
Món ăn vừa nấu xong thường thơm nức mũi, nhưng có thể bạn không biết rằng, một vài thao tác quen thuộc khi đứng bếp lại đang âm thầm “gieo mầm” nguy cơ sức khỏe, đặc biệt là làm tăng mạnh lượng chất gây ung thư! Dưới đây là những “sát thủ vô hình” trong nhà bếp mà bạn nên tránh ngay:
1. Chờ dầu bốc khói mới bắt đầu xào nấu
Nhiều người có thói quen chỉ cho thực phẩm vào khi dầu đã nóng và bắt đầu bốc khói, vì cho rằng như vậy món ăn sẽ thơm ngon hơn. Tuy nhiên, việc này gây hại lớn đến sức khỏe:
- Tạo ra chất gây ung thư: Thực phẩm giàu tinh bột khi gặp nhiệt độ cao dễ sinh ra acrylamide, một chất gây ung thư nhóm 2A. Thực phẩm giàu đạm có thể tạo amin dị vòng, chất gây ung thư mạnh, tích tụ trong cơ thể, làm suy yếu miễn dịch và tăng nguy cơ ung thư. Chất béo khi quá nhiệt còn có thể sinh ra benzo[a]pyrene, một chất gây ung thư đã được xác nhận.
- Tạo chất béo chuyển hóa: Không chỉ có thực phẩm chế biến sẵn mới chứa chất béo chuyển hóa, mà trong quá trình đun nấu, khi dầu ăn bị làm nóng tới trên 200 độ C, nhất là khi bốc khói, thì ngay cả thời gian ngắn cũng có thể sinh ra loại chất béo này, vốn có liên quan đến bệnh tim mạch, tiểu đường và viêm mãn tính.

2. Dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần
Dầu chiên lại nhiều lần sau khi rán gọi là “dầu tái sử dụng” vô cùng hại sức khỏe nếu dùng thường xuyên.
Loại dầu này sau nhiều lần đun lại ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra hàng loạt chất độc hại như acrylamide, amin dị vòng, hydrocarbon thơm đa vòng...
Có nghiên cứu cho thấy, dầu chiên lại 7 lần có thể khiến hàm lượng malondialdehyde, một sản phẩm phụ của quá trình oxy hóa chất béo, tăng gấp 30 lần. Chất này có khả năng gây đột biến, phá hủy tế bào ruột, tổn hại thần kinh, thậm chí gây ung thư.
3. Thích nêm nhiều muối khi xào nấu
Không ít người cho rằng "nấu ăn phải có tay, phải biết nêm đậm", vì thế thường cho thêm muối để món ăn đậm đà hơn. Nhưng thói quen này lại là “con dao hai lưỡi”.
Ăn mặn dễ gây tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày và loãng xương.
4. Xào xong một món không rửa nồi, tiếp tục nấu món khác
Một số người vì tiết kiệm thời gian nên sau khi nấu xong món này chỉ tráng nồi sơ qua nước rồi tiếp tục nấu món khác. Tuy nhiên, các dư lượng dầu và cặn thức ăn còn bám trên bề mặt nồi khi gặp nhiệt cao có thể tiếp tục cháy khét, sinh ra chất độc hại như benzo[a]pyrene, chất gây ung thư. Ngoài ra, những cặn cháy này có thể làm món mới bị cháy nhanh hơn và kém an toàn.

5. Dùng duy nhất một loại dầu ăn trong thời gian dài
Việc thay đổi đa dạng các loại dầu là rất quan trọng để đảm bảo cân bằng axit béo và dinh dưỡng:
- Chiên rán: nên dùng dầu cọ, bơ động vật vì có độ ổn định nhiệt cao.
- Xào nấu thường ngày: nên dùng dầu đậu nành, dầu lạc (đậu phộng).
- Trộn salad, nấu súp: dùng dầu hạt lanh, dầu tía tô, dầu oliu.
Mỗi kiểu nấu chỉ cần chuẩn bị một loại dầu phù hợp là đủ.

6. Tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu xong
Nhiều người sau khi tắt bếp liền tắt luôn máy hút mùi. Thực tế, đây là sai lầm!
Sau khi nấu, khói và hơi dầu vẫn còn đậm đặc trong bếp. Nên để máy hút mùi hoạt động thêm 3-5 phút để hút hết khí độc hại và giúp không khí lưu thông sạch sẽ hơn.
7. Luôn đóng kín cửa sổ bếp
Nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, cho rằng đóng kín cửa sổ sẽ giúp máy hút mùi hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng thực ra, không mở cửa sẽ khiến thiếu luồng không khí đối lưu, dẫn đến tích tụ khí độc trong bếp.
Cách đúng là: vừa mở máy hút mùi vừa mở cửa sổ, giúp lưu thông không khí và làm cháy gas hoàn toàn, giảm khí độc sinh ra.
8. Không làm ráo nước rau trước khi cho vào chảo
Nếu bạn thường xuyên nấu ăn khi rau còn ướt sũng, thì nên dừng lại ngay. Khi nước còn nhiều trên rau gặp dầu nóng sẽ gây bắn dầu, làm tăng mạnh lượng hạt bụi siêu nhỏ (PM2.5), thậm chí còn cao hơn cả khi chiên rán.
Điều này không chỉ khiến dầu bắn gây bỏng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí trong bếp.

Những thao tác tưởng như đơn giản trong gian bếp hằng ngày lại có thể làm tăng nguy cơ ung thư hoặc các bệnh mãn tính nếu lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Hãy chủ động thay đổi thói quen nấu ăn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả gia đình!
Nguồn và ảnh: QQ