Sức khỏe - Đời sống

Trào lưu tạo ảnh theo phong cách Ghibli bằng AI có vô tình "xóa mờ" bản quyền?

Tóm tắt:
  • Công cụ của OpenAI giúp người dùng biến ảnh thành tranh phong cách Ghibli, thu hút giới trẻ nhưng gây tranh cãi về đạo đức và bản quyền.
  • Trào lưu sử dụng AI để tạo hình ảnh Ghibli đang bùng nổ trên mạng xã hội, cho phép người không có kỹ năng hội họa tạo tác phẩm đẹp.
  • CEO OpenAI, Sam Altman, cho biết nhu cầu sử dụng công cụ này đã đạt mức "cực đoan", phản ánh sự phổ biến của AI trong nghệ thuật.
  • Họa sĩ Hayao Miyazaki từng chỉ trích AI trong nghệ thuật, cho rằng nó xúc phạm đến cảm xúc và trải nghiệm con người.
  • Vấn đề bản quyền nổi lên khi AI học từ tác phẩm của Studio Ghibli, đặt ra câu hỏi về quyền sáng tạo và công bằng cho nghệ sĩ.

Tràn ngập hình ảnh AI nhưng mang chất Ghibli

Gần đây, trào lưu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo hình ảnh theo phong cách Studio Ghibli đã trở thành "cơn sốt" trên mạng xã hội. Công cụ của OpenAI giúp người dùng nhanh chóng biến ảnh cá nhân hoặc phong cảnh thành những bức tranh mang đậm chất hoạt hình Ghibli.

Trào lưu tạo ảnh theo phong cách Ghibli bằng AI có vô tình "xóa mờ" bản quyền? ảnh 1

AI giúp mọi người có thể "bước vào thế giới Ghibli" - ước mơ mà trước đây chỉ có thể tưởng tượng khi xem phim. Ảnh: Studio Ghibli.

Không chỉ sử dụng AI để tạo ảnh cá nhân, Gen Z còn thử nghiệm với nhiều bối cảnh khác nhau, từ địa danh nổi tiếng đến những khung cảnh giả tưởng. Mạng xã hội nhanh chóng tràn ngập những hình ảnh mang phong cách Ghibli được tạo bằng AI. Những người không có kỹ năng hội họa nay đã có thể dễ dàng tạo ra tác phẩm đẹp mắt mà không cần tốn quá nhiều thời gian.

Bạn Ngô Hà Khuê (sinh năm 2004, Học viện Tài chính, Hà Nội) là một fan hâm mộ các bộ phim do studio Ghibli sản xuất, luôn muốn có những bức ảnh của riêng bản thân theo phong cách hoạt hình này để sử dụng với mục đích cá nhân chia sẻ: "Giờ đây có thể tạo ảnh theo phong cách Ghibli này rất thuận tiện, mình có thể thay avatar hình của mình theo phong cách mình muốn, ảnh chất lượng cũng rất đẹp."

Trào lưu tạo ảnh theo phong cách Ghibli bằng AI có vô tình "xóa mờ" bản quyền? ảnh 2

Một bức ảnh được cô bạn tạo theo phong cách Ghibli. Ảnh: NVCC

Sam Altman, CEO của OpenAI, cũng không nằm ngoài trào lưu khi cập nhật ảnh đại diện của mình thành một bức hình phong cách Ghibli do AI tạo ra. Ông chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng sự bùng nổ này khiến nhu cầu sử dụng công cụ của OpenAI đạt mức "cực đoan", cho thấy mức độ phổ biến của nó. Ông cho rằng điều này phản ánh sự thành công của AI trong việc mang nghệ thuật đến với đông đảo người dùng.

Trào lưu tạo ảnh theo phong cách Ghibli bằng AI có vô tình "xóa mờ" bản quyền? ảnh 3

CEO của OpenAI cũng thay avatar theo phong cách Ghibli. Ảnh: X nhân vật.

Tranh cãi về đạo đức nghệ thuật

Tuy nhiên, sự phổ biển của OpenAI cũng đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa sáng tạo công nghệ và sự tôn trọng nghệ thuật gốc. Phản ứng của họa sĩ Hayao Miyazaki, đồng sáng lập Studio Ghibli về AI trong nghệ thuật nhiều năm trước bỗng được nhắc lại. Dù ông chưa trực tiếp lên tiếng về trào lưu AI vẽ phong cách Ghibli, nhưng từ trước đến nay, ông luôn thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với AI trong sáng tạo.

Trong bộ phim tài liệu Never - ending man: Hayao Miyazaki năm 2016, khi được giới thiệu về một dự án hoạt hình sử dụng AI, ông Hayao Miyazaki đã thẳng thừng chỉ trích công nghệ này. Ông gọi nó là "một sự xúc phạm đến cuộc sống" và nhấn mạnh rằng nghệ thuật không chỉ là kỹ thuật mà còn là cảm xúc, trải nghiệm và tinh thần con người.

Trào lưu tạo ảnh theo phong cách Ghibli bằng AI có vô tình "xóa mờ" bản quyền? ảnh 4
Tranh vẽ chân dung họa sĩ Hayao Miyazaki. Ảnh: @maas.art

Một trong những tranh cãi lớn nhất xoay quanh việc AI tạo ảnh phong cách Ghibli là vấn đề bản quyền. AI học từ kho dữ liệu khổng lồ trên Internet, trong đó có cả những tác phẩm của Studio Ghibli. Việc mô phỏng phong cách vẽ của một hãng phim mà không có sự cho phép đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là hành vi xâm phạm quyền sáng tạo hay không.

Bạn Nguyễn Linh Anh (sinh viên năm 4 ngành thiết kế đồ họa, Đại học Kiến trúc, Hà Nội) chia sẻ: “Trend tạo ảnh bằng AI quả thực rất thu hút mọi người vì nó dễ dùng và tạo hình đẹp. Tuy nhiên, việc tạo ảnh dễ dàng như vậy sẽ bất công với những người thực sự bỏ công sức nghiên cứu để tạo ra một tác phẩm mang tính cá nhân.”

Những tranh cãi gần đây đòi hỏi các nền tảng AI cần có chính sách minh bạch hơn về cách thức thu thập dữ liệu và đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ gốc.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (8/4), khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có sương mù nhẹ, trời có mưa phùn, mưa nhỏ rải rác, ban ngày nhiều mây, ít mưa. Dự báo hình thái thời tiết này còn duy trì ở miền Bắc đến ngày 11/4. Từ 12/4, miền Bắc có thể đón không khí lạnh. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay ít mưa, ngày nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Người trẻ nghiện mạng xã hội

Theo báo cáo “Cuộc sống số của người Việt Nam” (Digital life among Vietnamese) vừa được Q&Me phát hành, bạn trẻ trong nhóm tuổi từ 18-29 tuổi, đa phần (31%) dành 2-3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, 20% sử dụng mạng xã hội trong 3-4 giờ mỗi ngày, 19% cho biết họ đang tiêu thụ các nội dung trên mạng xã hội trong hơn 5 tiếng mỗi ngày. Đáng chú ý, thời lượng dành cho các nền tảng truyền thông xã hội đặc biệt cao ở những người trong độ tuổi 20.

Canh bạc của Mono

TPO - Trở lại đường đua nhạc Việt với MV "Ôm em thật lâu", Mono thử sức với một ca khúc Rn'B thuần nặng về vocal. Kết quả xảy ra với em trai Sơn Tùng M-TP là mọi thứ đầy thách thức.