Chiều 6/5, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM trao tặng bằng khen cho 6 sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn vì đã nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh tại nơi diễn ra hoạt động chào mừng đại lễ 30/4, trong tình huống phát sinh mâu thuẫn giữa đám đông.
Theo một đại diện của trường, hành động này không chỉ góp phần xoa dịu sự căng thẳng trong khoảnh khắc ấy, mà còn thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, kính trọng thế hệ đi trước và lòng biết ơn những người có công với đất nước.
Quả thật những hành động đẹp cần được khuyến khích và tiếp tục lan tỏa, nhưng tặng bằng khen thì… hơi quá vì họ là sinh viên đại học, không phải em bé mới học những bài đạo đức đầu tiên. Chắc chắn 6 bạn trẻ khi nhường chỗ cho các cựu chiến binh hôm đó đều coi hành động của mình là bình thường, nên làm, là “phản xạ tự nhiên” và không ngờ sẽ được trường tặng bằng khen.
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã được dạy về lễ phép, về lòng tốt và sự tử tế, mà một trong những biểu hiện cơ bản là nhường chỗ cho người già, phụ nữ có thai, người khuyết tật hay cựu chiến binh tại các địa điểm hay trên phương tiện công cộng. Ai hay đi xe buýt đều thấy tờ lưu ý: "Hãy nhường ghế cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ".

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm trao bằng khen của giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho 6 sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Đây là nguyên tắc hành xử cơ bản trong xã hội văn minh, xã hội mà những người văn minh chiếm số đông. Với sinh viên đại học, đã trưởng thành và có tri thức, nếu thấy các cựu chiến binh - vừa là người cao tuổi, vừa có công lao với đất nước - mà không nhường chỗ mới là có vấn đề, là đáng lo ngại.
Hành động nhường chỗ của họ cho thấy thế hệ trẻ ngày nay đã được giáo dục rất tốt. Tuy nhiên, xã hội luôn có những người chưa đáp ứng các tiêu chuẩn ứng xử văn minh, do đó nhà trường, xã hội lan tỏa hành động của 6 sinh viên là điều rất nên làm, nhưng biểu dương, tuyên dương là đủ.
Hình ảnh và câu chuyện về 6 bạn trẻ được chia sẻ trong cộng đồng, lời khen, lời cảm thán của mọi người có tác dụng nhân rộng cách ứng xử đúng đắn của họ, giúp xã hội thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Bản thân kết quả ấy cùng sự ghi nhận về phần đóng góp của họ chính là phần thưởng mà các bạn trẻ này chắc chắn rất trân trọng.
Còn bằng khen, chỉ nên trao vì những thành tích xuất sắc hoặc hành động cao đẹp vượt trội, điều mà số đông chưa làm được. Việc Đại học Quốc gia TP.HCM tặng bằng khen cho 6 sinh viên nói trên tuy mục đích rất tốt nhưng lại có thể vô tình truyền đi thông điệp sai lầm rằng, nhường chỗ cho các cựu chiến binh, người cao tuổi – biểu hiện cơ bản của sự lễ phép, có giáo dục - là việc tốt hiếm gặp, cần được khen thưởng đặc biệt.
Trong khi đó, thực tế không phải vậy. Hằng ngày, hằng giờ trên khắp Việt Nam, những hành động tương tự có ở khắp nơi. Trên xe buýt, các em học sinh luôn chủ động đứng dậy khi thấy cụ già hay phụ nữ mang thai bước lên. Khi xếp hàng mua đồ hay làm thủ tục ở sân bay, nhiều bạn trẻ có thể vì mải dùng điện thoại nên không chú ý có người cao tuổi, người khuyết tật sau mình, nhưng khi nhân viên đề nghị nhường, họ lập tức lùi lại với nụ cười tươi rói…
Đương nhiên, xã hội vẫn còn không ít người cư xử kém văn minh, phần nhiều trong số họ không phải người xấu mà do còn thiếu ý thức, vô tâm hoặc chưa được giáo dục chu đáo. Việc tuyên truyền những hành động như của 6 sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM là rất cần thiết để giúp mọi người hiểu đâu là hành động đúng, là cách cư xử chuẩn mực, là điều cần làm.
Một trong những cách để lan tỏa thông điệp tích cực chính là khen ngợi, biểu dương các em, nhưng nếu “quá liều” sẽ phản tác dụng. Khi đó, sẽ có người hiểu sai thông điệp, không phải “tất cả những con người văn minh đều nhường chỗ cho cụ già, thai phụ, cựu chiến binh ở nơi công cộng” mà là “chỉ những người ưu tú, người đặc biệt tốt bụng, cao quý mới làm thế”.
Một số cư dân mạng bình luận rằng nếu cứ nhường chỗ cho người già, cựu chiến binh, trẻ nhỏ, người khuyết tật… là được tặng bằng khen thì bằng nào cho đủ. Tuy nhiên, điều đáng ngại thật sự không phải chuyện “tốn” bằng khen, mà là sự giảm giá trị của tấm bằng, và nhất là việc hành động lễ phép, tử tế cơ bản ai cũng nên làm bị coi là của hiếm.