
Nissan đang đặt cược rằng phiên bản thế hệ thứ ba của công nghệ hybrid độc đáo e-Power sẽ tạo nên bước đột phá tại Mỹ - một thị trường quan trọng đối với tân giám đốc Ivan Espinosa khi ông đang nỗ lực vực dậy nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.
Trước đây, công ty thường sản xuất hệ thống hybrid “e-Power” cho mẫu xe Qashqai tại nhà máy ở Anh và Nhật Bản, song đã ngần ngại ra mắt tại Mỹ do khả năng tiết kiệm nhiên liệu kém trên đường cao tốc. Tuy nhiên, hiệu suất nhiên liệu đã được cải thiện 15% ở thế hệ mới nhất, khiến ban lãnh đạo tự tin rằng công nghệ này có thể được tích hợp trên mẫu SUV Rogue của Nissan tại Mỹ từ năm sau.
“E-Power là một trong những công nghệ quan trọng nhất hỗ trợ sự hồi sinh của Nissan”, Eiichi Akashi, giám đốc công nghệ của Nissan nói.
Xe hybrid, kết hợp động cơ thông thường với pin để cung cấp năng lượng cho ô tô, đã và đang có sự hồi sinh đáng kể. Đối thủ của Nissan là Toyota đã chứng kiến niềm tin bền bỉ được đền đáp bằng doanh số bán hàng bùng nổ, khi người tiêu dùng ngần ngại chuyển sang xe điện và tìm đến xe lai.
Trong khi đó, Nissan gần như lạc lõng giữa chiến trường BEV (Battery Electric Vehicle, là loại xe sử dụng hoàn toàn động cơ điện để vận hành): Leaf từng dẫn đầu, nhưng nay bị vượt bởi Tesla, BYD và các hãng Trung Quốc. Hãng chưa có mẫu BEV đột phá, trong khi mảng hybrid cũng gần như bị bỏ ngỏ. Việc giới thiệu e‑Power là cách nhanh hơn để tái tiếp cận khách hàng Mỹ – nơi ưa chuộng SUV hybrid như Toyota RAV4, Honda CR-V hybrid.
Sau khi báo lỗ khoảng 4,5 tỷ USD trong năm tài chính gần nhất, Nissan cần một “hot model” để tạo cú huých và e‑Power được xem là giải pháp thiết thực khi xe điện thuần chưa sẵn sàng. Theo Financial Times, động cơ e-Power của Nissan không được kết nối với bánh xe mà thay vào đó cung cấp năng lượng cho máy phát điện, giúp sạc pin. Điều này có nghĩa là xe hybrid e-Power có thể mang lại trải nghiệm tương tự như xe điện hoàn toàn, với khả năng vận hành êm ái hơn và thời gian phản hồi nhanh hơn. Hệ thống tận dụng động cơ hiệu quả để sử dụng ít nhiên liệu, từ đó duy trì mức sạc pin cao và giảm bớt nỗi lo về phạm vi hoạt động.

“Tôi nghĩ Nissan có rất nhiều vấn đề — nhưng tôi không nghĩ công nghệ là một trong số đó. Vấn đề là không đủ khác biệt; không phản ứng đủ nhanh với những thay đổi của thị trường”, Christopher Richter, nhà phân tích tại CLSA, cho biết. “Họ đã không đưa e-Power vào thị trường Mỹ sớm hơn”.
Do Nissan phải chịu mức thuế quan 25% của Mỹ đối với ô tô nhập khẩu, hãng có kế hoạch chuyển tỷ lệ sản xuất e-Power của Rogue sang Mỹ cao hơn, thay vì Nhật Bản.
“Họ nên giới thiệu e-Power vào Mỹ sớm hơn”, Carranza, hiện đang làm việc tại Futuraiser, một công ty tư vấn tài chính có trụ sở tại London cho các tập đoàn ô tô và năng lượng, cho biết. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng vẫn còn nhiều năm nữa để xe hybrid có một thị trường tươi sáng hơn.
Hiện e‑Power đã có mặt ở châu Âu – gắn trên Qashqai, X-Trail và Note. Các thử nghiệm ở Nhật cho thấy trải nghiệm mượt mà và tiết kiệm nhiên liệu, phù hợp với thị trường chưa sẵn sàng EV. Tuy nhiên, đây là thị trường nhỏ hơn, thói quen lái khác và không vướng thuế như Mỹ.
Thực tế, Nissan đang chìm trong khó khăn: doanh số toàn cầu giảm 42% từ 5,5 triệu xuống còn 3,5 triệu xe vào năm ngoái. CEO Espinosa đã tuyên bố sa thải 11.000 nhân viên, đóng cửa 7 nhà máy toàn cầu và tái cấu trúc mạnh để cắt lỗ hơn 200 tỷ yen (~1,4 tỷ USD) trong quý gần đây song, nội bộ chỉ ra rằng chỉ nỗ lực giảm chi phí là không đủ. Nissan cần một công nghệ đột phá hơn để vực dậy doanh số.
Ở Mỹ, Rogue e‑Power sẽ ra mắt vào năm 2026. Nếu thành công, Nissan có thể xây dựng lại danh tiếng, giảm lỗ và tạo động lực đầu tư vào BEV trong dài hạn. Nếu thất bại, hãng có nguy cơ tiếp tục suy yếu về thương hiệu và mất thị phần vào tay đối thủ.
Được biết, Nissan đang xem xét hợp tác với Mitsubishi để phát triển xe plug-in hybrid (PHEV) và sử dụng chung nền tảng. Đồng thời, hãng lên kế hoạch xây nhà máy pin mới ở Bắc Mỹ để hưởng lợi thuế, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Việc tăng sản lượng và nội địa hóa là then chốt giúp giá thành xe hybrid giảm, từ đó cạnh tranh được với Toyota hoặc Hyundai.
Theo: Financial Times, Reuters