Tôi viết những dòng này khi cuộc hôn nhân của mình vừa thoát khỏi vực thẳm tan vỡ chỉ trong gang tấc. Chỉ vì một hành động bốc đồng, nông nổi và có phần thiếu niềm tin, tôi đã suýt mất đi người phụ nữ gắn bó với tôi suốt bảy năm qua và đứa con gái nhỏ bé hằng ngày vẫn gọi tôi là “ba” bằng giọng nói líu lo trong trẻo.
Tôi và vợ quen nhau qua một người bạn. Cô ấy xinh đẹp, dịu dàng, làm kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu. Tôi làm kỹ sư xây dựng, thường xuyên phải đi công trình xa. Sau hai năm yêu nhau, chúng tôi cưới. Cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng cơ bản là hòa thuận. Vợ tôi khéo léo, biết thu vén. Tôi bận bịu, ít nói nhưng luôn cố gắng chu toàn kinh tế. Chúng tôi có với nhau một bé gái năm nay lên bốn.
Tuy gia đình hòa thuận nhưng khoảng thời gian xa cách thời gian đầu hôn nhân lại âm thầm gieo vào tôi những hạt mầm nghi ngờ. Có lần tôi về nhà bất ngờ giữa tuần thì thấy vợ đang nói chuyện điện thoại, giọng nhỏ, có vẻ lén lút. Khi tôi bước vào, cô ấy lập tức tắt máy. Tôi hỏi ai gọi thì cô ấy chỉ cười bảo bạn đồng nghiệp nhờ kiểm tra số liệu sổ sách. Tôi không hỏi thêm nhưng lòng vẫn lấn cấn.

(Ảnh minh họa: Sciences)
Có vài lần, trong những dịp công ty tổ chức hội họp hay tiệc tùng, tôi thấy vợ nhận được tin nhắn rồi nói “em đi với mấy chị phòng kế toán” mà không hề gửi ảnh hay gọi video. Tôi tôn trọng vợ nên không hoạnh họe nhưng trong lòng vẫn suy nghĩ.
Tôi từng lén mở điện thoại của vợ khi cô ấy ngủ. Không có gì bất thường. Zalo, Facebook, các tin nhắn đều sạch sẽ, nhưng tôi vẫn không yên tâm vì nghĩ có lẽ cô ấy xóa đi rồi.
Một ngày, khi ngắm con gái, tôi bỗng dưng nhận thấy con bé không giống mình, mắt to, da trắng hồng, mũi cao thon – những đặc điểm này cũng không giống vợ tôi. Nhận xét của một số người quen trước đó bỗng trở lại trong đầu khiến tôi ám ảnh: “Con bé xinh quá nhưng không giống ba chút nào”.
Không muốn bị dằn vặt mãi bởi sự nghi ngờ, tôi âm thầm lấy vài sợi tóc của con, kẹp vào túi nylon mang đến một trung tâm xét nghiệm AND. Ba ngày chờ đợi kết quả, tôi ăn không ngon, ngủ không yên, trong đầu hiện lên hàng loạt giả thuyết u ám, mỗi lúc một đáng sợ hơn. Tôi nghĩ về việc ly hôn. Tôi tưởng tượng cảnh vợ khóc lóc van xin và tự hỏi liệu mình có tha thứ…
Thật may là kết quả con bé đúng là máu thịt của tôi. Tôi thầm xấu hổ, cảm thấy có lỗi vì sự đa nghi của mình, nhưng vui mừng nhiều hơn. Để giấu nhẹm mọi chuyện, tôi hủy tờ kết quả, không ngờ lại quên mất giấy hẹn nhận kết quả và vợ tôi tìm thấy nó trong túi áo khi chuẩn bị giặt đồ.
Cô ấy ném tờ giấy trước mặt tôi và chẳng có cách nào khác, tôi đành thú nhận tất cả.
Vợ tôi không khóc, không la mắng, không làm ầm ĩ. Cô ấy chỉ im lặng, đứng dậy, lấy áo khoác, và bảo: “Em cần suy nghĩ”. Thái độ đó làm tôi sợ đến lạnh người. Mấy ngày sau, cô ấy không nói với tôi câu nào ngoài những lời tối thiểu khi có con gái. Tôi sống trong cảm giác bị trừng phạt, cố gắng thể hiện tốt nhất vai trò làm chồng, làm cha với thái độ hối lỗi.
Một tối, sau khi tôi ru con ngủ, vợ mới đến ngồi bên cạnh và bắt đầu kể tội tôi. Lúc đó tôi thở phào vì biết rằng cô ấy chịu mắng thì nhiều khả năng sẽ tha thứ. Tôi liên tục xin lỗi. Vợ bảo: “Anh nghi ngờ con mình. Nếu kết quả khác đi thì sao? Anh có định bỏ rơi con không? Một đứa trẻ chẳng làm gì sai, nhưng bị chính ba ruột đem ra xét nghiệm như một tội đồ”.
Vợ nói, cô ấy thực sự đã nghĩ đến ly hôn khi nhìn thấy tờ giấy đó, vì cảm thấy cả bản thân và con gái bị xúc phạm, tình cảm và lòng tin bị tổn thương.
Cũng phải mất mấy tuần sau đó, vợ tôi mới thực sự đối xử bình thường với tôi, không khí trong nhà mới ấm cúng trở lại. Tôi quá sợ nên sau đó phải nghiêm túc nhìn lại mình, học cách bộc lộ, chia sẻ những điều lấn cấn trong lòng, học cách tin tưởng, nhịn kiểm tra điện thoại của vợ hay tra hỏi cô ấy…
Mấy tháng qua, nghĩ lại chuyện cũ, tôi thấy hú vía vì đã suýt đánh mất mái ấm của mình.