Cô Mai Hương cho hay, định dạng đề thi mới (theo Chương trình phổ thông 2018) có nhiều thay đổi so với những năm trước. “Đề thi hướng đến việc đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh qua các tình huống thực tế. Các dạng câu hỏi đa dạng và thực tiễn hơn (biển báo, văn bản thông báo, quảng cáo…), học sinh cần chiến lược làm bài linh hoạt thay vì chỉ ghi nhớ máy móc 'keywords' hay dấu hiệu nhận biết. Do đó, học sinh cần rèn kỹ năng đọc hiểu, tư duy phân tích, đồng thời vẫn ôn vững các 'trụ cột' ngữ pháp - từ vựng để có thể vận dụng vào bài linh hoạt nhất”, cô Mai Hương đưa lời khuyên.
Theo cô Hương, ở giai đoạn “nước rút”, học sinh có thể ôn tập theo một vài cách sau để tăng hiệu quả:
- Phân loại ôn tập theo dạng bài:
Thay vì dàn trải luyện “đề tổng” liên tục, học sinh nên dành thời gian ôn tập theo dạng bài. Đây là cơ hội để ôn tập sâu hơn các dạng bài và bố trí thêm thời gian tìm ra hướng làm bài với những dạng hay bị mất điểm.
Ví dụ: dành 2 buổi liên tục chỉ ôn 1 dạng Reading - gap-fill; 2 buổi tiếp theo chỉ ôn viết lại câu. Xen kẽ giữa các buổi ôn dạng bài là 1-2 buổi làm đề kiểm tra trọn vẹn.
- Lên tiến trình ôn tập chi tiết:
Chia thời gian ôn tập theo tuần, liệt kê mục tiêu mỗi tuần.
Ví dụ: Tuần 1 ôn phát âm, tuần 2 ôn ngữ pháp trọng điểm; tuần 3 ôn dạng bài viết lại câu,…
- Áp dụng “Spaced Repetition” (kỹ thuật ôn lặp lại ngắt quãng) cho từ vựng:
Theo cô Hương, với định dạng đề thi mới, học sinh cần vận dụng cả kỹ năng và tư duy. Từ vựng đóng vai trò quan trọng trong việc đọc hiểu văn bản. Học sinh không cần học dàn trải tất cả từ vựng cùng lúc, nên thường xuyên ôn lại, mỗi ngày 5-10 từ vựng của từng bài sẽ ghi nhớ hiệu quả hơn.
- Tạo nhóm học/học theo cặp để “chấm chéo”, chữa bài cho nhau:
Việc học cùng bạn có thể tạo sự khích lệ, động viên lẫn nhau. Bên cạnh đó, việc kiểm tra “chéo” kiến thức, giải thích lỗi sai cho bạn cũng giúp chính mình hiểu sâu, nhớ lâu hơn.
- Ôn đề tổng hợp giới hạn thời gian:
Nên dành những buổi cuối cùng để làm đề tổng hợp, đặt đồng hồ đếm ngược 60 phút như thi thật. Đây là phương thức hiệu quả nhất để luyện được phản xạ và kỹ năng làm bài, đồng thời giúp học sinh củng cố kiến thức toàn diện sẵn sàng bước vào kỳ thi với tâm thế tốt nhất.

Những lỗi hoặc dạng bài dễ mất điểm
Cô Mai Hương cũng lưu ý những lỗi hoặc dạng bài học sinh dễ mất điểm.
Về ngữ âm:
Quy tắc phát âm đuôi “s” hoặc đuôi “ed” là phần kiến thức cơ bản, hay xuất hiện, nhưng học sinh có xu hướng chủ quan, không chịu ghi nhớ.
Bên cạnh đó, tiếng Anh có khá nhiều âm câm, học sinh cố gắng ghi nhớ âm đó ngay khi học từ mới, hoặc nắm được cách nhận diện một số âm câm phổ biến sau:
+ “K” câm: thường xuất hiện ở đầu từ, trước chữ “n” (Ví dụ: know, knife, knee, knock,…).
+ “W” câm: thường xuất hiện trước chữ “r”, hoặc 1 số từ cụ thể (Ví dụ: write, wrong, answer,…).
+ “T” câm: thường đứng giữa “s” và “en/le”(Ví dụ: listen, fasten, castle,…).
+ “L” câm: thường đứng sau “a”, “o”, “u” (Ví dụ: talk, walk, , calf,…).
+ “Gh” câm: thường đứng cuối từ, sau nguyên âm (Ví dụ: through, night, height,…).
+ “B” câm: thường đứng sau “m”, hoặc trước “t” (Ví dụ: climb, doubt,…).
+ “P” câm: thường khi đứng trước “n”, “s”, “t” (Ví dụ: psychology, pneumonia,…).
+ “H” câm: thường đứng đầu từ (Ví dụ: honour, honest, vehicle,…).
Về bài đọc gap-fill (điền vào chỗ trống):
Lỗi học sinh thường gặp là đọc lan man, không xác định được thông tin cần điền.
Cô Hương khuyên đọc lướt nhanh để hiểu chủ đề chính, sau đó xác định loại từ cần điền (danh từ/ tính từ/trạng từ/động từ,…), tìm từ khoá trong câu để xác định từ cần điền dựa trên ngữ pháp và ngữ nghĩa.
Về bài sắp xếp câu để tạo thành đoạn văn hoàn chỉnh:
Lỗi học sinh thường gặp là suy diễn sai logic, không để ý các mối liên kết giữa các câu (firstly, however, although,…)
Cô Hương khuyên nên tập trung vào logic theo thời gian, tìm các từ nối.
Về bài tìm câu kết phù hợp cho đoạn văn:
Lỗi học sinh thường gặp là chỉ đọc câu cuối mà không nắm ý chính của cả đoạn văn.
Cô giáo khuyên cần lưu ý:
+ Câu kết thường chứa các từ nối, hoặc các dấu hiệu kết bài như “In short”, “In conclusion”…
+ Câu kết không phải là một ý nhỏ xuất hiện trong đoạn văn, phải phủ toàn bộ ý chính của đoạn.
+ Câu kết không dẫn dắt sang ý hoàn toàn mới.
+ Câu kết không chứa thông tin đối lập với ý trong đoạn văn.
Về bài đọc biển báo, thông báo ngắn:
Lỗi học sinh hay gặp là chỉ tập trung vào hình ảnh, không để ý đến chữ trên biển báo; vội chọn đáp án gần đúng với hình ảnh.
Cô Hương khuyên học sinh cần đọc cả câu và quan sát kỹ nội dung biển báo, thông báo để hiểu mục đích cấm hay khuyến khích làm. Bên cạnh đó, các biển báo thường dùng động từ khuyết thiếu như “must”, “should”…
Ngoài ra, học sinh cần làm quen với các loại biển báo (hình tròn có dấu gạch chéo là biển cấm; biển tam giác ngược là biển cảnh báo,…).

Trường không được thu thêm tiền dạy 2 buổi/ngày với chương trình chính khóa

Trung tâm dạy thêm tràn lan, phụ huynh phải đóng phí cao hơn, kiểm soát ra sao?

Đề thi thử lớp 10 môn Toán của quận Hai Bà Trưng, Hà Nội năm 2025
