Hòa Thân, sủng thần bậc nhất bên cạnh Càn Long, nhờ tài năng và tầm nhìn hơn người, từng bước trở thành đại thần được hoàng đế sủng ái nhất, làm quan đến chức Quân cơ đại thần. Trong hơn hai mươi năm làm quan, Hòa Thân dựa vào sự sủng ái của Càn Long, tích lũy khối tài sản khổng lồ, trở thành đại tham quan nổi tiếng trong lịch sử. Sau khi Càn Long băng hà, Gia Khánh vừa kế vị đã cách chức và điều tra Hòa Thân, tịch thu tài sản và nhanh chóng ban cho ông ta cái chết.

Hòa Thân, sủng thần bậc nhất bên cạnh Càn Long, nhờ tài năng và tầm nhìn hơn người, từng bước trở thành đại thần được hoàng đế sủng ái nhất. (Ảnh: Sohu)
Theo ghi chép trong "Thanh sử cảo", Gia Khánh vốn đã không ưa Hòa Thân nhưng thân phận chỉ là hoàng đế hữu danh vô thực, đại quyền đều nằm trong tay Thái thượng hoàng Càn Long nên đành nhẫn nhịn.
Sohu cho rằng, trong cuốn sử này còn ghi chép về một câu chuyện kỳ lạ có liên quan tới Hòa Thân. Đó là việc một mỹ nhân đã đoán được trước kết cục của Hòa Thân.
Mỹ nhân được Càn Long và Gia Khánh đế yêu thương hết mực
Ban đầu, Gia Khánh định xử lăng trì Hòa Thân, nhưng nhờ lời thỉnh cầu của người phụ nữ này mà Hòa Thân được ban cho ba thước lụa trắng để tự vẫn, giữ lại toàn thây, gia tộc cũng không bị liên lụy.
Người phụ nữ này chính là Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa, con dâu của Hòa Thân đồng thời cũng là con gái được Càn Long yêu thương nhất. Dù là con gái do một phi tần sinh ra, song bà vẫn được ban phong hiệu Cố Luân Công chúa, tước hiệu chỉ dành cho con gái của Hoàng hậu. Anh trai của Hòa Hiếu công chúa là Gia Thân vương Vĩnh Diễm (hoàng đế Gia Khánh sau này) được ghi lại là khá yêu quý người em gái này.
Về sự yêu chiều của Càn Long dành cho bà sách sử có ghi chép: "Càn Long tính tình nóng nảy, đám thái giám cung nữ nếu có chút sai sót liền bị đánh bằng roi, có người bị phạt lên đến hơn trăm roi. Dù đang giận dữ đến đâu, hễ nhìn thấy công chúa thì cơn giận lập tức tiêu tan."

Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa, con dâu của Hòa Thân đồng thời cũng là con gái được Càn Long yêu thương nhất. (Ảnh: Sohu)
Sau này, mẹ của Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa đánh chết cung nữ nên chọc giận Càn Long, bị giáng từ phi xuống tần. Nhưng vì không nỡ nhìn con gái đau lòng, không lâu sau Càn Long đã khôi phục lại địa vị quý phi cho bà. Điều này rất hiếm thấy trong lịch sử nhà Thanh. Khi Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa mười tuổi, Càn Long từng nhiều lần nói: "Nếu con là con trai, trẫm nhất định lập con làm trữ quân." Mỗi khi công chúa xuất cung, đều được ngồi kiệu vàng, đây là đãi ngộ mà các công chúa khác không được hưởng.
Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa vốn nổi tiếng với sự thông minh, sắc sảo. Vậy câu chuyện công chúa tiên đoán trước kết cục Hòa Thân diễn ra cụ thể thế nào?

Năm Càn Long thứ 54, Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa 15 tuổi được gả cho Phong Thân Ân Đức, là con trai độc nhất của Hòa Thân. (Ảnh: Sohu)
Năm Càn Long thứ 54, Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa 15 tuổi được gả cho Phong Thân Ân Đức, là con trai độc nhất của Hòa Thân và bà cũng trở thành con dâu của ông. Ngày công chúa xuất giá, Càn Long chuẩn bị của hồi môn lên đến hàng triệu lượng bạc trắng, gấp mười lần công chúa bình thường. Hơn nữa, bất kể đại thần nào, dù chức vụ cao đến đâu, đều phải tay nâng châu báu, đứng trước kiệu hoa của công chúa hành lễ, ngay cả trọng thần A Quế cũng không ngoại lệ.
Lời tiên đoán trước kết cục Hòa Thân của công chúa
Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa rất thông minh, phát hiện cha chồng tham ô, bèn nói với chồng Phong Thân Ân Đức rằng: "Cha chàng được hoàng thượng vô cùng sủng ái, lại không biết báo đáp, chỉ biết vơ vét cho bản thân, ta lo lắng thay cho chàng. E là ngày sau sẽ mất mạng, ta cũng bị chàng liên lụy."
Vài năm sau, Gia Khánh quả nhiên ra tay với Hòa Thân, lời tiên đoán của công chúa đã ứng nghiệm. Bà liền cầu xin anh trai tha chết cho Hòa Thân, giữ lại toàn thây, đồng thời bảo toàn tính mạng cho Phong Thân Ân Đức và các thành viên khác trong gia tộc Hòa Thân. Sau khi bị kết tội, Hòa Thân bị xử tùng xẻo, nhưng Gia Khánh sau đó cho phép Hòa Thân được tự vẫn tại nhà để giữ thể diện. Khối tài sản khổng lồ của Hòa Thân, được tích cóp suốt một đời làm quan tham nhũng, bị tịch thu. Gia Khánh Đế thậm chí còn ban cho bà một phần số gia sản bị tịch thu này.

Vài năm sau, Gia Khánh quả nhiên ra tay với Hòa Thân, lời tiên đoán của công chúa đã ứng nghiệm. (Ảnh: Sohu)
Có thể thấy, hoàng đế Gia Khánh cũng rất ưu ái cho Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa. Thời Đạo Quang Đế, công chúa tiếp tục được cháu trai chiếu cố.
Năm Đạo Quang thứ ba, tháng 9, Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa bệnh mất, hưởng thọ 49 tuổi. Hoàng đế Đạo Quang vô cùng đau buồn, đích thân đến mộ bà tế bái, đây tuyệt đối là một đãi ngộ đặc biệt. Nhìn lại cuộc đời của Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa, trải qua ba đời hoàng đế Càn Long, Gia Khánh và Đạo Quang, ngay cả khi Hòa Thân bị diệt vong, bà vẫn được sủng ái như cũ. Đây quả là một kỳ tích đáng kinh ngạc.