“Phương châm đầu tư bất động sản của tôi là mua các sản phẩm lúc giá ở đáy, các dự án trong tình trạng ‘chết lâm sàng’. Khi thị trường sôi động, giá tăng là lúc tôi đứng ngoài quan sát và chỉ bán hàng của mình ra, không bao giờ mua vào. Tôi luôn tự nhủ thế này: Lúc giá rẻ, giá giảm, thị trường trầm lắng, không nhà đầu tư nào thiết mua là lúc đẹp nhất để mình đi tìm mua nhà, đất. Không mua lúc thị trường ở đáy thì lúc thị trường ở đỉnh, lấy đâu ra nhà đất mà bán”, chị Hạnh chia sẻ quan điểm đầu tư.
Với quan điểm đó, năm 2016, chị Hạnh đã xuống tiền mua căn biệt thự 360m2 thuộc một dự án ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Khi đó, mỗi m2 căn biệt thự này có giá 18 triệu đồng/m2, tổng số tiền chị bỏ ra là 6 tỷ đồng.
"Thời điểm tôi mua vào dự án đang nằm 'chết lâm sàng', không có mấy nhà đầu tư nào nhó ngàng gì đến. Nếu ai đang nắm giữ thì cũng chỉ muốn thoát hàng ngay", chị Hạnh kể.
Được biết, dự án này khởi công vào năm 2008, ngay sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội – cũng là lúc thị trường bất động sản sôi động nhất, đỉnh sóng với giá nhà tăng chóng mặt.
Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017 tuy nhiên trên thực tế sau 10 năm triển khai đến thời điểm bàn giao dự án mới chỉ hoàn thiện xây thô một số căn biệt thự. "Lúc đó nhiều người bảo tôi điên. Dự án thì bỏ hoang, cỏ mọc cao bằng đầu gối, chủ đầu tư thì im ắng, hạ tầng chưa đâu vào đâu. Vậy mà bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư", chị Hạnh nhớ lại.
Thế nhưng, chị Hạnh có niềm tin vào vị trí, vào thị trường và đặc biệt, niềm tin vào quan điểm đầu tư được chính bản thân chị đúc kết qua nhiều thương vụ.
Đến cuối năm 2020, chủ đầu tư của dự án này đã mở bán tiếp. Lúc này, dự án cũng được Hà Nội chấp thuận điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, dự án có tên mới và sẽ không còn chung cư cao tầng, thay vào đó là khoảng 200-300 căn nhà ở thấp tầng, biệt thự liền kề.
Mức giá sơ cấp chủ đầu tư đưa ra thời điểm đó đã tăng lên 60 triệu đồng/m2, cao hơn hẳn so với mặt bằng giá chung 40 triệu đồng/m2 tại khu biệt thự, liền kề Nam An Khánh, Geleximco, Thiên Đường Bảo Sơn...ở thời điểm đó.
Đến nay, sau 9 năm, căn biệt thự 360m2 mà chị Hạnh đầu tư đã có khách trả giá tới 150 triệu đồng/m2, tức 54 tỷ đồng cho căn biệt thự này. Thế nhưng, chị Hạnh vẫn quyết không bán.
Chị bảo: "Giờ mà bán đi thì biết mua ở đâu nữa khi mà chỗ nào giá cũng đã tăng cao, khó còn biên độ để tăng giá nữa. Mà nguyên tắc của tôi là phải mua ở đáy, mua lúc người ta sợ hãi, lúc không ai dám rút ví. Chứ mua đỉnh thì tôi không mua".
Câu chuyện của chị Hạnh không chỉ là một thương vụ thành công, mà còn là bài học lớn về tư duy đầu tư dài hạn. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để nắm giữ tài sản suốt 7-10 năm. Và không phải ai cũng đủ độ liều để mua vào khi dự án đang nằm "bất động" và bị nhà đầu tư quay lưng.
Theo số liệu quý 1/2025 của Savills về phân khúc biệt thự/liền kề Hà Nội, giá bán sơ cấp biệt thự trung bình đạt 282 triệu đồng/m2, giảm 14% theo quý nhưng tăng gấp đôi theo năm. Giá nhà liền kề đạt 239 triệu đồng/m2, giảm 14% theo quý nhưng tăng 24% theo năm. Giá nhà phố thương mại giảm 12% theo quý và ổn định theo năm, đạt mức 278 triệu đồng/m2.
Đối với giá biệt thự trên thị trường thứ cấp, báo cáo cũng chỉ ra mức tăng 10% theo quý đạt 195 triệu đồng/m2 đất. Giá nhà liền kề tăng 15% theo quý đạt 227 triệu đồng/m2; đất và nhà phố thương mại tăng 9% theo quý lên 266 triệu đồng/m2.
"Trong 5 năm qua, giá trị bất động sản thấp tầng tăng đáng kể. Giá biệt thự tăng trung bình 29% mỗi năm, liền kề tăng 22% mỗi năm. Tuy nhiên, mức tăng của nhà phố thương mại ít hơn, chỉ dao động trong khoảng 11-16% mỗi năm", Savills cho hay.