Đây là thông tin được chủ tịch Phòng Thương mại Trang sức Istanbul (İKO) Mustafa Atayık chia sẻ trên Hurriyet - tờ báo lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, được trích lại bởi Kitco News.
Theo đó, Atayık ước tính gần 5.000 tấn vàng được người dân cất giữ tại nhà, với tổng giá trị hơn 500 tỷ USD. Theo Atayık, “sự thiếu tin tưởng” vào tiền tệ và các tổ chức tài chính là lý do khiến nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục giữ tài sản tiết kiệm ở nhà.
Lượng vàng nói trên là rất lớn nếu so với số vàng mà các nước lớn trên thế giới nắm giữ.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mua ròng từ đầu năm lên 17 tấn, nâng dự trữ vàng đạt 2.296 tấn. Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) nắm giữ khoảng 2.300 tấn vàng. Mỹ vẫn là quốc gia sở hữu dự trữ vàng lớn nhất với khoảng 8.133 tấn. Đức có khoảng 3.350 tấn, Italia (2.452 tấn) và Pháp (2.437 tấn).
Atayık đang đề xuất thành lập một “ngân hàng vàng” (Gold Bank) dành cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ngân hàng chuyên biệt này sẽ do İKO điều hành với tư cách pháp nhân công. Các thợ kim hoàn có thể tham gia dưới dạng hợp tác xã, nắm giữ vốn bằng vàng, nhận hỗ trợ từ chính phủ. Đồng thời, ngân hàng sẽ chuẩn hóa quy tắc và thông lệ nhằm đưa lượng vàng giấu “dưới đệm” (của người dân) vào nền kinh tế.

Atayık cho biết chưa đến một nửa lượng vàng nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ được dành cho ngành trang sức. "Chỉ có khoảng 40-50% tổng lượng vàng nhập khẩu thực sự được ngành này sử dụng", ông nói.
Ông đã trích dẫn dữ liệu từ Hiệp hội khai thác vàng cho thấy tính đến năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ có 18 địa điểm khai thác vàng đã hoàn tất các nghiên cứu khả thi và đơn xin cấp phép.
Atayık cho biết sản lượng vàng khai thác tại Thổ Nhĩ Kỳ đạt 35,5 tấn vào năm 2023 và đạt 32,2 tấn vào năm 2024. Và Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng sản lượng trong nước và tái chế vàng phế liệu, qua đó có thể đáp ứng nhu cầu mà không phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, tránh được dòng tiền chảy ra nước ngoài và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu thô tại địa phương.
Trong nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ phải vật lộn với đồng nội tệ mất giá và lạm phát phi mã. Đây cũng là lúc quốc gia này chứng kiến mức độ buôn lậu vàng kỷ lục.
Theo báo cáo của Mackenzie Crow, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã thu giữ khoảng 350 kg vàng lậu tại các cửa khẩu biên giới trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2024, vượt 60% tổng số vàng bị thu giữ trong toàn bộ năm 2023.
Nhu cầu cực lớn đối với kim loại quý này dẫn đến mức giá vàng tại Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn khoảng 5.000 USD/kg so với giá quốc tế. Nó khiến nhiều người cũng như tội phạm có tổ chức muốn kiếm lời nhanh chóng.
Nguyên nhân cơ bản của sự gia tăng buôn lậu chủ yếu là do sức cầu trong nước cao và mức giới hạn do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt đối với nhập khẩu vàng. Hệ thống hạn ngạch nhập khẩu vàng thỏi của chính phủ, nhằm thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai, đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đẩy mức chênh giá với thế giới lên cao.
Theo Mehmet Ali Yildirimturk, Phó chủ tịch Hiệp hội thợ kim hoàn, gần đây hầu như không có người bán vàng, trong khi có nhiều người mua nhỏ lẻ. Nhu cầu không thể đáp ứng khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải hạn chế nhập khẩu.
Chính sách tiền tệ thắt chặt và hạn ngạch nhập khẩu vàng đang được áp đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ là những nỗ lực nhằm ổn định nền kinh tế, nhưng cũng dẫn đến những thách thức trong việc quản lý nhu cầu vàng như một tài sản trú ẩn an toàn truyền thống.