Thay đổi thuế quan đột ngột: Cú sốc với ngành ô tô Anh
Việc Jaguar Land Rover (JLR) – một trong những biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô Anh quốc – vừa tuyên bố tạm dừng vận chuyển xe sang thị trường Hoa Kỳ, sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế mới mà ông gọi là “Ngày giải phóng” – một thay đổi được xem là bước ngoặt lớn trong thương mại toàn cầu kể từ Thế chiến thứ hai.

Trong một tuyên bố chính thức, người phát ngôn của JLR cho biết: “Hoa Kỳ là một thị trường then chốt đối với các thương hiệu xe sang của Jaguar Land Rover. Trong khi chúng tôi đang làm việc với các đối tác để thích nghi với các điều khoản thương mại mới, công ty sẽ thực hiện một số điều chỉnh ngắn hạn, bao gồm việc tạm ngưng các chuyến hàng trong tháng Tư, để có thời gian xây dựng các kế hoạch trung và dài hạn.”
Quyết định của JLR được đưa ra ngay sau khi Hoa Kỳ chính thức áp mức thuế cơ bản 10% với tất cả hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả xe ô tô từ Anh, đồng thời có thể bổ sung thêm mức thuế 25% đối với ô tô sản xuất ở nước ngoài. Đây là một cú đánh mạnh vào các hãng xe có nguồn gốc hoặc đang sản xuất từ các nhà máy đặt tại nước Anh như Jaguar Land Rover, BMW và Aston Martin, những thương hiệu đã gặt hái nhiều thành công tại thị trường Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh Johnathan Reynolds cho biết: “Một số thương hiệu ô tô mang tính biểu tượng của chúng tôi có chỗ đứng rất vững chắc tại Mỹ. Chính phủ đang phối hợp chặt chẽ với các nhóm trong ngành để đảm bảo tính nhất quán và liên tục trong chính sách, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại với các bên vẫn đang diễn ra.”
Tại Anh, những lo ngại về việc làm và gián đoạn chuỗi cung ứng đang gia tăng, đặc biệt ở các địa phương có nhà máy sản xuất ô tô. Trong khi đó, Jaguar Land Rover vẫn trấn an khách hàng rằng doanh nghiệp có đủ năng lực để thích nghi và tiếp tục duy trì hoạt động trong bối cảnh chính sách thương mại thay đổi.
Người tiêu dùng Mỹ cũng ảnh hưởng
Theo The Sun, Mỹ nhập khẩu hàng hóa trị giá 60,4 tỷ bảng Anh từ Vương quốc Anh, cao hơn một chút so với 57,9 tỷ bảng hàng xuất khẩu sang Anh, có nghĩa là Anh vẫn đang xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ nhiều hơn so với chiều ngược lại. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không đáng kể và vẫn bị áp thuế 10%.
Không riêng gì Anh, hàng loạt quốc gia và khu vực cũng đang phải đối mặt với mức thuế tăng vọt khi xuất khẩu sang Mỹ theo chính sách thuế quan mới của ông Donald Trump. Cụ thể, Trung Quốc chịu mức thuế 34% và có thể lên đến 50% khi cộng dồn các mức thuế hiện hành; Đài Loan là 32%; Nhật Bản là 24%; Liên minh châu Âu (EU) ở mức 20%, cao hơn so với mức dành cho Anh.

Chia sẻ với The Sun, nhà báo Ross Clark nhận định, đây là một “cú đấm đau điếng” không chỉ đối với các nhà sản xuất nước ngoài, mà còn là đòn giáng mạnh vào chính người tiêu dùng Mỹ khi giá cả hàng nhập khẩu nói chung và giá ô tô nói riêng có thể tăng vọt.
Nếu các nhà sản xuất nước ngoài hạn chế xuất khẩu sang Mỹ vì chi phí cao, thị trường tiêu dùng sẽ trở nên kém phong phú hơn. Người tiêu dùng có thể phải chấp nhận lựa chọn ít hơn và chất lượng không như mong đợi.
Không chỉ ô tô, mà các linh kiện, phụ tùng thay thế nhập khẩu cũng sẽ trở nên đắt đỏ. Điều này ảnh hưởng đến chi phí sửa chữa, bảo trì – đặc biệt với những người đang sở hữu xe ngoại.
Ngoài ra, việc giá hàng hóa nhập khẩu tăng có thể góp phần đẩy lạm phát lên cao hơn. Người dân Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho cùng một mức tiêu dùng – làm giảm sức mua và ảnh hưởng đến chất lượng sống.
(Theo The Sun)
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!