“Trai Thanh Hóa về làm rể Thái Bình (nay là Hưng Yên) 2 năm vẫn chưa quen với phong tục cỗ cưới lúc 7h sáng” – đoạn video với dòng mô tả ngắn được đăng tải trên mạng xã hội gần đây đã thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác.
Phía dưới bài đăng, nhiều cư dân mạng bày tỏ bất ngờ, thích thú trước phong tục ăn cỗ cưới từ sáng sớm.
Một số người tiết lộ, nét văn hóa độc đáo này cũng xuất hiện tại nhiều vùng ở miền Bắc như: Xã Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; xã Quỳnh Phụ, tỉnh Hưng Yên (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cũ);...
Chia sẻ với PV, Nguyễn Thúy (SN 1999, ở xã Quỳnh Phụ) cho biết, đoạn video trên được cô ghi lại trong đám cưới bên nhà hàng xóm. Khoảng sân của gia đình Thúy được tận dụng làm chỗ bắc rạp, ăn cỗ.
Chồng Thúy - Lê Thành (quê ở Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã nhiều lần dự đám cưới ở quê vợ nhưng vẫn chưa quen với việc ăn cỗ ngay từ sáng sớm. Thúy cho biết, vợ chồng cô kết hôn từ hơn 2 năm trước, hiện sống và làm việc tại Hà Nội.
“Bản thân mình sinh ra và lớn lên ở đây mà cũng chưa quen. Có lẽ, phần vì sống ở Hà Nội lâu ngày, thường xuyên duy trì nếp sống muộn”, Thúy cho biết thêm.
Mặc dù vậy, 9X vẫn cảm thấy thích thú và tự hào về phong tục độc đáo ở quê mình, phản ánh bản sắc văn hóa và đời sống sinh hoạt phong phú của bà con địa phương.
Cô gái trẻ cũng vui vì có thể dậy sớm, phụ giúp mọi người sắp xếp mâm cỗ. Đây là cách thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ, tình cảm thân thiết giữa hàng xóm láng giềng, là nét đẹp trong đời sống tinh thần cần được duy trì, phát huy.
“Ở quê mình, mọi người thường tự nấu cỗ nên sẽ chuẩn bị nguyên liệu từ chiều hoặc tối hôm trước. Tầm 3-4h hôm sau, những người đàn ông trong xóm hoặc trong họ sẽ tập trung nấu cỗ. Phụ nữ chủ yếu phụ trợ hoặc nấu các món đơn giản...
Đến khoảng 6h, các thanh niên sẽ kê bàn ghế, sắp cỗ lên mâm,…”, cô nói thêm.

Thúy cho hay, phong tục ở quê cô không đại diện cho văn hóa ăn cỗ nói chung ở miền Bắc. Ngay trên địa bàn tỉnh, tùy từng nhà và văn hóa từng vùng mà người ta sẽ sắp xếp ăn cỗ cưới vào buổi trưa (10-11h), hoặc có thể sớm hay muộn hơn.
Theo suy nghĩ của cô, sở dĩ bà con địa phương đến nay vẫn duy trì phong tục ăn cỗ từ sáng sớm, một phần xuất phát từ thói quen làm nông trước đây. Mọi người ăn cỗ sớm để kịp về đi làm đồng hoặc ra đồng cấy lúa từ rạng sáng rồi về ăn cỗ.
“Ăn cỗ sớm thì những người đi làm công ty hay trẻ con đi học vẫn kịp giờ. Bà con cũng không bị mất ngày, mất buổi hay ảnh hưởng đến các công việc khác”, cô nói.

Không chỉ bỡ ngỡ trước phong tục ăn cỗ từ sáng sớm, Thúy cho biết, chồng cô còn không dám nếm thử 1 món ăn quen thuộc trên mâm cỗ ở quê vợ. Đó là thịt mèo.
Theo chia sẻ từ Thúy, thịt mèo là một trong những món ngon dân dã thường xuất hiện trong mâm cỗ các dịp cưới hỏi, giỗ chạp ở một số địa phương thuộc Hưng Yên (tỉnh Thái Bình cũ) như xã Quỳnh Phụ, xã Kiến Xương, xã Thái Thụy…
Tùy từng gia đình, người ta có thể chế biến thịt mèo xào rau má hoặc thịt mèo xào lăn, thêm rau má rắc bên trên.
“Dù nhiều lần ăn cỗ ở quê vợ nhưng chồng mình vẫn chưa dám thử món thịt mèo. Trong đám cưới của mình cách đây vài năm, gia đình mình đã thay thế thịt mèo bằng món khác trong mâm cỗ cưới mà nhà gái mời nhà trai khi đến rước dâu”, Thúy kể.
Cô gái 26 tuổi chia sẻ, mỗi địa phương sẽ có phong tục và văn hóa ẩm thực khác nhau. Cô tôn trọng sự khác biệt đó và thông cảm, thấu hiểu với chồng khi anh chưa thích nghi được với một số thói quen, tập tục trong đời sống sinh hoạt ở quê vợ.
Ảnh, video: Thuy Nguyen/Em Trứng 2 má lúm