Việc sử dụng xe điện đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn nhiều người dùng thiếu kiến thức cơ bản về an toàn điện, dẫn đến nguy cơ cháy nổ nghiêm trọng. Vụ cháy thương tâm tại TP.HCM vào đêm 6/7 là minh chứng rõ ràng cho những rủi ro khi tự ý đấu nối điện để sạc xe điện không đúng cách.
Công an TP.HCM xác định nguyên nhân vụ cháy khiến 8 người tử vong tại cư xá Độc Lập là do chủ hộ tự đấu nối nguồn điện để sạc xe điện và thiết bị gia đình. Đây là hệ quả của việc sử dụng dây dẫn không đúng chuẩn, không đáp ứng được công suất của các thiết bị, trong đó có xe máy và ô tô điện.
Nhiều người không nhận thức được rằng các thiết bị có công suất cao như sạc xe điện cần một đường điện riêng biệt với dây dẫn lớn và ổ cắm đạt chuẩn. Nếu sử dụng chung ổ điện với các thiết bị khác trong nhà, khả năng quá tải, chập cháy và gây cháy nổ là rất cao.

Một người dùng có độ tương tác lớn trên các nền tảng mạng xã hội chia sẻ rằng từng suýt gặp sự cố khi sạc xe điện cỡ nhỏ Trung Quốc với đầu sạc công suất 1,5 kW. Vì ổ cắm trong nhà chỉ có hai chấu, người này dùng adapter để chuyển đổi từ ba chấu sang hai chấu. Sau vài phút sạc, ổ cắm phát ra tiếng nổ, tia lửa điện và mùi khét do adapter bị chảy nhựa và cháy đen.
Mặc dù xe điện không gặp hư hại, nhưng nếu không phát hiện kịp thời, hậu quả có thể nghiêm trọng. Điều này cho thấy các loại adapter trôi nổi, kém chất lượng có thể không chịu được công suất sạc xe điện, dẫn đến hiện tượng đoản mạch và cháy nổ.
Phần lớn bộ sạc của ôtô điện yêu cầu ổ điện phải có tiếp địa thì mới hoạt động. Khi có dòng rò điện từ sạc hoặc xe, tiếp địa sẽ dẫn dòng này xuống đất, giúp hạn chế nguy cơ giật điện và ngăn cháy nổ.
Một số mẫu xe máy điện nhỏ có thể hoạt động mà không cần tiếp địa, nhưng việc mất kết nối tiếp địa vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, không nên sử dụng ổ cắm chuyển đổi ba chấu sang hai chấu, vì sẽ làm mất đi tính năng an toàn quan trọng của sạc.
Sử dụng dây điện có tiết diện nhỏ, không tương thích với công suất của sạc xe điện là lỗi thường gặp. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, làm nóng chảy lõi dây và vỏ bọc bên ngoài. Khi cần nối dài dây sạc, đặc biệt với xe máy điện, phải đảm bảo dây có tiết diện đủ lớn
Bên cạnh đó, tuyệt đối không dùng ổ chia điện vì rất dễ gây chập cháy. Người dùng cũng nên kiểm tra nhiệt độ dây dẫn khi sạc. Nếu dây quá nóng, chứng tỏ đang bị quá tải và cần nâng cấp sang loại dây lớn hơn. Xe điện cần được sạc ở nơi thông thoáng, có luồng không khí lưu thông tốt. Tránh sạc ở nơi kín gió, gần vật liệu dễ bắt lửa như rèm cửa, giấy hoặc xe máy chạy xăng.
Khi xảy ra cháy trong không gian kín, áp suất tích tụ sẽ khiến sức công phá lớn hơn. Hơn nữa, pin xe điện khi cháy thải ra khí độc và rất khó dập lửa. Vì vậy, vị trí sạc cũng là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an toàn.
Chủ xe nên kiểm tra định kỳ phích cắm, ổ điện và đầu nối để phát hiện sớm dấu hiệu hư hỏng. Việc trang bị aptomat chống giật hoặc cầu dao tự động (CB) trong tủ điện tổng giúp tự động ngắt điện khi có dòng rò. Trước khi lắp đặt bộ sạc tại nhà, nên tham khảo ý kiến kỹ thuật viên của hãng xe để thiết kế hệ thống điện phù hợp, an toàn.
Nhiều người dùng có thói quen độ chế xe điện, thay đèn công suất lớn hoặc gắn thêm thiết bị điện không nằm trong thiết kế nguyên bản. Điều này dễ làm hệ thống điện quá tải, gây chập cháy. Vì vậy, khi thay thế hoặc nâng cấp linh kiện, cần đảm bảo đúng với công suất ban đầu của xe và tránh sử dụng linh kiện trôi nổi, không rõ nguồn gốc.