Thế giới

Phóng viên Trung Đông viết về kỳ tích Việt Nam: Từ chiến thắng lịch sử đến trung tâm công nghiệp toàn cầu

Tóm tắt:
  • Việt Nam kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam với lễ diễu binh lớn và sự tham gia đông đảo của người dân.
  • Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975 với chiến thắng nhân dân và ảnh hưởng sâu rộng về nhân đạo.
  • Việt Nam từng nghèo khó, đã đổi mới kinh tế từ 1986, tăng thu nhập và giảm tỷ lệ nghèo đáng kể.
  • Nông nghiệp phát triển, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới năm 2008.
  • Kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng trưởng mạnh, trở thành trung tâm công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài lớn.

Trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), có hàng trăm phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về Thành phố Hồ Chí Minh để đưa tin.

Ông Maher Khalil là nhà báo số một của Phòng Tin tức hãng truyền thông nổi tiếng Al Jazeera Net, đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm.

Trong vòng khoảng một tuần tại Việt Nam, ông đã viết 20 bài báo về quá trình đấu tranh anh dũng của nhân dân ta chống xâm lược trước đây và xây dựng đất nước ngày nay. Chúng tôi xin tóm lược một số nội dung nổi bật trong các bài viết của nhà báo Maher Khalil để giới thiệu cùng bạn đọc.

Diễu binh lớn kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Niềm vui tràn ngập trên khuôn mặt của những người dân Việt Nam tham gia các hoạt động ở mọi nơi, mọi tầng lớp và lứa tuổi, không hề tỏ ra mệt mỏi trước cái nóng và tình trạng đông đúc trên các đường phố.

Ngày 30/4 đã diễn ra một cuộc diễu binh lớn để đánh dấu 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phóng viên Trung Đông viết về kỳ tích Việt Nam: Từ chiến thắng lịch sử đến trung tâm công nghiệp toàn cầu- Ảnh 1.

Hình ảnh lễ diễu binh, diễu hành tại Việt Nam ngày 30/4. Ảnh: Báo điện tử chính phủ

Các máy bay chiến đấu và trực thăng mang theo cờ Tổ quốc và cờ Đảng bay lượn trên bầu trời thành phố, trong khi một chiếc xe mang bức chân dung lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn diễu hành tham gia lễ diễu binh.

Hơn 13.000 chiến sĩ và đội quân ba nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia – những người anh em cùng nhau đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau trong chiến tranh – đã tham gia cuộc diễu binh tại thành phố, nơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng ngày 30/4/1975, kết thúc một trong những giai đoạn quan trọng nhất của Chiến tranh Lạnh. Đây là cuộc diễu binh lớn nhất kể từ khi chiến tranh kết thúc.

Hàng nghìn người, bao gồm các gia đình có trẻ nhỏ và người cao tuổi, đã ở lại trên đường phố suốt đêm, mặc áo phông in hình quốc kỳ Việt Nam, chia sẻ đồ ăn trong khi chờ đợi cuộc diễu hành.

Trong nhiều ngày qua, không khí lễ hội tràn ngập khắp thành phố, với một rừng cờ tung bay, bao gồm lá cờ đỏ và xanh có ngôi sao vàng ở giữa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam

Ngày 30/4 cách đây 50 năm, lực lượng quân Giải phóng đã tiến vào Sài Gòn, tuyên bố giải phóng miền Nam, thống nhất hai miền đất nước và chấm dứt cuộc chiến đã làm chết và bị thương hàng triệu người Việt Nam trong hơn 20 năm.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất, các chương trình tham quan di tích lịch sử cho du khách cũng được tổ chức, đáng chú ý nhất là ở Dinh Độc Lập, Sông Sài Gòn, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và Địa đạo Củ Chi nổi tiếng – minh chứng cho sự vĩ đại và lòng dũng cảm của những chiến sĩ giải phóng trong cuộc chiến chống quân xâm lược, giải phóng quê hương.

