Công nghệ

Tính năng mới trên VNeID vừa được Bộ Công an triển khai, người dân cần biết!

Mới đây, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) chính thức công bố thí điểm Cổng ký số tập trung trên nền tảng ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược số hóa hành chính, hỗ trợ người dân ký số các tài liệu, hợp đồng điện tử một cách nhanh chóng và an toàn.

Tính năng mới cho phép người dùng VNeID đăng ký chứng thư chữ ký số, theo dõi lịch sử ký cũng như xem lại các chứng thư đã ký. Để sử dụng, người dân chỉ cần vào mục "Nhóm dịch vụ", chọn "Dịch vụ khác" rồi truy cập vào biểu tượng "Chứng thư chữ ký số" trên giao diện chính của ứng dụng VNeID.

Cổng ký số này là một phần thuộc hệ thống RS-HUB – nền tảng ký số tập trung do Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR) phát triển, phối hợp cùng các nhà cung cấp dịch vụ và đơn vị phần mềm trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, y tế.

Tính năng mới trên VNeID vừa được Bộ Công an triển khai, người dân cần biết!- Ảnh 1.

Tính năng mới cho phép người dùng VNeID đăng ký chứng thư chữ ký số, theo dõi lịch sử ký cũng như xem lại các chứng thư đã ký.

Theo đại tá Ngô Như Cường, nền tảng RS-HUB không chỉ tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai chữ ký số hiện tại mà còn đóng vai trò là hạ tầng quan trọng giúp đồng bộ hóa các hoạt động chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc. Việc triển khai trong năm 2025 được xem là bước đi mang tính chiến lược nhằm hiện thực hóa Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặt mục tiêu 100% các giao dịch công dân số phải được định danh, ký số và xác thực.

Hiện hệ thống đã kết nối kỹ thuật thành công với 5 nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng lớn gồm VNPT, Viettel, MISA, Nacencomm và Softdreams. Các đơn vị khác như FPT và BKAV cũng đang trong quá trình hoàn tất kết nối. Trong lĩnh vực ngân hàng, Vietcombank đã tích hợp ký số trong hầu hết quy trình nghiệp vụ; BIDV triển khai trong ứng dụng vay mua nhà; PVCombank áp dụng trong giải ngân. Ngành y tế cũng bắt đầu vào cuộc, với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là đơn vị đầu tiên thí điểm ký số trong quy trình khám chữa bệnh.

Các chuyên gia nhận định, việc triển khai Cổng ký số tập trung không chỉ là bước tiến công nghệ mà còn là chất xúc tác thúc đẩy kinh tế vĩ mô, giảm chi phí vận hành, nâng cao năng suất và hình thành một hệ sinh thái số toàn diện, hiệu quả. Đây cũng là tiền đề quan trọng để người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cùng chuyển mình theo hướng số hóa một cách đồng bộ, bền vững.

Nguồn: Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội


Các tin khác

VPBank lần đầu công bố Báo cáo Phát triển Bền vững

Với việc công bố Báo cáo Phát triển Bền vững, VPBank không chỉ ghi dấu cột mốc chiến lược trong tiến trình minh bạch hóa thông tin và quản trị rủi ro, mà còn định vị ESG như một trọng tâm trong tầm nhìn phát triển dài hạn.

Tặng hàng chục triệu gigabit, Viettel đẩy nhanh tiến độ phổ cập 5G

Từ ngày 26/5 đến 1/6/2025, Viettel tặng 6GB data miễn phí dành cho khách hàng đang sử dụng điện thoại 5G nhưng chưa truy cập mạng 5G từ tháng 4/2025 đến trước thời điểm đăng ký. Chương trình nhằm khuyến khích người dân “bật 5G” để trải nghiệm công nghệ mới và nâng cao nhận thức về lợi ích thiết thực của 5G trong đời sống số.

Bất lực ngăn cha mẹ già mắc bẫy lừa đảo

Dùng mọi cách khuyên nhủ, ngăn cản nhưng bố mẹ vẫn không nghe, anh Hùng tặc lưỡi chi hơn 100 triệu đồng để ông bà mua chiếc giường đá "có tác dụng chữa đau lưng".

Chuyên gia nói gì về đề xuất vay vốn của VinSpeed cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Đề xuất vay 80% vốn đầu tư không lãi suất trong 35 năm để thực hiện tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam của VinSpeed đã tạo nên nhiều tranh luận trái chiều. Nhìn từ góc độ tài chính công, chiến lược hạ tầng và bài toán phát triển công nghiệp dài hạn, giới chuyên gia cho rằng đây là một cách tiếp cận đáng cân nhắc.

Không thể gỡ nợ xấu nếu tín dụng bất động sản "đóng băng"

Tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu: Đâu là giải pháp hài hòa?” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 27/5, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cảnh báo: Nợ xấu đã vượt xa ngưỡng an toàn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, trong đó tài sản bảo đảm là bất động sản đang là nút thắt lớn cần tháo gỡ về mặt pháp lý để giải phóng hàng loạt “cục máu đông” của nền kinh tế.