Xã Hội

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Có chuyện đêm lén lút phun thuốc, sáng đem rau đi bán

Sáng 9-7, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều đại biểu đã chỉ ra những bất cập trong khâu kiểm soát nguồn gốc thịt, rau đang lưu thông trên thị trường Thủ đô.

Lo ngại thực phẩm bẩn tràn lan

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Khánh Hưng cho biết, chỉ một ngày trước phiên chất vấn về an toàn thực phẩm (tức ngày 8-7), lực lượng chức năng đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự bốn đối tượng để điều tra về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Các vụ việc xảy ra tại xã Thắng Lợi, xã Hoàng Xá (huyện Thường Tín) và phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm).

Dẫn báo cáo của UBND TP Hà Nội, ông Hưng cho hay mỗi ngày địa bàn có khoảng 550 tấn thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát và cung ứng ra thị trường, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người dân Thủ đô.

Đại biểu Trần Khánh Hưng.

Đại biểu Trần Khánh Hưng.

“Với khoảng 40% lượng thịt còn lại chưa nằm trong diện được kiểm soát, nguồn gốc thực phẩm này đến từ đâu? Công tác kiểm soát đối với lượng thực phẩm lớn chưa rõ nguồn gốc hiện được triển khai ra sao?”, đại biểu Trần Khánh Hưng đặt vấn đề.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh nêu thực trạng trên địa bàn hiện vẫn còn hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát đầy đủ về điều kiện an toàn thực phẩm. Trong khi đó, toàn thành phố mới chỉ có ba trên tám cơ sở giết mổ tập trung được xây dựng và đưa vào hoạt động, với công suất chỉ đạt gần 40% thiết kế.

“Vì sao các cơ sở giết mổ tập trung lại hoạt động kém hiệu quả như vậy? Thành phố đã đầu tư nhưng kết quả triển khai chính sách hiện ra sao?”, đại biểu Tú Anh chất vấn Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội.

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội, cho biết bình quân mỗi ngày người dân Thủ đô tiêu thụ khoảng 550 tấn thịt, tương đương 60% tổng nhu cầu. Lượng thịt này cơ bản đã được kiểm soát về nguồn gốc. Tuy nhiên, 40% còn lại đến từ các tỉnh ngoài hoặc nguồn nhập khẩu, trong đó có một phần chưa rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý.

“Hà Nội đã ký kết liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với 40 tỉnh, thành nhằm đảm bảo nguồn cung và chất lượng. Nhưng thực tế vẫn còn thịt trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hoặc từ các cơ sở nhỏ lẻ chưa được kiểm soát chặt chẽ” – ông Đại thừa nhận.

Về giải pháp, ông cho biết ngành nông nghiệp đang xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, đặc biệt với các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh. Đồng thời, thành phố đang quy hoạch lại các vùng chăn nuôi, kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng từ đầu vào đến đầu ra. Những cơ sở không nằm trong quy hoạch sẽ bị xử lý, yêu cầu dừng hoạt động và di dời.

Có chuyện đêm lén lút phun thuốc, sáng mang rau đi bán

Liên quan đến nhóm thực phẩm rau củ, đại biểu Nguyễn Quang Thắng phản ánh tình trạng người dân phun thuốc bảo vệ thực vật vào buổi tối nhưng sáng sớm hôm sau đã thu hoạch mang ra thị trường tiêu thụ. Điều này gây lo ngại lớn về mức độ an toàn của rau quả đang tiêu thụ tại Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng.

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng.

“Với tổng lượng rau tiêu thụ hàng ngày của Hà Nội, tỷ lệ rau an toàn được kiểm soát hiện chiếm bao nhiêu phần trăm? Đồng thời, cần thông tin cụ thể về quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn, truy xuất được nguồn gốc trên địa bàn”, ông Thắng đặt câu hỏi.

Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở NN&MT Nguyễn Xuân Đại cho biết còn tồn tại tình trạng một số hộ dân trồng rau tự phát, phục vụ tự cung tự cấp rồi mang ra chợ bán. Nhóm rau này không qua kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

“Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục quy hoạch lại vùng sản xuất rau an toàn, đẩy mạnh xây dựng chuỗi canh tác sạch. Song song đó là tăng cường thanh kiểm tra, kết hợp chính sách hỗ trợ và chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn”, ông Đại nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.

Tham gia trả lời, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, an toàn thực phẩm là lĩnh vực rất rộng, khó và phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân. Với quy mô dân số hơn 10 triệu người, đây là một thách thức lớn đối với Hà Nội.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” cơ bản không còn.

“Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng lén lút phun thuốc bảo vệ thực vật vào ban đêm rồi sáng sớm thu hoạch đem bán. Thành phố thừa nhận có thực trạng này và sẽ tiếp tục siết chặt công tác quản lý” – ông Quyền nói.

Liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi và giết mổ, ông Quyền cho biết thành phố đã có chủ trương quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung, đồng thời từng bước đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư nhằm giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn cung vào các cơ sở tập trung hiện còn nhiều khó khăn do chi phí đầu tư cao, giá thành không cạnh tranh được với cơ sở nhỏ lẻ.

Các tin khác