Xã Hội

Điểm đặc biệt của Bí thư, Chủ tịch 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm vừa được Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhiệm kỳ 2020-2025 vào đầu tháng 5 vừa qua. 

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm sinh năm 1973, là người đồng bào Ê Đê, quê ở Đắk Lắk; trình độ chuyên môn thạc sỹ Quản lý công, cử nhân Kinh tế đối ngoại, cử nhân chính trị chuyên ngành Công tác tổ chức. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 (dự khuyết), 13; đại biểu Quốc hội khóa 15.

Trước khi về Lâm Đồng, ông từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng ở Trung ương và địa phương khác như: Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

ong y thanh ha nie kdam giu chuc bi thu tinh uy lam dong anh tu lieu 102651.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm

Năm 2023, khi xảy ra vụ tấn công vào trụ sở xã Ea Tiêu và Ea Ktur (Cư Kuin, Đắk Lắk), ông đã kêu gọi đồng bào không nghe theo lời xúi giục và cùng giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với kinh nghiệm từ Trung ương, ông được kỳ vọng sẽ mang đến cho Lâm Đồng một tầm nhìn bao quát và chính sách phát triển hài hòa giữa các dân tộc của vùng đất Tây Nguyên này.

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cũng được Trung ương luân chuyển về địa phương vào tháng 8/2024.

GS.TS Trần Hồng Thái sinh năm 1974; quê quán ở tỉnh Hà Tĩnh; tốt nghiệp đại học tại Nga, bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Trái đất và Toán học tại Đại học Tổng hợp Heidelberg (Liên bang Đức).

Trước khi luân chuyển về địa phương, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực khí tượng thủy văn - từ vai trò nghiên cứu viên, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đến Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường trước đây).

Trên cương vị là người đứng đầu UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Thái đặc biệt chú trọng công tác tiếp dân, yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nhanh, đúng quy định các kiến nghị, khiếu nại, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của chính quyền.

Là nguồn nhân sự trưởng thành tại chỗ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh sinh năm 1977, quê ở Quảng Nam, với trình độ chuyên môn thạc sĩ Quản lý hành chính công.

Trưởng thành từ công tác Đoàn và trải qua nhiều vị trí ở địa phương, ông Hoài Anh từng làm Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận, rồi kinh qua các nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Tuy Phong, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy và Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Bi thu Binh Thuan 1.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh. Ảnh: Báo Bình Thuận

Ông Hoài Anh được đánh giá là lãnh đạo năng động, sát cơ sở và có kinh nghiệm phong phú trong hệ thống chính trị địa phương.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đỗ Hữu Huy lại là cán bộ được luân chuyển từ Trung ương về địa phương vào tháng 2 vừa qua.

Ông Đỗ Hữu Huy sinh năm 1980, quê Hải Phòng; trình độ chuyên môn thạc sĩ Quản lý kinh tế, kỹ sư điện tử viễn thông. 

Trước đó, ông giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và từng có nhiều năm công tác tại Bộ Công Thương. 

Kinh nghiệm quản lý ở Trung ương giúp ông có tầm nhìn chiến lược trong thu hút đầu tư và phát triển các ngành mũi nhọn của tỉnh như năng lượng tái tạo, du lịch, thủy sản.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh là người gắn bó với địa phương lâu năm nhất.

Ông Ngô Thanh Danh sinh năm 1965, quê Quảng Nam, là đại biểu Quốc hội và là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông khóa 14, 15.

Bi thu Đắk Nông.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh. Ảnh: Hải Dương 

Trưởng thành từ Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk, ông từng giữ các vị trí như: Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và có gần 40 năm kinh nghiệm trong công tác Đảng tại địa phương.

Từ năm 2020, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông và được đánh giá là người điềm đạm, am hiểu hệ thống chính trị địa phương, có vai trò quan trọng trong việc ổn định nội bộ trong giai đoạn sáp nhập, kiện toàn bộ máy.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười sinh năm 1970, quê Quảng Nam. Ông là đại tá công an, từng là Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông trước khi chuyển sang làm Phó bí thư Tỉnh ủy và được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh vào năm 2021.

Với gần 35 năm trong ngành an ninh, ông Mười mang lại sự quyết đoán, kỷ luật trong điều hành, đặc biệt ở các lĩnh vực nhạy cảm như phòng chống tội phạm, bảo vệ tài nguyên và giữ vững trật tự an toàn xã hội. 

Theo chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tới đây sẽ hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông; lấy tên là Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Đà Lạt hiện nay.

Tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập sẽ có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, lên tới 24.233km2, dân số trên 3,3 triệu người. Sau sáp nhập, Lâm Đồng mới dự kiến có 124 xã, phường, đặc khu.

Các tin khác

Không học đại học, không có vốn nhưng hai anh em này đã tạo ra được chiếc máy bay đầu tiên của thế giới

Ngày 22/5/1906, anh em nhà Wright chính thức được cấp bằng sáng chế cho cỗ máy bay kỳ lạ nặng hơn không khí, mở ra kỷ nguyên của hàng không hiện đại. Nhưng đằng sau tấm bằng đó là cả một câu chuyện dài của sự hoài nghi, kiên trì và niềm tin tuyệt đối vào điều tưởng như bất khả thi.