Phóng viên Trung Đông viết về kỳ tích Việt Nam: Từ chiến thắng lịch sử đến trung tâm công nghiệp toàn cầu- Ảnh 2.

Hình ảnh người dân, các cựu chiến binh theo dõi lễ diễu binh, diễu hành tại Việt Nam ngày 30/4. Ảnh: Maher Khalil

Khi chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng cất cánh từ nóc Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn ngày 30/4/1975, chở theo tất cả những người có thể chở, bức màn đã khép lại một trong những cuộc chiến dài nhất thế kỷ 20, chấm dứt một chương đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ giữa nỗi cay đắng và thất bại chưa từng có kể từ khi thành lập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Mặc dù đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi thống nhất đất nước, Chiến tranh Việt Nam vẫn là một trong những cuộc chiến tranh hiện đại được nghiên cứu nhiều nhất và là trọng tâm của nhiều tài liệu quân sự, nhằm tìm cách giải mã lý do khiến một siêu cường có sức mạnh như Mỹ không thể đạt được các mục tiêu chính trị và quân sự, cũng như khuất phục một đối thủ nhỏ hơn nhiều.

Chiến thắng của nhân dân Việt Nam đã truyền cảm hứng cho các phong trào giải phóng trên toàn thế giới và là bài học sâu sắc về một nước nhỏ bé, có nguồn lực hạn chế, có thể chiến thắng một đối thủ vượt trội về quân sự, công nghệ và kinh tế. Đây là sự thử thách ý chí, chứ không phải thử thách vũ khí.

Ngày 30/4/1975 đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. Cuộc chiến tranh tàn khốc của Mỹ kéo dài hơn 20 năm đã để lại những thảm họa nhân đạo to lớn: hơn 2 triệu thường dân Việt Nam bị giết, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, hàng triệu người phải di tản.

Cuộc chiến cũng để lại những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe do việc Mỹ sử dụng các loại vũ khí hóa học độc hại; bên cạnh đó, còn có một lượng lớn bom mìn chưa nổ tiếp tục đe dọa đến tính mạng của người dân cho đến ngày nay.

Trong khi đó, Mỹ đã mất khoảng 58.000 binh sĩ trong cuộc xâm lược Việt Nam.

Phóng viên Trung Đông viết về kỳ tích Việt Nam: Từ chiến thắng lịch sử đến trung tâm công nghiệp toàn cầu- Ảnh 3.

Hình ảnh lễ diễu binh, diễu hành tại Việt Nam ngày 30/4. Ảnh: Báo điện tử chính phủ

Kỳ tích Việt Nam: Vươn lên từ đất nước bị chiến tranh tàn phá

Chiến tranh đã đẩy hầu hết người Việt Nam vào cảnh nghèo khó, nền kinh tế yếu kém và phụ thuộc vào nông nghiệp lạc hậu.

Năm 1984, Việt Nam là một trong những quốc gia khó khăn nhất thế giới. Các chính sách bao vây, cấm vận kinh tế chống Việt Nam sau chiến tranh đã làm trầm trọng thêm các khó khăn trong công cuộc xây dựng đất nước.

Việt Nam đã vượt qua đói nghèo như thế nào?

Để giải quyết những thách thức kinh tế to lớn của đất nước, năm 1986, Việt Nam đã khởi động chính sách Đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các cải cách này bao gồm tự do hóa thương mại, khuyến khích đầu tư nước ngoài, giải thể các hợp tác xã nông nghiệp và cấp quyền sử dụng đất đai cho nông dân. Chính sách này đã góp phần vào sự chuyển đổi cơ bản nền kinh tế Việt Nam.

Thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 700 USD năm 1986 lên gần 4.500 USD năm 2023, trong khi tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ gần 60% đầu những năm 1990 xuống dưới 4% năm 2023.

