Trả lời:
Bệnh trĩ cấp độ hai là giai đoạn búi trĩ đã bắt đầu sa ra ngoài khi đại tiện nhưng có khả năng tự co lại vào trong ống hậu môn. Điều trị trĩ giai đoạn này thường là điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày kết hợp dùng thuốc hoặc áp dụng các thủ thuật y tế để cắt bỏ hoặc làm teo búi trĩ theo chỉ định của bác sĩ. Ban đầu, bác sĩ ưu tiên các phương pháp tự nhiên hơn. Nếu sau một thời gian thay đổi, tình trạng trĩ không cải thiện, người bệnh được tư vấn điều trị bằng các phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
Để kiểm soát trĩ bằng phương pháp tự nhiên, bạn có thể thử một số cách sau:
Thay đổi chế độ ăn uống: Bổ sung thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa góp phần làm mềm phân, giảm táo bón, hạn chế tổn thương vùng hậu môn, ngăn ngừa trĩ tiến triển nặng. Bạn nên tăng từ từ lượng chất xơ nạp vào cơ thể mỗi ngày, tránh tăng đột ngột vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Lượng chất xơ khuyến nghị từ 25 g đến 30 g mỗi ngày. Chất xơ có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ, bánh mì nguyên cám, các loại đậu và hạt... Bạn nên ưu tiên luộc, hấp thay vì chiên, kho, xào.
Để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thuận lợi, giảm táo bón, bạn uống ít nhất hai lít nước mỗi ngày. Các nguồn bổ sung nước như nước lọc, nước ép, nước canh... Hạn chế uống các loại nước ngọt, soda, đồ uống có cồn để tránh áp lực lên đường tiêu hóa.

Trái cây, rau củ giàu chất xơ, có lợi cho tiêu hóa. Ảnh: Lục Bảo
Thay đổi thói quen sinh hoạt: Tránh căng thẳng, áp lực bởi có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây táo bón hoặc tiêu chảy khiến bệnh trĩ nặng hơn. Thư giãn bằng các bài tập thiền, yoga, hít thở sâu, đi bộ mỗi ngày. Không ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế. Bạn nên đi lại, vận động nhẹ nhàng sau mỗi giờ ngồi làm việc.
Duy trì thói quen vệ sinh đúng cách: Thói quen này góp phần giảm áp lực lên hậu môn, hỗ trợ điều trị trĩ cấp độ hai và ngăn bệnh tiến triển nặng hơn. Không ngồi trên bồn cầu lâu vì ngồi lâu (hơn 5 phút) làm tăng áp lực lên vùng ổ bụng và hậu môn, khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài. Hạn chế rặn mạnh khi đi vệ sinh. Tư thế đại tiện đúng cách là ngồi hơi nghiêng về phía trước, đặt một chiếc ghế nhỏ dưới chân để tạo thành góc 35 độ, tạo tư thế tự nhiên khi đại tiện. Tập thói quen đại tiện vào một khung giờ nhất định trong ngày, khuyến cáo vào khoảng 5-6h.
Triệu chứng bệnh trĩ cấp độ hai thường thấy như sa búi, đau rát vùng hậu môn, có thể đại tiện ra máu. Cơn đau tăng mạnh hơn khi bị táo bón, người bệnh phải rặn nhiều. Khi các phương pháp tự nhiên như điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt nhưng không cải thiện, bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, kiểm tra và xác định chính xác tình trạng bệnh, từ đó bác sĩ điều trị hiệu quả.
Khoa Ngoại Tổng hợp
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |