Sức khỏe - Đời sống

Nghiên cứu Mỹ chỉ ra cách rửa rau củ quả có thể loại bỏ thuốc trừ sâu hiệu quả: Vừa an toàn lại còn rẻ

Tóm tắt:
  • Các mẹo dân gian chưa hẳn hiệu quả trong việc rửa sạch thuốc trừ sâu trên rau củ.
  • Chị Hải Anh lo lắng về dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ mà gia đình sử dụng.
  • Nghiên cứu cho thấy ngâm rau trong dung dịch baking soda giúp loại bỏ thuốc trừ sâu tốt hơn so với nước sạch hay muối.
  • Baking soda tạo môi trường kiềm, phân hủy thuốc trừ sâu và tăng khả năng bóc tách chúng khỏi bề mặt rau.
  • Chuyên gia khuyến cáo ngâm rau trong dung dịch baking soda 12-15 phút và rửa lại bằng nước sạch.

Buổi tối muộn, trong căn bếp nhỏ, chị Hải Anh – một bà mẹ trẻ sống tại Hà Nội - đang loay hoay ngâm rổ rau cải trong nước muối. "Không biết ngâm bao lâu mới sạch được thuốc trừ sâu nữa…", chị lẩm bẩm, nhớ lại những lần con trai bị rối loạn tiêu hóa mỗi khi ăn rau sống. Dù đã rất cẩn thận trong việc lựa chọn thực phẩm và rửa sạch rau, chị vẫn thấy bất an.

Nghiên cứu Mỹ chỉ ra cách rửa rau củ quả có thể loại bỏ thuốc trừ sâu hiệu quả: Vừa an toàn lại còn rẻ- Ảnh 1.

Chị Hải Anh không phải là người mẹ đơn độc trong việc luôn lo lắng tìm cách loại bỏ thuốc trừ sâu trên thực phẩm. Cho dù đã lựa chọn những thực phẩm được đánh giá là chứa ít thuốc trừ sâu, mua ở những cửa hàng thực phẩm sạch nhưng nỗi lo ngại về dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ dường như đã trở thành nỗi băn khoăn thường trực của nhiều gia đình.

Cộng thêm các vụ việc liên quan đến thực phẩm chứa dư lượng hóa chất vượt trội như hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm "nước kẹo" bị phát hiện, hay năm 2022, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, phát hiện gần 50% mẫu rau quả được lấy tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố có dư lượng hóa chất, trong đó nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, một số nông dân tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng để rau củ quả phát triển nhanh chóng... càng khiến người dân bất an khi ăn rau củ.

Nghiên cứu Mỹ chỉ ra cách rửa rau củ quả có thể loại bỏ thuốc trừ sâu hiệu quả: Vừa an toàn lại còn rẻ- Ảnh 2.

Chính vì vậy, từ nước vo gạo, giấm, nước muối, đến nước ozone... mọi mẹo vặt dân gian đều được tận dụng để làm sạch thức ăn. Tuy nhiên, câu hỏi "có cách nào thật sự hiệu quả để làm sạch thuốc trừ sâu? Chỉ rửa bằng nước sạch, hoặc ngâm muối/giấm liệu có hiệu quả?" vẫn luôn đau đáu trong tâm can các bà nội trợ.

Nghiên cứu từ Mỹ hé lộ cách rửa rau có thể loại bỏ thuốc trừ sâu

Thực ra, dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ là vấn đề lo ngại ở nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu cũng rất quan tâm tới việc làm sao để loại bỏ thuốc trừ sâu cùng các hóa chất khác trên thực phẩm một cách hiệu quả nhất có thể.

Một nghiên cứu đáng chú ý được công bố năm 2017 bởi Tiến sĩ Lili He đứng đầu, tại Đại học Massachusetts (UMass), công bố trên Journal of Agricultural and Food Chemistry, đã đưa ra lời giải khoa học. Các nhà nghiên cứu đã chọn hai loại thuốc trừ sâu phổ biến là thiabendazole và phosmet - thường được sử dụng trên táo, lê, rau củ. Họ so sánh hiệu quả làm sạch của ba phương pháp là nước sạch, ngâm muối và ngâm bằng dung dịch baking soda (1% NaHCO₃). Kết quả thu được như sau:

Nghiên cứu Mỹ chỉ ra cách rửa rau củ quả có thể loại bỏ thuốc trừ sâu hiệu quả: Vừa an toàn lại còn rẻ- Ảnh 3.

