Xã Hội

Thủ tướng họp tiếp với các bộ ngành về thuế đối ứng của Mỹ

Tóm tắt:
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính họp với các bộ ngành về việc Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng Việt.
  • Mỹ áp thuế 10% từ 5/4 và có thể tăng lên 46% từ 9/4 với 59 nước, trong đó có Việt Nam.
  • Việt Nam khẳng định thuế áp lên hàng Mỹ chỉ 9,4%, thấp hơn nhiều so với mức 90% Mỹ công bố.
  • Việt Nam đề nghị Mỹ hoãn thuế 1-3 tháng để đàm phán, hướng tới mức thuế 0% song phương.
  • Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ thăm Mỹ để trao đổi về vấn đề thuế.

Chiều 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ ngành trước việc Mỹ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang nước này. Đây là cuộc họp thứ 2 trong vòng ba ngày qua của lãnh đạo Chính phủ liên quan vấn đề này.

Cuộc họp có sự tham gia của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ ngành như Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp, chiều 5/4. Ảnh: TTXVN

Thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại, trong đó khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ hôm nay.

Đến ngày 9/4, họ sẽ xem xét mức thuế bổ sung cao với khoảng 59 quốc gia, trong đó có Việt Nam, với thuế suất lên tới 46%. Mức thuế này được đưa ra nhằm "đối ứng" với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp với hàng hóa Mỹ, tức là khoảng 90%, theo cách tính của nước này.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, Việt Nam áp thuế với hàng nhập từ Mỹ "thấp hơn rất nhiều so với con số 90% mà Mỹ tính toán". Cụ thể, thuế suất bình quân Việt Nam áp dụng với hàng Mỹ chỉ khoảng 9,4%. Trong đó, phần lớn hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam chịu thuế cao nhất 15% hoặc thấp hơn.

Hôm 4/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Việt Nam - Mỹ còn không gian để đàm phán. "Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều nội dung và sẽ giải thích rõ, cụ thể hơn các chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, thuế và các nội dung liên quan khác phía Mỹ quan tâm", ông chia sẻ.

Quan điểm của Việt Nam khi trao đổi với các đối tác là "mong muốn xây dựng thương mại công bằng". Cùng với đó, Việt Nam cũng thể hiện là đối tác thương mại có trách nhiệm với các nước, sẵn sàng trao đổi, thống nhất để giải quyết vướng mắc trong quan hệ song phương.

Lãnh đạo các bộ ngành tham dự cuộc họp, chiều 5/4. Ảnh: TTXVN

Hôm qua, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Donald Trump, cho biết sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự với hàng nhập từ Việt Nam.

Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Mỹ cân nhắc tạm hoãn áp thuế từ 1-3 tháng để đàm phán, hướng tới đảm bảo công bằng về thuế.

Cuối tuần này, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Mỹ. Dự kiến, lãnh đạo Chính phủ sẽ trao đổi với phía Mỹ nhiều nội dung liên quan trực tiếp thuế đối ứng.

Theo số liệu từ Cục Hải Quan, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD. 

Các tin khác

4 ngôi sao bị ghét nhất

Dù là ngôi sao hạng A nhưng Dương Dương, Triệu Lộ Tư, Ngu Thư Hân, Thành Nghị đều vướng bê bối, nhiều yêu sách trong quá trình hợp tác bị người hâm mộ tẩy chay.

Ăn món kho hàng ngày có gây hại?

Gia đình tôi thường xuyên ăn cơm với cá, thịt kho vì ngon miệng, bổ sung năng lượng, nhưng lo ngại liệu tiêu thụ món kho hàng ngày có tốt? (Đào, 35 tuổi, Hưng Yên)

Doanh nghiệp đào vàng lớn nhất Việt Nam đang làm ăn ra sao?

Trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh mới, doanh nghiệp đào vàng lớn nhất Việt Nam cũng ghi nhận doanh thu lớn từ hoạt động khai thác. Tuy nhiên, có doanh nghiệp lại ghi nhận doanh thu bằng 0 vì giấy phép khai thác vàng hết hạn.