Các đền chùa, thánh đường Hồi giáo và tu viện không chỉ đơn thuần là nơi hành lễ mà còn đóng những vai trò thiết yếu và đa dạng trong xã hội Myanmar. Các địa điểm này cung cấp giáo dục tiểu học, phát thuốc, chăm sóc người già, đến nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người dân phải di tản vì chiến tranh.
"Thiệt hại đối với các địa điểm tôn giáo khiến cộng đồng càng dễ bị tổn thương", Maitrii Aung-Thwin, phó giáo sư chuyên ngành lịch sử Myanmar và Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore, lý giải.
Các di tích lịch sử nổi tiếng của Myanmar bị tàn phá bởi động đất từng là biểu tượng cho nền văn hoá của quốc gia này.

Được cho là có tuổi đời lên đến 1.000 năm, chùa Shwe Sar Yan là quần thể Phật giáo lớn, được trang trí bằng các bảo tháp và tượng Phật mạ vàng, nằm cách Mandalay khoảng 8km về phía Đông Nam. (Ảnh: National Geographic)

Được trang trí bởi tháp và tượng Phật mạ vàng, chùa gắn liền với nông nghiệp địa phương. Các lễ hội hàng năm của chùa đánh dấu các giai đoạn trồng trọt quan trọng.(Ảnh: National Geographic)

Tuy nhiên, trận động đất 7,7 Độ ritcher vừa qua khiến ngôi chùa Shwe Sar Yan bị tàn phá nghiêm trọng (Ảnh: National Geographic)

Cách Mandalay khoảng 8km về phía Tây, một trong những ni viện (tu viện dành riêng cho các ni cô) lớn nhất Myanmar cũng bị tàn phá nặng nề sau động đất. Ni viện Sakyadhita Thilashin nổi tiếng với sứ mệnh trao quyền và giáo dục phụ nữ tại Myanmar. (Ảnh: National Geographic)

Tượng Phật bị đổ tại ni viện Sakyadhita Thilashin (Ảnh: National Geographic).

Được Hoàng hậu Nanmadaw Me Nu ủy quyền xây dựng vào năm 1822, tu viện gạch Menu là một công trình quan trọng của Triều đại Konbaung, trị vì từ năm 1752 đến 1885. Kể từ khi triều đại sụp đổ trong cuộc chiến tranh Anglo-Burmese lần thứ ba, tu viện vượt qua xung đột nội bộ và sự giận dữ của Mẹ Thiên Nhiên, tồn tại cho đến ngày nay. (Ảnh: National Geographic)

Tu viện gạch Menu trước và sau khi sụp đổ bởi động đất (Ảnh: National Geographic)

Tu viện Masoeyein mới ở Mandalay là nơi cộng đồng Phật tử địa phương quy tụ, cung cấp thực phẩm, chỗ ở, chăm sóc y tế và giáo dục tôn giáo cho hàng trăm tu sĩ.
Việc tu sửa các công trình cổ là điều phức tạp, do chúng được xây bằng vật liệu xây dựng không có kết cấu chịu lực gia cố.
"Đáng tiếc, điều đó khiến chúng dễ bị hư hại khi động đất xảy ra. Các viên gạch xây không được liên kết như cách các tòa nhà hiện đại làm bằng thép và bê tông", ông Jared Keen, giám đốc kỹ thuật của Công ty kỹ thuật Beca khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
"Nếu một công trình bằng gạch bị hư hại một phần, vẫn có thể phục hồi và gia cố, nhưng quá trình gia cố thường rất phức tạp", ông nói thêm.
Những lo ngại tương tự cũng được Tamas Wells, điều phối viên Mạng lưới Nghiên cứu Myanmar tại Đại học Melbourne, Australia đưa ra.
"Thách thức cốt lõi trong việc phục dựng các địa điểm tôn giáo không chỉ nằm ở kỹ thuật xây dựng, mà còn là bối cảnh chính trị", ông Wells nói.