Môn Toán và Tiếng Anh xuất hiện trong nhiều tổ hợp xét tuyển đại học.
Đối với môn Toán, ngoài ba tổ hợp quen thuộc như A00, A01, B00, thì môn này còn có trong hàng loạt tổ hợp xét tuyển khác từ A00 đến A18; B00 đến B08; D01 đến D08; D17 đến D35; D84 đến D99.
Môn Tiếng Anh cũng xuất hiện trong nhiều tổ hợp như D01, A01, B08; D07 đến D15… Đặc biệt, Toán và Tiếng Anh là 2 môn trong tổ hợp A01 (Toán - Vật Lý - Tiếng Anh) và D01 (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh) được nhiều trường dùng xét tuyển.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đề môn Toán và Tiếng Anh, đặc biệt môn Tiếng Anh được đánh giá là khó. Vậy nếu thí sinh sử dụng hai môn này để xét tuyển thì có thiệt thòi?
Phân tích vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Thông tin truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh năm nay được nhiều giáo viên và thí sinh nhận định khó hơn so với những năm trước. Điều này khiến không ít phụ huynh và thí sinh lo ngại về khả năng cạnh tranh trong xét tuyển đại học, đặc biệt với những tổ hợp có sử dụng môn tiếng Anh như D01, A01, D14,…
Tuy nhiên, thí sinh không cần quá lo lắng bởi khi đề thi khó, điểm số sẽ giảm đồng loạt trên mặt bằng chung, kéo theo điểm chuẩn xét tuyển cũng được điều chỉnh tương ứng.
“Nói cách khác, nếu đề khó thì tất cả thí sinh cùng chịu ảnh hưởng - đó chính là yếu tố tạo nên sự công bằng trong xét tuyển. Vì vậy việc xét tuyển bằng tổ hợp có môn Tiếng Anh sẽ không gây ra thiệt thòi riêng cho từng thí sinh”, bà Dung nói.

Tuy nhiên, ông Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) lại cho rằng, thí sinh xét tuyển tổ hợp có 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh ít nhiều thiệt thòi vì 2 môn Toán, Tiếng Anh đều khó, nhất là môn Tiếng Anh.
Trong đó, tổ hợp có 2 môn Toán và Tiếng Anh sẽ bị thiệt hơn các tổ hợp chỉ có một môn Toán (như Toán, Lý, Hoá) bởi đề thi môn Lý, Hoá dễ hơn nên khả năng tổ hợp có 2 môn này có mặt bằng điểm xét tuyển sẽ cao hơn.
“Dù đề khó là khó chung, nhưng với tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), chỉ có môn Toán được đánh giá là khó. Nên các thí sinh dùng tổ hợp D01 xét tuyển sẽ bị thiệt nếu xét chung với các tổ hợp khác mà không có điều chỉnh chênh lệch điểm chuẩn”, ông Tiến nêu.
Ông Tiến cho rằng, để đảm bảo công bằng cho thí sinh và giúp trường chọn được các em có học lực tốt, các trường nên tham khảo phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ để phân tích đánh giá và điều chỉnh mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp xét tuyển.
Trong khi đó, đại diện một trường đại học ở TPHCM nhận định rằng chỉ đề môn Tiếng Anh hơi khó, còn môn Toán ở mức tương đối khó, thí sinh trung bình có thể đạt 6-7 điểm, khá khoảng 8 và giỏi thì 9 điểm. Dự đoán năm nay điểm Tiếng Anh sẽ thấp hơn năm ngoái 1-2 điểm.

Theo ông, nếu như trước đây Tiếng Anh là môn thi bắt buộc thì chắc chắn thí sinh sẽ bị thiệt thòi ít nhiều, nhưng năm nay Tiếng Anh là môn tự chọn, chỉ thí sinh tự tin mới đăng ký thi.
Đối với xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm khối nào cao hơn sẽ lựa chọn khối đó. Dự đoán điểm chuẩn xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thấp hơn năm ngoias tối đa 1-2 điểm nếu thí sinh chọn khối có môn Tiếng Anh để xét tuyển. Còn các khối có môn Toán và Văn như khối A00 hay C00 hay B00 thì tương tự năm ngoái vì các môn Lý, Hóa, Sinh và Sử, Địa đề tương đương.
“Năm nay những thí sinh theo xu hướng khối D ít nhiều sẽ thiệt thòi so với các khối khác. Vì khối D chủ yếu là những ngành ngôn ngữ. Chắc chắn sẽ có sự chênh lệch điểm môn Tiếng Anh giữa thí sinh ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM với các tỉnh khác. Vì học sinh ở những thành phố này đa phần chọn môn thi Tiếng Anh dự thi. Dự đoán các trường đại học như Ngoại Thương, Kinh tế TPHCM, Tài chính Marketing, Kinh tế - Luật... sẽ phải giảm điểm chuẩn xuống chừng 1 điểm so với năm ngoái”, ông nói.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có những môn được đánh giá khó so với học sinh như Tiếng Anh và Toán. Dù Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi không vượt ra khỏi chương trình nhưng rõ ràng vượt quá khung năng lực, nhận thức của học sinh. Giải pháp công bằng và hợp lý nhất hiện nay là xây dựng lại barem tính điểm, trong đó loại trừ tất cả những yếu tố khó, vượt quá yêu cầu về năng lực và phẩm chất cần đạt của học sinh. Để làm được điều này, tôi cho rằng cần mời cả chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá đúng độ khó của từng câu hỏi. Câu hỏi nào vượt ngưỡng yêu cầu cần đạt đối với học sinh THPT thì loại ra. Khi ấy khoảng cách vùng miền, đối tượng xã hội, điều kiện học tập khác nhau được quy về thang điểm chuẩn và phù hợp. Làm lại barem tính điểm mới có thể dẫn tới hiện tượng những học sinh ở Hà Nội hay TPHCM được chuẩn bị kỹ lưỡng cho môn Tiếng Anh sẽ đạt điểm 10, nhưng việc này cũng đánh giá trung thực khách quan hơn khả năng của các em. Tuy nhiên, cách làm này có thể mâu thuẫn với quy chế thi tốt nghiệp hiện hành. Tuy nhiên về mặt thống kê, khi đề thi quá khó, phổ điểm thường tập trung ở mức thấp, khiến chênh lệch giữa các mức điểm (0,25-0,5 điểm) không phản ánh chính xác năng lực học sinh. Việc xây dựng lại barem tính điểm khá phức tạp và mất thời gian nên có thể lùi thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. (Tiến sĩ Lê Đông Phương, chuyên gia giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) |