Trong một khu dân cư nhỏ tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), tiệm tạo hoá cũ kỹ của bà Lý trở thành địa điểm quen thuộc với những ai sinh sống quanh đó. Bà Lý là một người phụ nữ giản dị, chẳng mấy ai để ý đến bà nếu không phải vì nụ cười luôn nở trên môi và sự cần mẫn đến kỳ lạ.
Bà không hẳn nổi tiếng, cũng không giàu sang bề ngoài, nhưng sau 30 năm buôn bán lặng lẽ, bà khiến không ít người bất ngờ: sở hữu một khối tài sản “khó tin” đối với một người chỉ bán tạp hoá. Nhưng điều đáng nói không nằm ở số tiền, mà là bí quyết sống khiến ai biết chuyện cũng phải gật gù nể phục vì bà quả là người “nhìn xa trông rộng”.
Gian hàng nhỏ nhưng ước mơ lớn, tất yếu vẫn là sự chắt chiu và dành dụm từng đồng
Tiệm tạp hoá của bà bắt đầu từ một kệ gỗ dựng tạm ở góc nhà. Lúc đó, chồng bà mất sớm, để lại mình bà nuôi ba đứa con nhỏ. Không có tay nghề, cũng chẳng được học hành nhiều, bà chỉ biết trông vào vài món hàng thiết yếu như dầu ăn, gạo, mì tôm, nước mắm… để kiếm sống. Cuộc sống chẳng dễ dàng gì, nhất là những ngày mưa dầm ướt hết hàng, hay những lúc khách nợ chưa trả, bà vẫn phải cắn răng chịu đựng.
Thế nhưng, điều khiến người ta nể phục là suốt bao nhiêu năm, bà không than vãn, không than trời trách đất. Bà chỉ âm thầm làm việc, sáng mở quán sớm, tối muộn mới đóng cửa. Có lúc ốm cũng không nghỉ, bởi nghỉ một ngày là thiếu tiền mua sách vở cho con.

Ảnh minh hoạ
Nhiều người cho rằng, có vẻ như bà Lý là người thuộc thế hệ xưa nên tính cách chắt chiu, dành dụm vốn ăn sâu trong máu. Tuy nhiên, ngoài thói quen đó, bà Lý vốn đã có những “tính toán” rất đáng nể khi đặt việc tiết kiệm lên hàng đầu. Trong suốt 30 năm ấy, bà không bao giờ tiêu xài tiền phung phí nhưng cũng không đến mức quá chắt bóp.
Vào giờ ăn cơm, ai đi qua cũng biết bà luôn chế biến những món rất đơn giản: cơm trắng, rau luộc, cá kho,... Ngoài ra, bà cũng không mua sắm quần áo mới gì cho mình, ưu tiên sửa lại từ những bộ đồ cũ; đồ điện tử hay bất cứ những trào lưu, món đồ theo trend này bà Lý cũng đều không lựa chọn mà chỉ mua những thứ vừa đủ tài chính.
Với bà, mỗi đồng lời từ việc bán tạp hoá đều đáng quý. Bà Lý chia tiền làm ba phần: một phần lo ăn uống hàng ngày, một phần dự phòng cho bệnh tật hoặc chuyện bất ngờ, và phần còn lại để dành cho con học hành. Có người từng hỏi: “Bà tính toán kỹ thế để làm gì, sống thì cũng phải hưởng chứ?”. Bà chỉ cười: “Tôi hưởng bằng cách thấy con mình nên người”.
Đầu tư cho con – khoản đầu tư sinh lời lớn nhất
Trong cuộc đời bà Lý, con cái là tất cả. Bà không thể để con thất học chỉ vì nhà không có điều kiện. Trước đây, thời điểm chồng mới qua đời, một mình phải nuôi 3 đứa con, bà Lý có lúc phải vay mượn hàng xóm để đóng học phí. Hay có lần con thi học sinh giỏi tỉnh, cần tiền đi thi, bà gom hết tiền lẻ dành dụm mới đủ chi phí.
Với bà, thành công của con không cần hoành tráng, chỉ cần các con sống tử tế, có nghề nghiệp đàng hoàng là mãn nguyện. Bà dạy con từ những điều nhỏ nhất: biết chào hỏi, biết nói lời cảm ơn, biết quý trọng công sức lao động. Mỗi ngày đi học về, bà bắt con ra phụ bán hàng, vừa để giúp đỡ, vừa để hiểu được giá trị của đồng tiền.
Và có lẽ, khoản đầu tư cho con cái này của bà đã chính thức “sinh lời”.
3 người con của bà sau này đều học giỏi, đỗ đạt trường tốt và đi làm công ty ổn định. Con trai cả thì làm công ty nước ngoài, có vị trí chủ chốt; con trai thứ thì làm chủ một doanh nghiệp nhỏ tại địa phương, kinh doanh cũng rất khấm khá; còn con gái út thì được tuyển thẳng vào một trường Đại học xịn tại Anh, rồi học lên thạc sĩ và đang thử việc tại một công ty quốc tế.
Chính nhờ những nền tảng mà bà Lý đã dạy các con từ nhỏ, giờ đây họ không chỉ thành đạt, tự lập tài chính mà còn sống có trách nhiệm, có thể báo hiếu và lo chu toàn cho cuộc sống của mẹ.
Các con của bà Lý góp tiền sửa sang lại tiệm tạp hoá cũ thành một siêu thị mini có biển hiệu, máy tính tiền và những gian kệ sáng loáng. Tuy nhiên bà Lý vẫn giữ thói quen cũ vì đã quen với việc bán hàng trong một cửa tiệm nhỏ, xưa cũ nhưng gần gũi. Do đó, các con quyết định thuê người tiếp quản siêu thị mini, thêm một dòng tiền ổn định cho mẹ mỗi tháng và vẫn để một cửa hàng tạp hoá nhỏ theo đúng ý bà Lý. Ngoài ra, bà Lý còn được các con mua tặng cho một mảnh đất ở quê để dưỡng già, khi muốn nghỉ ngơi sẽ trở về đó để làm vườn, nuôi gà,...

Ảnh minh hoạ
Song, thay vì nghỉ ngơi, bà Lý vẫn mở cửa bán hàng đều đặn, không phải vì cần tiền mà vì muốn giữ thói quen, và vì nơi đó chứa cả cuộc đời bà. Tuy nhiên, con cái vẫn thuyết phục bà để bớt làm, dành thời gian đi du lịch, khám bệnh định kỳ, tận hưởng tuổi già. Bây giờ, bà đã có nhà cửa ổn định, tài khoản tiết kiệm kha khá, và hơn hết là một gia đình hạnh phúc, yên ấm.
Nhiều người hỏi sao bà có thể để dành được số tiền lớn như vậy chỉ từ bán tạp hoá. Bà Lý nói một câu khiến ai cũng suy ngẫm: “Tôi không giàu vì bán được nhiều, mà vì tôi không tiêu hoang và biết đặt niềm tin vào đúng chỗ – chính là các con của mình”.
Có người giàu vì đất đai, người giàu nhờ kinh doanh lớn, nhưng với bà Lý, sự “giàu có” không nằm ở vật chất mà ở chỗ con cái thành người, sống hiếu thảo. Tài sản lớn nhất bà để lại không phải là tiền trong sổ tiết kiệm, mà là những bài học sống mà con cháu sẽ mang theo suốt đời.
Giờ đây, mỗi khi ai hỏi về bí quyết làm giàu, bà Lý chỉ cười đáp: “Tôi chẳng có bí quyết gì lớn. Chỉ là sống tiết kiệm, nuôi con tử tế, rồi con sẽ lo lại cho mình thôi”. Một lối sống đơn giản nhưng đủ sức làm thay đổi cả vận mệnh một gia đình.
Câu chuyện của bà Lý là minh chứng cho một chân lý giản dị: đôi khi, để xây nên một khối tài sản, không cần phải có vốn lớn hay cơ hội đặc biệt – chỉ cần có tình yêu thương, sự kiên trì và lòng tin nơi những điều tử tế.
Trong thời đại mà ai cũng chạy theo thành công nhanh, đầu tư mạo hiểm và áp lực làm giàu, câu chuyện của người phụ nữ bán tạp hoá như lời nhắc nhở rằng giá trị thật sự của sự giàu có không phải lúc nào cũng đo được bằng tiền, mà bằng tình người, sự hy sinh, và những điều chân phương bền bỉ nhất.