng tráng trong nắng gió Sơn Tây

Ngày 15/4, trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Trường Sĩ quan Lục quân 1 và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất diễn ra tại Sơn Tây (Hà Nội), hàng nghìn cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên của nhà trường đã có màn duyệt đội ngũ hùng tráng thể hiện sự chính quy, mẫu mực về điều lệnh đội ngũ; đồng thời thể hiện tài năng đặc biệt với chương trình nghệ thuật hoàng tráng, đặc sắc.