Kết quả cho thấy, ngâm táo trong dung dịch baking soda (muối nở) trong 12-15 phút loại bỏ đáng kể dư lượng hai loại thuốc trừ sâu phổ biến là thiabendazole và phosmet trên bề mặt táo. Trong khi đó, nước sạch và dung dịch nước muối chỉ loại bỏ được một phần dư lượng thuốc trừ sâu.

Một nghiên cứu khác đăng trên Foods (MDPI) đã đánh giá hiệu quả của 9 phương pháp rửa khác nhau trong việc loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu khỏi năm loại rau lá xanh (xà lách, tía tô, rau bina, cải cúc và ssamchoo). Trong số các phương pháp, rửa dưới vòi nước chảy và ngâm trong dung dịch baking soda cho thấy hiệu quả cao nhất, với mức giảm dư lượng thuốc trừ sâu từ 43,7% đến 77,0%, tùy thuộc vào loại rau, loại thuốc trừ sâu.

Nghiên cứu Mỹ chỉ ra cách rửa rau củ quả có thể loại bỏ thuốc trừ sâu hiệu quả: Vừa an toàn lại còn rẻ- Ảnh 4.

Baking soda loại bỏ thuốc trừ sâu như thế nào?

Baking soda (NaHCO₃) loại bỏ thuốc trừ sâu khỏi rau củ quả chủ yếu thông qua 2 cơ chế chính:

- Phản ứng hóa học làm phân hủy thuốc trừ sâu

Một số loại thuốc trừ sâu, đặc biệt là nhóm phosphat hữu cơ và carbamate, có thể bị phân hủy trong môi trường kiềm nhẹ. Baking soda tạo ra môi trường kiềm (pH > 7), từ đó thúc đẩy quá trình thủy phân các phân tử thuốc trừ sâu thành các chất ít độc hơn, hoặc dễ tan trong nước hơn, giúp dễ dàng rửa trôi.

Ví dụ: Thiabendazole và phosmet là hai loại thuốc trừ sâu thường tồn dư trên táo, cam. Nghiên cứu của Đại học Massachusetts cho thấy dung dịch baking soda 1% có thể: Loại bỏ 80% phosmet và loại bỏ đến 96% thiabendazole sau 12-15 phút ngâm.

- Tăng hiệu quả bóc tách nhờ tính chất hoạt động bề mặt

Dù baking soda không phải là chất tẩy rửa, nhưng nó có khả năng làm giảm lực liên kết giữa bề mặt rau quả và thuốc trừ sâu nhờ tác dụng làm mềm vỏ và phá vỡ màng dầu – nơi các hợp chất hóa học thường bám dính. Nhờ đó, thuốc trừ sâu bị bong ra dễ hơn khi rửa lại bằng nước.

Nghiên cứu Mỹ chỉ ra cách rửa rau củ quả có thể loại bỏ thuốc trừ sâu hiệu quả: Vừa an toàn lại còn rẻ- Ảnh 5.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ hiệu quả với thuốc trừ sâu ở bề mặt; với thuốc đã thẩm thấu vào trong mô rau quả, hiệu quả sẽ hạn chế hơn.

Hướng dẫn rửa rau đúng cách từ các nhà khoa học

Dựa trên các nghiên cứu kể trên, chuyên gia khuyến cáo cách rửa rau củ quả hiệu quả như sau:

Dùng baking soda:

Pha 1 muỗng cà phê baking soda vào 1 lít nước.

Ngâm rau củ trong vòng 12-15 phút.

Rửa lại bằng nước sạch 1-2 lần.

Không kết hợp baking soda với giấm hoặc nước chanh, vì phản ứng trung hòa sẽ làm giảm hiệu quả.

Với rau sống ăn liền (xà lách, rau thơm…), nên rửa dưới vòi nước chảy kết hợp ngâm baking soda để loại bỏ tối đa dư lượng bám trên bề mặt.

Các tin khác

Lạc bước giữa mùa xuân Pakistan

Những ngôi làng, thung lũng ngập sắc hoa, nép mình bên dãy núi hùng vĩ tạo nên bức tranh mùa xuân Pakistan "như trong tranh'' khiến khách Việt say đắm.