Thầy giáo họ Lý này vốn đang ở độ tuổi cuối đôi mươi, làm việc tại một công ty dạy thêm và giáo dục trực tuyến có trụ sở tại Vũ Hán, Trung Quốc, suốt 5 năm qua.
Công ty này thành lập từ năm 2012, chuyên cung cấp các khóa học tiếng Anh và Toán trực tuyến cho học sinh Tiểu học và Trung học. Theo một số nguồn tin trên mạng Trung Quốc, nền tảng của công ty hiện có hơn 160 triệu người dùng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Lý đầu quân vào công ty với vai trò giáo viên trực tuyến.

Văn phòng công ty, nơi thầy Lý làm việc, từng nhiều lần bị cáo buộc về tình trạng làm việc quá giờ. (Ảnh: Baidu)
Theo SCMP, gần đây, thầy đã phải tăng ca nhiều ngày liên tục để hoàn thành công việc trước kỳ nghỉ dài sắp tới. Ngày 22/4, thầy tới văn phòng và làm việc đến khuya.
Không thể liên lạc được với chồng sắp cưới, bạn gái thầy Lý đã gọi điện báo cảnh sát. Sáng hôm sau, một nhân viên vệ sinh phát hiện thầy Lý nằm bất tỉnh trong văn phòng. Các nhân viên y tế sau đó xác nhận thầy đã tử vong do ngừng tim đột ngột.
Người thân của thầy Lý cho biết, thầy lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, là con thứ hai, có một chị gái chưa lập gia đình. Cha thầy đã mất nhiều năm trước, người mẹ sau đó tái hôn. Vị hôn thê của thầy Lý đau xót chia sẻ, họ dự định tổ chức đám cưới vào ngày 2/5.
Cơ quan lao động địa phương cho biết, gia đình thầy Lý và công ty đang tiến hành thủ tục để xác nhận cái chết của thầy là tai nạn lao động.
Ngày 25/4, công ty giáo dục trực tuyến nơi thầy làm việc đã ra thông cáo bày tỏ sự tiếc thương và cam kết sẽ hợp tác với gia đình nạn nhân. Đại diện công ty khẳng định hôm xảy ra vụ việc là ngày nghỉ chung của toàn văn phòng và không có lịch tăng ca cho bộ phận của thầy Lý. Họ cũng ghi nhận sự tận tâm của thầy trong công việc và mong dư luận tôn trọng quyền riêng tư của gia đình.

Cảnh sát đến trụ sở công ty dạy thêm, và sau đó xác nhận thầy Lý tử vong do ngừng tim đột ngột. (Ảnh: Baidu)
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng tỏ ra nghi ngờ trước lời giải thích này. Một người bình luận: "Công ty đang ngụ ý rằng thầy Lý tự nguyện tăng ca sao? Nếu không có áp lực thành tích và nỗi sợ bị đào thải, ai lại muốn làm việc đến kiệt sức?".
Trước đó, truyền thông Trung Quốc từng phản ánh về tình trạng làm việc quá giờ tràn lan tại công ty này. Một số cựu nhân viên cho biết, mỗi giáo viên phải phụ trách tới 400 học sinh, trả lời vô số câu hỏi từ phụ huynh và thường xuyên làm thêm hơn 6 tiếng mỗi ngày. Họ thậm chí phải báo cáo với cấp trên mỗi khi đi vệ sinh hoặc nghỉ ăn trưa.
Một cựu nhân viên họ Vương cho biết, cô đã mắc chứng lo âu vì làm việc quá giờ trong thời gian dài và nghỉ việc vào cuối năm ngoái. Một người khác, họ Trương, quyết định nghỉ việc chỉ một ngày sau khi nghe tin về cái chết của thầy Lý.
Sự việc đã gây chấn động trên mạng xã hội Trung Quốc, với các chủ đề liên quan thu hút hơn 70 triệu lượt xem.
“Lẽ ra thầy Lý đang chuẩn bị cưới vợ, chứ không phải lìa xa thế giới trong lúc tăng ca”, một người dùng mạng viết.
“Nhiều công ty ép nhân viên làm việc quá giờ bằng những chiêu trò 'tự nguyện', dưới áp lực thành tích và cơ chế đào thải ngầm”, một người khác bình luận.
Luật Lao động Trung Quốc quy định thời gian làm việc không quá 8h/ngày, 44h/tuần và không vượt quá 36h tăng ca mỗi tháng. Tuy vậy, văn hóa làm việc quá giờ vẫn diễn ra phổ biến.
Tháng 6 năm ngoái, một công ty công nghệ tại miền đông nam Trung Quốc từng khiến dư luận phẫn nộ khi áp dụng lịch làm việc 6 ngày/tuần, từ 8h sáng đến 9h tối.
Trong một trường hợp khác, một lập trình viên tại công ty khởi nghiệp chỉ ngủ 2 tiếng/ngày trong giai đoạn cao điểm, và sau đó bị xuất huyết não, phải nằm liệt giường nhiều tháng trời.