Kinh tế

Ngân hàng muốn tự mình bán bảo hiểm nhân thọ

 

Nở rộ vào những năm 2019 – 2022, bancassurance từng là “mỏ vàng” của nhiều ngân hàng.

Vào thời điểm đó, hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ đã mang lại lợi nhuận hàng nghìn tỷ cho các ngân hàng nhờ những hợp đồng phân phối độc quyền kéo dài 15 – 20 năm.

Tuy nhiên “mỏ vàng” từ bán chéo bảo hiểm cũng dần lộ rõ những mặt trái khi cuộc khủng hoảng xảy ra với loạt thông tin "bị ép mua bảo hiểm", "tư vấn sai lệch" liên tục xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông, nhiều đơn tố giác được gửi đến các kênh báo chí và Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm để đòi lại công bằng.

Sau cơn bão khủng hoảng của bancassurace, doanh thu phí từ bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng đã giảm mạnh. Thị trường chứng kiến những cuộc "chia tay" giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm như Techcombank và Manulife, ABBank và FWD.

Cuộc chơi bảo hiểm của các ngân hàng cũng xuất hiện những xu hướng mới khi chính các ngân hàng muốn gia nhập vào thị trường bảo hiểm đầy tiềm năng này. Trên thực tế trước đó, nhiều ngân hàng đã tự thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ để phục vụ cho khách hàng trong hệ sinh thái rộng lớn của chính mình. Tuy nhiên với mảng nhân thọ, việc bắt tay gia nhập vào thị trường dường như là một thách thức khá lớn.

Tháng 10/2024, CTCP Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom được cấp phép hoạt động, chính thức trở thành thành viên thứ 31 trong thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Và sau đó không lâu Techcombank công bố tiếp kế hoạch mở công ty bảo hiểm nhân thọ TCLife với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ sở hữu 80% vốn còn 20% còn lại dự kiến sẽ có sự tham gia từ các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup. 

Không riêng Techcombank, một “ông lớn” tư nhân khác là VPBank cũng đã thông qua kế hoạch thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ dự kiến là 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tham gia của VPBank và các bên liên quan tối đa trong phạm vi pháp luật cho phép (có thể lên tới 100%), tùy thuộc vào việc thỏa thuận với các bên liên quan và/hoặc đối tác.

Trước Techcombank hay VPBank, một ngân hàng khác đã sớm hoàn thiện hệ sinh thái của mình với công ty bảo hiểm nhân thọ là MB với MB Ageas Life. Thành lập năm 2016, MB Ageas Life tăng gấp đôi doanh thu và có lợi nhuận sau 3 năm hoạt động.

Tương tự, BIDV cũng đang là cổ đông lớn tại Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), đồng thời BIDV cũng chung vốn với liên doanh để thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife. 

Thị trường còn rất tiềm năng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng, việc các ngân hàng tham gia thành lập và sở hữu các công ty bảo hiểm không chỉ mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng nguồn thu ngoài tín dụng mà còn nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính.

Tại sự kiện gặp gỡ Nhà đầu tư cá nhân quý I/2025, lãnh đạo Techcombank đánh giá thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng, mặc dù từng đối mặt với nhiều khủng hoảng trong 2–3 năm gần đây, nhưng đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc thị trường.

Trong năm 2025 toàn ngành bảo hiểm phấn đấu doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 239.636 tỷ đồng, tăng 0,05% so với cùng kỳ. Với khối bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp phấn đấu tổng tài sản ước tăng 6,6%; số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước tăng 5,4%. 

“Thị trường bảo hiểm nhiều năm qua được triển khai bằng cách ‘sale push’ hay 'product push' – nghĩa là đưa sản phẩm đến khách hàng mà không xuất phát từ nhu cầu thật sự, chưa mô tả đầy đủ tính năng, quyền lợi. Dẫn đến từ việc thẩm định khách hàng đến các tỷ lệ về phàn nàn, quy trình cũng đều chậm,” ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Techcombank chia sẻ.

Còn theo chia sẻ của ông Bùi Hải Quân - Phó Chủ tịch HĐQT VPBank với các cổ đông, việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ góp phần giúp VPBank hoàn thiện hệ sinh thái một Tập đoàn đa ngành.

Ông cho biết: “Nếu chỉ hợp tác phân phối bảo hiểm với các đối tác khác, chúng ta sẽ luôn bị động về sản phẩm, mô hình kinh doanh và đặc biệt là việc quản lý, chăm sóc khách hàng. Do đó, chúng tôi xác định phải chủ động nguồn kinh doanh, từ sản phẩm cho tới tệp khách hàng và quy trình khai thác”.

Với kinh nghiệm vận hành OPES, vị này cũng tin rằng sẽ có thể tổ chức vận hành hiệu quả công ty bảo hiểm nhân thọ với ứng dụng công nghệ mạnh mẽ ngay từ đầu và mang lại hiệu quả tối ưu.

Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là Bảo Việt Nhân thọ, Prudential, Manulife, Dai-ichi và AIA. Trong nhóm này các doanh nghiệp đều ghi nhận lợi nhuận đạt hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2025 (AIA chưa công bố số liệu). Tuy nhiên, trên thị trường cũng có những công ty bảo hiểm đã hoạt động 7 – 10 năm nhưng vẫn chưa có lãi. Điều này đặt ra thách thức đối với kế hoạch thành lập các công ty bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng.

Chia sẻ về lo ngại này, ông Jens Lottner CEO của Techcombank cho rằng lý do lỗ của các công ty nói trên là do họ làm chưa đủ tốt và nếu ngân hàng xây dựng được mô hình bồi thường tốt hơn, có cơ cấu thẩm định rủi ro tốt hơn và kiểm soát được chi phí thì chắc chắn sẽ sớm có lãi trong mảng kinh doanh bảo hiểm.

“Tôi nghĩ là Techcombank sẽ không mất 10 năm để có thể thu lời từ hoạt động bảo hiểm. Dĩ nhiên là bên cạnh những thuận lợi cũng có cả thách thức nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ kiếm được lợi nhuận trong thời gian ngắn hơn, có thể là trong 3 – 5 năm, tức là đã đi rất nhanh so với các công ty cùng ngành.”, ông nói.

 

Nhìn chung, việc ngân hàng lớn tham gia vào lĩnh vực này có thể xem là bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn thu và tối ưu hóa hệ sinh thái tài chính của ngân hàng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia để đạt được thành công, ngân hàng cần đặt sự minh bạch và quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu, tránh lặp lại những sai lầm của mô hình bancassurance trong quá khứ.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn dư địa phát triển lớn, do đó, việc có thêm doanh nghiệp, dù là vốn ngoại hay nội, đều đáng hoan nghênh khi phần lớn phí bảo hiểm được tái đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và tạo thêm việc làm cho lao động trong nước.

Các tin khác

Triệt phá nhóm lừa đảo, rửa tiền quy mô 1.200 tỷ đồng: Đối tượng cầm đầu chuyên code web đồi truỵ

Kết quả điều tra xác định: Các đối tượng có trình độ hoặc am hiểu, yêu thích tìm hiểu công nghệ thực hiện hành vi phạm tội thông qua việc quản trị hệ thống trung gian thanh toán trái phép hoạt động online được tích hợp trực tiếp với các cổng game online trái phép - địa chỉ IP ở nước ngoài.