Trong một diễn đàn dành cho các phụ huynh mới đây, một bà mẹ TP.HCM bất ngờ đăng tải dòng chia sẻ đầy tuyệt vọng: "Em có một cậu con trai năm nay lên lớp 7 mà em không biết dạy nổi không. Theo các chị, tuổi này mà đã biết cãi mẹ, nói láo, thách thức, thậm chí chửi mẹ điên với những từ thô tục nhất thì liệu có đáng vứt đi chưa ạ?" - Câu hỏi ấy khép lại bằng một lời thì thầm khiến nhiều người chạnh lòng: "Em thấy mình rơi vào trầm cảm, có lúc chỉ muốn biến mất khỏi cuộc đời này".
Giữa hàng trăm lời bình luận, nhiều người đã nhìn thấy hình ảnh của chính mình, từng trải qua hoặc đang đi qua những ngày tháng "không thể hiểu nổi con".
Một người mẹ có hai con trai, một đang học đại học, một đã đi làm chia sẻ lại trải nghiệm từng khiến chị suy sụp: "Tôi từng bị chính con trai lớn suýt tác động vào đầu trong một lần cãi nhau. Khi đó, tôi hoảng loạn và nghĩ: 'Con mình đã hỏng thật rồi sao?'".
Nhưng sau cơn sốc ấy, chị chọn cách lùi lại. Không phải để chịu đựng, mà để quan sát: điều gì đã đẩy con đến giới hạn như vậy? Và liệu mình có thể làm gì khác, ngoài la mắng hay đòn roi? Chị bắt đầu bằng một cái ôm, một câu xin lỗi, không phải vì mình sai, mà để mở ra một cuộc trò chuyện bình tĩnh. Từ đó, hai mẹ con dần tìm được tiếng nói chung.

Ảnh minh hoạ
Một phụ huynh khác kể lại khoảnh khắc tình cờ đọc được nhật ký của con lớp 6, trong đó hình ảnh người mẹ bị khắc họa đầy giận dữ và oán trách. "Tôi sốc và buồn", chị nói, "nhưng tôi không trách con. Tôi tự hỏi: phải chăng con đang chất chứa điều gì mà chưa từng nói ra?".
Từ đó, chị không thay đổi hoàn toàn cách dạy con: Giảm rao giảng, tăng thời gian trò chuyện trước giờ ngủ, tìm những điều nhỏ bé để khen con mỗi ngày. Và chị nhận ra, chính sự dịu dàng và kiên nhẫn mới là liều thuốc chữa lành mối quan hệ mẹ con đang rạn nứt.
Tuổi dậy thì là giai đoạn nhiều thay đổi, cả về sinh lý và tâm lý. Những biểu hiện như phản kháng, cãi lại, thậm chí dùng lời lẽ nặng nề… không hẳn là dấu hiệu "hư hỏng" mà là cách trẻ phát tín hiệu rằng: "Con đang bối rối. Con cần mẹ hiểu". Trong giai đoạn này, trẻ rất cần cảm giác được công nhận và yêu thương, điều mà không ít cha mẹ vô tình quên mất giữa bộn bề cuộc sống và áp lực thành tích.
Vậy cha mẹ nên làm gì khi con nổi loạn?
Không ai sinh ra đã giỏi làm cha mẹ. Không ai dạy chúng ta cách giữ bình tĩnh khi bị chính con mình sỉ nhục. Và không phải ai cũng có điều kiện tâm lý, vật chất, thời gian để "làm bạn với con" như sách vở thường khuyên. Một người mẹ đơn thân, gồng gánh hai vai, lại càng dễ bị đẩy vào ngõ cụt khi đứa trẻ trước mặt không còn nghe lời, mà phản kháng bằng cách làm đau người đã sinh ra nó.
Trong hoàn cảnh đó, người mẹ cần được lắng nghe và hỗ trợ. Ngược lại, những đứa trẻ, dù đang ở tuổi "nổi loạn", cũng cần học rằng: Cảm xúc không bao giờ là lý do để tổn thương người khác. Trẻ có thể tức giận, nhưng không thể chửi bới hay sỉ nhục mẹ cha. Trẻ có thể bối rối, nhưng vẫn phải học cách kiểm soát hành vi, nếu không muốn những bức tường cảm xúc dựng lên mãi mãi giữa mình và gia đình.
Vậy cha mẹ nên làm gì khi con nổi loạn, hỗn hào và phản ứng dữ dội? Điều đầu tiên không phải là mắng hay trừng phạt, mà là dừng lại để hạ nhiệt. Khi con đang gào thét, bạn càng quát to thì chỉ đẩy mối quan hệ đến bờ vực đổ vỡ. Hãy tạm rút lui, không phải để "chịu thua", mà để giữ lại một cánh cửa cho đối thoại sau này.
Sau khi bình tĩnh, bạn cần làm 3 việc rõ ràng:
Thứ nhất, xác định ranh giới và nguyên tắc tối thiểu trong gia đình. Con có thể giận, nhưng không được xúc phạm người khác. Hãy nói điều đó rõ ràng, bình tĩnh nhưng dứt khoát. Không né tránh. Không xuống nước.
Thứ hai, chủ động mở một cuộc đối thoại, nhưng không nhằm "dạy dỗ" mà để lắng nghe. Có thể bắt đầu bằng câu: "Mẹ biết dạo này con rất dễ nổi nóng. Mẹ muốn hiểu điều gì khiến con như vậy". Cuộc nói chuyện đầu tiên có thể không đi đến đâu, nhưng sự kiên nhẫn sẽ khiến con dần mở lòng.
Thứ ba, tìm sự trợ giúp từ bên ngoài nếu cảm thấy bất lực: Một người thân mà con nể, một giáo viên hiểu tâm lý, hoặc một chuyên gia tư vấn. Nhiều cha mẹ cố gắng xoay xở một mình trong im lặng, để rồi kiệt sức. Trong khi chỉ cần một người trung gian phù hợp, mối quan hệ mẹ-con có thể được gỡ nút một cách nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Cùng lúc đó, trẻ cũng cần hiểu: cảm xúc là để được lắng nghe, chứ không phải để làm tổn thương người khác. Con có thể buồn, chán nản, áp lực nhưng nếu dùng ngôn từ cay nghiệt với mẹ, con cần học cách xin lỗi và sửa sai.
Và nếu con vẫn tiếp tục bất cần, từ chối thay đổi sau nhiều lần cha mẹ nhẹ nhàng góp ý, thì đã đến lúc cần có giới hạn rõ ràng.
Cha mẹ không nên im lặng cho qua hay nhún nhường đến mức đánh mất uy tín của mình. Trong tình huống đó, cần áp dụng những biện pháp rắn nhưng không bạo lực, ví dụ: tạm thời giới hạn quyền lợi (thiết bị, tiền tiêu vặt, thời gian giải trí…), kết hợp với việc giải thích lý do rõ ràng, nhấn mạnh rằng: "Mẹ không bỏ con, nhưng mẹ không thể chấp nhận cách hành xử này". Điều quan trọng là duy trì sự nhất quán – không la hét, không xúc phạm, nhưng cũng không để con dẫn dắt cuộc chơi bằng cảm xúc hỗn loạn.
Nếu tình trạng kéo dài, cha mẹ nên cân nhắc tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý.
Giữa những năm tháng tuổi dậy thì dữ dội, cha mẹ và con cái có thể va đập, tổn thương nhau, giận dữ và mệt mỏi. Nhưng điều quý nhất là vẫn còn muốn hiểu nhau. Khi còn khao khát kết nối, còn chịu ngồi lại sau tất cả những lần cãi vã tức là gia đình vẫn còn cứu được. Đừng buông tay. Nhưng cũng đừng cố ôm hết. Hãy biết tìm sự giúp đỡ đúng lúc, và tin rằng: mỗi đứa trẻ, dù hỗn láo đến đâu, cũng có một "phiên bản tốt đẹp hơn" đang chờ được đánh thức bằng lòng yêu thương đi kèm giới hạn rõ ràng.