XEM TRỰC TIẾP
Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tổ chức lúc 7h tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), hội trường Thống Nhất (TPHCM) và hội trường T50, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi.
Linh xa chở di hài ông sẽ đi qua hàng loạt tuyến phố Hà Nội để ra sân bay Nội Bài di chuyển đến sân bay Chu Lai (Quảng Nam), sau đó về đến quê nhà xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Lễ an táng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương diễn ra lúc 15h.
Lễ truy điệu và an táng được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Ông Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, sinh ngày 5/5/1937; quê quán: xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi.
Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Xe chở linh cữu chuẩn bị rời nhà tang lễ trong tiếng kèn trầm buồn
Đoàn người xếp thành lối cho xe chở linh cữu tiến ra cổng. Phía bên ngoài, hai bên đường Trần Thánh Tông, người dân đứng trang nghiêm, tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương rời Nhà tang lễ quốc gia.

Lễ di quan linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Bắt đầu lễ di quan, đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương ra sân bay Nội Bài để về quê nhà Quảng Ngãi.
Các sĩ quan QĐND Việt Nam và Đội nghi lễ chuẩn bị các thủ tục để tiến hành lễ di quan. Các sĩ quan QĐND Việt Nam rước di ảnh, khung gắn Huân chương, Huy chương của nguyên Chủ tịch nước.
Tiếp đó, 3 chiến sĩ tiêu binh rước di ảnh, Huân huy chương và cờ Tổ quốc phủ trên di quan ra khỏi nhà tang lễ.
Phía sau, các chiến sĩ tiêu binh chia làm hai hàng khiêng linh cữu ra sân nhà tang lễ - nơi đặt cỗ linh xa.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường đặt tay lên linh cữu, đưa tiễn nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương ra ngoài nhà tang lễ, tiến về phía linh xa. Phía sau là gia quyến, các đại biểu tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước.



Gia quyến và lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Sau lời cảm tạ của ông Trần Tuấn Anh, trong tiếng nhạc "Hồn tử sĩ", bà Nguyễn Thị Vĩnh, Phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu đoàn gia quyến đi vòng quanh linh cữu, tiễn biệt ông lần cuối. Bà bật khóc nức nở.
Sau đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu lần lượt đi vòng quanh linh cữu tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước. Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đi chậm rãi vòng quanh.
Ông Trần Tuấn Anh, con trai nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi lời cảm ơn của gia đình
Sau khi Chủ tịch nước đọc điếu văn, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gia đình và những người có mặt tại Nhà tang lễ quốc gia dành một phút mặc niệm nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.



Ông Trần Tuấn Anh, con trai nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương thay mặt gia quyến nói lời cảm ơn các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương, lãnh đạo các nước, bạn bè quốc tế...

