Gần đây tôi xem lại phim Sex Education. Không phải để giải trí, mà vì tôi đã không biết làm cách nào để nói chuyện với con trai mình – đứa trẻ mà tôi một tay nuôi lớn, một mình bảo bọc suốt 17 năm trời.
Tôi là mẹ đơn thân, chồng tôi không may bị tai nạn giao thông khi con trai tôi mới 3 tháng tuổi. Nhà nội và cả nhà ngoại đều khó khăn nên tôi phải làm hai công việc cùng lúc, tiết kiệm từng đồng, không cho phép mình mua sắm, không một lần đi du lịch – tất cả chỉ để lo cho con có một tương lai đủ đầy.
Tôi đã dành dụm từng khoản, vạch sẵn mọi kế hoạch: Con sẽ học trường nào, thi ngành gì, thậm chí cả chi phí đi du học – tôi cũng đã âm thầm chuẩn bị từ sớm.
Tôi nghĩ mình đang hy sinh vì con. Nhưng càng cố lo, tôi càng thấy con ngày một xa cách.
Con trai tôi dạo gần đây trở nên lầm lì, ít nói. Mọi câu hỏi của tôi đều nhận lại những câu trả lời cụt ngủn, hoặc là sự im lặng mệt mỏi. Tôi trách con vô tâm. Tôi thậm chí từng bật khóc mà nói rằng: “Mẹ sống cả đời vì con, sao con lại lạnh nhạt với mẹ như thế?”.

Jackson
Cho đến một tối, tôi xem đến đoạn Jackson - một nhân vật trong phim Sex Education nói chuyện với mẹ mình. Tôi không nhớ từng chữ, chỉ nhớ cậu ấy cầu xin mẹ hãy để cậu được tự tìm ra con người mình, được làm những gì mình thực sự yêu thích, không sống theo kỳ vọng của ai khác. Jackson là một nam sinh nổi bật, là ngôi sao ở trường, cậu bơi lội rất giỏi. Nhưng Jackson không thực sự mê bơi, cậu mệt mỏi, phải gồng mình vì mong muốn của mẹ. Có lần, nam sinh này còn cố làm mình bị thương để không phải bơi.
Tôi thấy nghẹn ở cổ. Vì tôi biết mình cũng giống như người mẹ trong phim – đã sống cả một đời để lo cho con, và cũng đang vô tình bóp nghẹt chính sự trưởng thành của con.
Tôi nhận ra mình đã sai...
Làm mẹ đơn thân, tôi từng tin rằng, để con không khổ thì chỉ có cách duy nhất là kiểm soát mọi thứ. Tôi nghĩ con cần một lộ trình an toàn, một đích đến chắc chắn, và người vẽ đường cho con – chỉ có thể là tôi. Nhưng tôi đã sai.
Tôi quên mất rằng con không còn là một đứa trẻ. Con đã bắt đầu biết nghĩ, biết cảm, và biết muốn những điều khác với tôi. Tôi không hề hỏi rằng con thực sự muốn học gì, thích điều gì, mơ về điều gì. Tôi chỉ gói ghém tất cả ước mơ của mình và đặt nó lên vai con – gọi đó là “tình thương”.
Nhưng con cần nhiều hơn thế. Con cần được lắng nghe, được tin tưởng. Cần một người mẹ không chỉ lo cho con sống tốt, mà còn tin rằng con đủ khả năng để tự mình chọn lấy con đường sống đúng.
Sau hôm đó, tôi không nói chuyện với con bằng mệnh lệnh nữa. Tôi hỏi con: “Nếu không học ngành mẹ chọn, con muốn học gì?”, và lần đầu tiên sau nhiều tháng, tôi thấy con rạng rỡ khi trả lời.
Tôi biết, mình vẫn sẽ tiếp tục lo cho con – vì làm mẹ thì chẳng bao giờ ngừng lo. Nhưng tôi cũng dần dần học cách buông tay. Không phải vì hết quan tâm, mà vì tôi tin con đã đủ lớn để tự đi, đủ mạnh để tự tìm ra ánh sáng của riêng mình.
Tôi từng nghĩ hy sinh là làm mọi thứ cho con. Nhưng giờ tôi hiểu: Yêu con thật sự, là để con được sống một cuộc đời đúng nghĩa – cuộc đời của chính con, chứ không phải là một con rối đi theo sợi dây chỉ dẫn của mẹ!