Nhà nước trao cho nông dân quyền sử dụng đất lâu dài, cho phép họ tự do sản xuất và tiếp thị, giúp năng suất nông nghiệp tăng đáng kể. Việt Nam từ một quốc gia khó khăn đã trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới.

Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu 4,7 triệu tấn gạo, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan. Hoạt động xuất khẩu này, Việt Nam cũng đã góp phần giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vào năm đó.

Phóng viên Trung Đông viết về kỳ tích Việt Nam: Từ chiến thắng lịch sử đến trung tâm công nghiệp toàn cầu- Ảnh 4.

Hình ảnh lễ diễu binh, diễu hành tại Việt Nam ngày 30/4. Ảnh: Báo điện tử chính phủ

Việt Nam là trung tâm công nghiệp tiếp theo của thế giới

Với môi trường kinh doanh hấp dẫn, vị trí chiến lược, lực lượng lao động lành nghề và được sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ, Việt Nam đã khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực và toàn cầu.

Năm 2024, bất chấp những thách thức trên toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng cao, ổn định. GDP đạt 476,3 tỷ USD, tăng 7,09% so với năm 2023. GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 786,29 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 405,5 tỷ USD (tăng 14,3%), nhập khẩu 380,76 tỷ USD (tăng 16,7%), thặng dư thương mại đạt 24,77 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 38,2 tỷ USD.

Việt Nam đã chứng minh rằng ý chí chính trị và những cải cách triệt để có thể thay đổi toàn bộ một quốc gia. Từ một đất nước kiệt quệ vì chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã vươn lên từ đống tro tàn của lịch sử để trở thành trung tâm của tương lai, nhờ tầm nhìn xa về kinh tế và sự đầu tư thông minh vào con người và cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, không còn là một quốc gia đang phát triển tìm kiếm cơ hội nữa, Việt Nam đã trở thành một trung tâm công nghiệp đầy hứa hẹn trong thế giới công nghệ và chuỗi cung ứng, thu hút hàng tỷ USD đầu tư hàng năm và là một mô hình cho phát triển kinh tế bền vững.

Phóng viên Trung Đông viết về kỳ tích Việt Nam: Từ chiến thắng lịch sử đến trung tâm công nghiệp toàn cầu- Ảnh 5.

Hình ảnh lễ diễu binh, diễu hành tại Việt Nam ngày 30/4. Ảnh: Báo điện tử chính phủ


Các tin khác

Quy trình bầu chọn Giáo hoàng mới

Giáo hoàng mới được bầu thông qua Mật nghị Hồng y, sự kiện diễn ra sau cánh cửa đóng kín tại Nhà nguyện Sistine và chỉ các Hồng y dưới 80 tuổi được tham gia.

Bốn món ngon từ tôm đồng

Tôm đồng nấu canh bầu, rang tóp mỡ, nộm rau muống, cuốn rau tươi mát vừa chiều vị giác, vừa giải nhiệt và bổ sung canxi cho cơ thể.

Dự án đường Hồ Chí Minh qua 4 tỉnh phía Nam vừa "lỡ hẹn" về đích

Công trình đường Hồ Chí Minh nối các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An có chiều dài gần 73km, vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Dự kiến đường cho thông xe kỹ thuật vào dịp lễ 30/4 nhưng đã lỡ hẹn do địa phương vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Bình Dương khai thác ‘báu vật’ bị lãng quên

Thừa hưởng lợi thế tự nhiên từ sông Sài Gòn - “báu vật” nhưng chưa tận dụng khai thác đúng mức, tỉnh Bình Dương đang từng bước triển khai chiến lược phát triển đô thị, dịch vụ, kinh tế đêm,...nhằm tái thiết không gian sống để khai thác tiềm năng quý giá này.

Lý do chỉ số giá tiêu dùng tăng

Giá thuê nhà, giá thực phẩm và đồ ăn, uống tăng… là những nguyên nhân chính “kéo” chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước.