Vi khuẩn tấn công mạch máu
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) đang điều trị bệnh nhân V.Đ.H (nam, 30 tuổi, trú tại Hải Phòng), là trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn tiết canh.
Gia đình người bệnh cho biết, sáng hôm nhập viện, người thân phát hiện anh H. trong tình trạng lơ mơ, tím tái toàn thân, tiêu chảy kèm máu nên nhanh chóng đưa bệnh nhân cấp cứu tại y tế địa phương.

Bệnh liên cầu lợn có nguy cơ gây tử vong cao
ẢNH: THANH ĐẶNG
Tại cơ sở y tế ban đầu, anh H. được ghi nhận tụt huyết áp nghiêm trọng, chỉ còn 60/40 mmHg, dấu hiệu cho thấy sốc tuần hoàn nặng. Bệnh nhân được điều trị tích cực, dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp nhưng không đáp ứng điều trị.
Các bác sĩ chẩn đoán anh H. sốc nhiễm trùng (do tác nhân gây bệnh vào máu và gây ra phản ứng viêm toàn thân), nguy cơ suy đa tạng và tử vong nếu không xử trí kịp thời, nên được chuyển tuyến tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân đang được điều trị hồi sức tích cực, lọc máu, thở máy và theo dõi chặt chẽ các chỉ số huyết động, đông máu. Với các yếu tố liên quan và triệu chứng điển hình, bệnh nhân được điều trị bệnh liên cầu lợn.
Ths-BS Lê Sơn Việt, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng. Ngoài huyết áp tụt sâu, bệnh nhân còn bị rối loạn đông máu nặng với xuất huyết nhiều nơi như mũi, miệng, dạ dày và dưới da.
Đặc biệt, xuất hiện các ban hoại tử là những vùng da thâm tím, phù nề, đau nhức do vi khuẩn liên cầu lợn tấn công trực tiếp vào mạch máu gây hoại tử. Ban hoại tử lan rộng ở tứ chi, kèm theo xuất huyết dưới da, làm tăng nguy cơ hoại tử diện rộng, nhiễm khuẩn huyết và suy đa cơ quan. Nguy cơ tử vong cao.
Theo TS-BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh viện đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn liên cầu lợn, đều trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, dùng thuốc vận mạch và lọc máu liên tục để duy trì các chức năng sinh tồn.
Ca bệnh liên cầu lợn nhập viện gần đây nhất là ông N.N.T (63 tuổi, ở Hà Nội), vào cấp cứu hôm 9.7. Trước nhập viện 3 ngày, ông T. có ăn tiết canh, lòng lợn và uống rượu tại một quán quen gần nhà. Chiều hôm sau, ông thấy khó chịu và được đưa đến cơ sở y tế gần nhà. Sau đó, vùng đầu, mặt, cổ của ông T. xuất hiện nhiều ban tím, khó thở nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Tại bệnh viện, do tình trạng nặng, ông T. nhanh chóng được đặt ống nội khí quản thở máy và lọc máu.
Bệnh diễn biến rất nhanh, trong quá trình can thiệp, bệnh nhân đột ngột xuất hiện ngừng tim, được hồi sức tích cực. Bệnh nhân có nguy cơ diễn tiến nặng rất cao.
TS Hùng cho biết, liên cầu lợn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra, có thể lây từ lợn sang người.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, rối loạn tri giác, đại tiện phân lỏng. Đặc biệt, với thể nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn thì bệnh nhân có ban xuất huyết dưới da, khởi phát từ vùng đầu, mặt, cổ rồi lan ra toàn thân. Bệnh tiến triển rất nhanh, có thể từ nhẹ chuyển sang nặng chỉ trong vòng 24 giờ, dễ dẫn đến biến chứng nặng hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong 2 tháng 5 và tháng 6, hệ thống giám sát ghi nhận 3 ca mắc liên cầu lợn. Trong đó, có bệnh nhân nữ (72 tuổi), có triệu chứng bệnh ngày 24.6 với biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, cứng gáy. Vào điều trị tại bệnh viện, bệnh viện được chọc dịch não tủy xét nghiệm nuôi cấy. Kết quả xác định dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn.
Trước đó, cùng trong tháng 6, hệ thống giám sát của Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp mắc liên cầu lợn là bệnh nhân 81 tuổi. Bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng mệt mỏi, sốt cao, ý thức chậm, giật tay phải.
Xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy của bệnh nhân cũng cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Một ca bệnh khác là bệnh nhân nữ (73 tuổi), hàng ngày bán lòng lợn tại nhà ở P.Long Biên.
Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 31.5 với biểu hiện sốt, đau đầu, nôn, lơ mơ, nhập Bệnh viện Bạch Mai ngày 2.6. Kết quả nuôi cấy dịch não tủy dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn.
Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm
Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) thông tin, bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Bệnh thường diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong rất cao. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh nhân cũng rất dễ bị các di chứng (điếc, hạn chế vận động).
Theo một chuyên gia bệnh truyền nhiễm, ngay cả với lợn khỏe mạnh cũng có thể vẫn mang vi khuẩn gây bệnh. Do đó, người dân không nên chủ quan lợn sạch để chế biến tiết canh hoặc sử dụng các thực phẩm chưa nấu chín từ thịt lợn.
Liên cầu lợn có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Có các ca bệnh không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chưa nấu chín; hoặc tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh, bị nhiễm vi khuẩn thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
"Tuyệt đối không nên ăn tiết canh hay các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Nếu sau khi ăn mà có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như sốt, đau đầu, buồn nôn, đi ngoài… cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị kịp thời", bác sĩ Lê Sơn Việt lưu ý.
Để phòng nhiễm liên cầu lợn, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Cũng theo cơ quan này, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.