Giáo dục

Trung tâm dạy thêm tràn lan, phụ huynh phải đóng phí cao hơn, kiểm soát ra sao?

Tóm tắt:
  • Sau Thông tư 29, phụ huynh phải trả học phí cao hơn cho học thêm tại các trung tâm.
  • Nhiều trung tâm dạy thêm xuất hiện, học phí tăng theo tỷ lệ thuận.
  • Phụ huynh lo lắng về chất lượng kiến thức dạy tại trung tâm so với trường học.
  • Các chuyên gia đề xuất cần có quy định về mức phí tối đa và kiểm soát học phí.
  • Giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng giáo dục chính khóa và giảm áp lực thi cử.

Gửi ý kiến về VietNamNet gần đây, không ít độc giả cho hay, các trung tâm dạy thêm học thêm mọc lên nhiều hơn, học phí cũng tăng theo. “Giờ không học thêm ở trường, tôi phải cho con ra ngoài trung tâm để học thêm. Kiến thức dạy ở trung tâm có giống như thầy cô dạy trên trường hay không thì tôi không thể biết được, nhưng chi phí bỏ ra cao hơn nhiều”, một phụ huynh chia sẻ. 

Một người khác phàn nàn: “Cấm học thêm ở trường, thầy cô lại ra trung tâm dạy, cuối cùng phụ huynh lại phải 'gồng mình' chi trả thêm phí học ở trung tâm”. Minh chứng cho điều này, một độc giả phản ánh, tại địa phương mình, trước kia học thêm trong trường, học sinh phải đóng 20.000-30.000 đồng/buổi, còn nay ra trung tâm 50.000-70.000 đồng/buổi.

Nhiều học sinh cho biết phải đi học thêm vì lo không vượt qua được các kỳ thi quan trọng. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế

Nhiều học sinh cho biết phải đi học thêm vì lo không vượt qua được các kỳ thi quan trọng. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là hệ quả đã được lường trước khi ban hành và triển khai Thông tư 29. 

“Các chuyên gia cũng đã quan ngại khi góp ý về thông tư. Điểm chính yếu ở đây là thời điểm thông tư có hiệu lực khi nếp quen trong tư duy học để ứng thí và nỗi sợ các kỳ thi khiến phụ huynh chưa thể yên tâm nếu con không được học thêm.

Mục đích của Thông tư 29 là tốt, muốn hướng đến nền giáo dục chất lượng, công bằng, không vượt quá khả năng chi trả nhưng chúng ta chưa có cơ chế và chính sách đi kèm để yêu cầu các trung tâm dạy thêm minh bạch phí đào tạo; qua đó quản lý mức phí một cách hợp lý. Chúng ta cũng chưa nghĩ đến các cơ chế quản lý đảm bảo chất lượng của các trung tâm có tương xứng với mức học phí đưa ra hay không”, ông Nam phân tích.

Do đó, theo ông Nam, để triển khai hiệu quả Thông tư 29 cần tiếp tục đánh giá, điều chỉnh và bổ sung các cơ chế quản lý phù hợp với những vấn đề phát sinh. “Để thay đổi căn cốt sẽ cần thời gian, khi nhận thức của cộng đồng thay đổi và chúng ta cũng chờ thêm tín hiệu tích cực từ các đề án khác của Chính phủ đang triển khai như Bình dân học vụ số...”, ông Nam nói.

Ông cho rằng, giải pháp kiểm soát việc nâng học phí của các trung tâm dạy thêm trong ngắn hạn là phải yêu cầu minh bạch thông tin về thu phí để giám sát chặt chẽ. 

“Cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định về mức phí tối đa cho việc dạy thêm - học thêm cụ thể với từng cấp học. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và đảm bảo rằng mọi điều chỉnh về học phí đều phải được giải trình chính đáng. Nhưng giải pháp bền vững hơn là cần nâng cao chất lượng giáo dục chính khóa, nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên. Ngoài ra, cũng nên xem xét việc số hóa những bài giảng chất lượng của chương trình chính khóa và giáo viên giỏi để những học sinh chậm hơn có thể theo dõi lại và không phải quá phụ thuộc vào học thêm”, ông Nam nói.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng, các trung tâm đưa ra mức phí học thêm cao hơn trong trường học hoặc học thêm tại nhà giáo viên như trước đây cũng là điều dễ hiểu. “Họ phải đăng ký kinh doanh, đóng thuế, thuê mặt bằng, chi phí cho quản lý,... buộc chi phí đội lên”, ông Vinh giải thích.

Theo ông, hoạt động này vận hành theo kinh tế thị trường song không thể tăng theo kiểu vô tội vạ. “Các địa phương phải kiểm soát việc này, cụ thể là ban hành mức trần thu phí học thêm tùy theo quy mô của cơ sở. Các địa phương cũng có thể cân nhắc việc tạo điều kiện cho các trung tâm thuê cơ sở vật chất, mặt bằng ở khu vực nhà văn hóa,... và cam kết giảm mức thu với người học. Về cơ bản, nhà nước và địa phương phải tính cách giảm phí trung gian”, ông Vinh nói. Về lâu dài, các trường tăng cường tổ chức dạy học miễn phí, tư vấn online cho học sinh...

Tuy nhiên, theo ông Vinh, muốn giải quyết việc các trung tâm dạy thêm mọc lên tràn lan phải trị từ gốc. “Việc học thêm suy cho cùng khó mất đi, bởi xuất phát từ những áp lực thi cử đầu cấp, cạnh tranh trường chuyên, lớp chọn; hệ thống giáo dục không hoàn thiện như trường công quá ít nên cạnh tranh nhau suất học...”, ông nói.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

10 cấm kỵ khi dùng đũa

Trên mâm cơm của người Việt có một số quy tắc ứng xử liên quan đến đôi đũa nhưng không phải người trẻ nào cũng biết.

Có gì ở bộ phim siêu anh hùng đầu tiên của Việt Nam?

Sau hơn 6 năm, phim siêu anh hùng "made in Việt Nam" được trình làng. “Chiến thần Lạc Hồng" lấy cảm hứng từ huyền sử, mở đầu bằng hành trình thức tỉnh cổ vật ngàn năm, phim nhận về nhiều ý kiến tranh luận sau khi lên sóng tập 1.

Thái Hòa: "Tôi gặp một biến cố, tưởng là chết luôn, đớn đau lắm"

Trong cuộc phỏng vấn của Tiền Phong, Thái Hòa cho biết anh trải qua nhiều thăng trầm của nghề diễn viên, nhận ra bản thân "đã kiếm đủ tiền". Nam diễn viên nói anh hài lòng cuộc sống hiện tại sau khi trải qua biến cố gần như không sống nổi, mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý mức độ nặng.

Săn mây ở miền sơn cước yên bình Hang Kia - Pà Cò

Hang Kia - Pà Cò (huyện Mai Châu, Hòa Bình) mang vẻ đẹp của miền sơn cước yên bình, khung cảnh kỳ vĩ với biển mây trắng vắt ngang lưng chừng núi. Tới đây, du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên, khám phá văn hóa người bản H'Mông.