Trong niềm xúc động vô hạn và nỗi đau khôn nguôi, thay mặt gia quyến, ông Trần Tuấn Anh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả đại biểu đến dự lễ truy điệu và tiễn đưa cha ông trong hành trình cuối của cuộc đời.
"Trước hết, gia đình chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ Quốc tang để tưởng nhớ và tri ân những đóng góp to lớn của ba tôi đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành đoàn thể trung ương cũng như địa phương, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các vị khách trong nước và quốc tế đã gửi vòng hoa điện chia buồn, tới trực tiếp để viếng và tiễn đưa ba tôi", ông Trần Tuấn Anh nói.
Ông cũng bày tỏ sự biết ơn đối với tập thể các giáo sư, chuyên gia, y bác sĩ, điều dưỡng của ngành y, đặc biệt của bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đã hết sức tận tình và trách nhiệm chăm sóc, điều trị chu đáo kịp thời nguyên Chủ tịch nước...
"Gia đình tôi vô cùng trân trọng những tình cảm đặc biệt của đồng bào quê hương Quảng Ngãi - nơi ba tôi sinh ra, lớn lên và đi theo cách mạng. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến quê hương đã dành những tình cảm trân quý và tiễn đưa ba tôi trong những giờ phút cuối", ông chia sẻ.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết, suốt cuộc đời, ba ông đã sống, làm việc và cống hiến không mệt mỏi vì lý tưởng cách mạng cao đẹp, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Dù ở bất cứ cương vị nào, từ người cán bộ địa chất đến Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng với công việc, gần gũi với nhân dân và giản dị trong lối sống.
"Trong công việc và cuộc sống, ba đã dạy chúng tôi bài học về lòng yêu nước, về sự tận tâm với công việc, về cách sống chân thành, giản dị, khiêm nhường và những trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân. Những lời dạy và tấm gương của ba sẽ luôn là hành trang cho các thế hệ con cháu chúng tôi trong cả công tác và cuộc sống", ông Trần Tuấn Anh nói.
Với gia đình, ông Trần Đức Lương là người chồng mẫu mực suốt đời thủy chung, luôn là chỗ dựa vững chắc cho toàn thể gia đình. "Tình yêu giản dị mà sâu đậm của ba mẹ tôi đã cho chúng tôi được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình bình dị nhưng luôn tràn đầy hạnh phúc".
Ông Trần Tuấn Anh bày tỏ: Giờ đây, ba tôi đã an nghỉ nhưng trong trái tim mỗi người thân, hình ảnh và di sản tinh thần của ông sẽ luôn sống mãi cùng với gia đình. "Chúng tôi nguyện sẽ tiếp bước con đường mà ba chúng tôi đã đi, luôn sống và tận hiến để góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà ba chúng tôi đã cống hiến trong cả cuộc đời mình".
"Ba ơi! Ba đã sống một đời trọn vẹn nghĩa tình với Đảng, với dân, với nước, với quê hương và với cả gia đình. Di sản của ba để lại không chỉ là những thành tựu trong sự nghiệp cách mạng mà còn là tình yêu thương, trí tuệ, sự tận tụy, lòng nhân ái và cả đức khiêm nhường. Chúng con xin hứa sẽ sống sao cho xứng đáng với những gì ba đã dạy dỗ", ông bày tỏ.
Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương bắt đầu
Tại Nhà tang lễ quốc gia, dự lễ truy điệu có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng gia quyến và nhân dân.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban tổ chức lễ tang tuyên bố bắt đầu lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Phó Thủ tướng cho biết, những ngày qua, tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, đã có hơn 800 đoàn đại biểu với 10.500 người là đại diện các cơ quan, đoàn thể Trung ương, địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, các tổ chức, cá nhân trong nước, đại biểu quốc tế và đồng bào, đồng chí đã đến viếng nguyên Chủ tịch nước tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), hội trường Thống Nhất (TPHCM) và hội trường T50, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi.

Nhiều lãnh đạo các nước, bạn bè quốc tế đã đến viếng, chia buồn với Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến nguyên Chủ tịch nước.
Sau lời tuyên bố ngắn gọn, tiếng nhạc Tiến Quân ca vang lên. Nhạc Quốc ca kết thúc, Chủ tịch nước Lương Cường, Trưởng Ban lễ tang, bước lên bục đọc lời điếu.

Chủ tịch nước Lương Cường điểm lại tiểu sử, quá trình công tác của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Ông nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong việc thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng góp phần đưa nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức của thời kỳ đầu Đổi mới.
Ông Trần Đức Lương đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của đất nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam, đóng góp cho hòa bình, ổn định của Việt Nam, khu vực và thế giới.


Hơn 9.000 lượt người viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Ngày 24/5, có 655 đoàn (với khoảng 9.300 lượt người) là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đã đến các địa điểm tại 3 miền để dự Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng và tiếc thương đối với nhà lãnh đạo đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Theo quy định, lực lượng phục vụ Lễ truy điệu có 4 sĩ quan túc trực bốn góc linh cữu; 6 chiến sĩ bồng súng túc trực đứng bên ngoài; 2 chiến sĩ tiêu binh đứng trước cửa nhà tang lễ; 1 tổ Quốc kỳ; 1 tổ Quân kỳ; lực lượng danh dự ba Quân chủng (127 cán bộ, chiến sĩ), quân nhạc phục vụ Lễ truy điệu.
Lực lượng phục vụ Lễ đưa tang có 1 sĩ quan mang ảnh, 1 sĩ quan mang gối Huân chương, 1 sĩ quan quấn cờ. Đội công tác gồm 1 sĩ quan và 12 chiến sĩ khiêng linh cữu; 7 chiến sĩ chuẩn bị xe tang; lực lượng danh dự ba Quân chủng.
Phương tiện phục vụ Lễ tang do Bộ Quốc phòng chuẩn bị gồm: 1 xe chỉ huy; 1 xe chở Quốc kỳ, ảnh, gối Huân chương; 1 xe chở Quân kỳ; 6 xe chở đội hình danh dự; 1 xe hoa; 1 xe kéo xe tang (phía cuối xe tang là khẩu lựu pháo 122mm); 1 xe dự phòng; 2 xe thông tin, 1 xe cứu thương.