Chẳng hạn, đầu tư nhà máy điện rác, có dự án đến 7 năm vẫn chưa lọt qua vòng thủ tục khiến hơn chục năm qua số lượng dự án điện rác đưa vào vận hành chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Rừng” thủ tục
Lãnh đạo một doanh nghiệp năng lượng tái tạo (xin được giấu tên) chia sẻ với PV Tiền Phong, Luật Đầu tư năm 2014 cho đến sửa đổi năm 2020 đều quy định, điện rác là dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế đầu tư vào lĩnh vực này thời gian qua như “bắt gió bỏ tay”. Khó không phải các doanh nghiệp thiếu vốn, công nghệ, vận hành mà bởi bị trói chân giữa “rừng” thủ tục.

Vướng mắc về pháp lý khiến nhiều dự án điện rác bế tắc. Ảnh: P.V
Theo vị này, đặc tính của dự án điện rác là vừa nhà máy xử lý rác, vừa là nhà máy phát điện nên cần phải làm đủ thủ tục như 2 nhà máy. Theo đó, dự án bị chi phối bởi rất nhiều quy hoạch như đất đai , môi trường, điện, xây dựng… nên có dự án hoàn thiện quy hoạch môi trường thì lại không có quy hoạch xây dựng hoặc ngược lại có quy hoạch xây dựng và môi trường nhưng không có quy hoạch điện. Có dự án đủ quy hoạch nhưng vướng tiêu chuẩn, quy chuẩn về đánh giá tác động môi trường với những tiêu chí không còn phù hợp.
Chỉ riêng thủ tục đánh giá tác động môi trường, doanh nghiệp đã mất từ 6 tháng đến 1 năm. Quá trình thẩm định, thẩm tra, nghiệm thu của dự án điện rác liên quan đến hầu như tất cả các cơ quan, ban ngành.
“Việc nghiệm thu phải có hàng chục hội đồng như phòng cháy chữa cháy, đường dây, trạm bơm và đường ống nước thô, nghiệm thu của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và của các cơ quan điện lực, thậm chí thủ tục cấp giấy phép như khai thác nước ngọt từ dòng sông, giấy phép điện lực của Bộ Công Thương, giấy phép môi trường...
Riêng khâu hoàn thiện thủ tục pháp lý, trung bình một dự án điện rác phải mất từ 1,5 - 2 năm kể từ thời điểm được cấp chủ trương đầu tư, có những dự án mất 6 - 7 năm vẫn chưa xong thủ tục. Doanh nghiệp đầu tư vào dự án điện rác vượt qua được vòng thủ tục đều vật vã, hết hơi”, vị này chia sẻ.
Bấp bênh giá điện , mắc trên, kẹt dưới
Không chỉ phải vượt qua hàng trăm thủ tục rườm rà, quy trình phê duyệt phức tạp, theo các doanh nghiệp, nhà máy điện rác hiện còn gặp bấp bênh cả đầu vào lẫn đầu ra.
Đặc biệt, dù đây là dự án có ý nghĩa môi trường trên địa bàn, song các địa phương thường chưa bố trí các bãi chôn lấp tro bay, mà chủ yếu nhà đầu tư phải tự tìm cách xử lý, dẫn đến giá thành xử lý rác tăng lên. Một số còn phó mặc cho nhà đầu tư tự vận động tìm kiếm và chưa được nhìn nhận đúng nghĩa.

Dù được đặc biệt ưu đãi, dự án điện rác mất tới 2 năm để hoàn thiện thủ tục, có dự án mất tới 6-7 năm
Việc “bạc đãi” với các lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đã khiến các dự án nhà máy điện rác tại Việt Nam kéo dài thời gian so với dự kiến. Theo Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, nhà máy điện rác Thiên Ý (Sóc Sơn, TP Hà Nội) được cấp phép năm 2016, nhưng mãi đến năm 2024 mới đi vào khai thác. Dự án điện rác Phú Sơn (Huế) cũng mất hơn 6 năm. Nhà máy điện rác Hậu Giang vật vã tới 8 năm mới có thể chạy thử, trong khi công suất chỉ 7,5 MW. Nhanh nhất hiện nay là nhà máy điện rác Seraphin (Hà Nội), song cũng mất tới gần 4 năm từ khi được phê duyệt đến dự kiến vận hành. Trong vòng 11 năm qua kể từ khi Thủ tướng ban hành cơ chế ưu đãi, cả nước chỉ có 5 nhà máy đi vào vận hành.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, Giám đốc một doanh nghiệp điện tái tạo tại Hà Nội cho biết, bản chất của nhà máy điện rác là phục vụ môi trường, phần xử lý rác sẽ được địa phương thanh toán, còn việc phát điện để bán (với công suất rất nhỏ) là phần giá trị tăng thêm để tăng hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, hiện nay luật chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương có thể ký hợp đồng cam kết cung cấp rác và giá rác xử lý dẫn tới lượng rác không đủ và đơn giá không đảm bảo lợi nhuận tối thiểu cho nhà đầu tư. Còn nếu doanh nghiệp chỉ trông chờ vào chi phí phát điện để bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì chỉ được một nửa chi phí “nuôi” nhà máy.
Điều đáng nói, theo chính sách ưu đãi đầu tư, giá bán điện từ nhà máy rác sẽ được hưởng giá khuyến khích ( FIT ) là 10,05 USCents/kWh nhưng trên thực tế con số này lại thay đổi xoành xoạch và thiếu thống nhất. Mới đây nhất, EVN đưa ra giá điện rác chỉ còn 1.914,3 đồng/kWh, giảm 33% so với giá FIT.
“Nếu giá điện giảm xuống, buộc giá xử lý rác phải tăng lên, nhưng điều này không dễ bởi địa phương nào cũng muốn giá xử lý rác thấp nhất để đỡ tốn ngân sách. Chúng tôi tính toán nếu áp dụng khung giá điện mới, các dự án điện rác đang triển khai đầu tư sẽ không thể tiếp tục vì chắc chắn lỗ khi đưa vào vận hành.
Ngay cả khi áp dụng giá FIT còn chưa ăn thua bởi hơn chục năm qua cả nước mới có mấy dự án mới lẹt đẹt đi vào vận hành”, vị này nói, đồng thời cho rằng đây là sự thiệt thòi đối với lĩnh vực mang tiếng là đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Theo vị này, với các dự án điện gió, điện mặt trời, khi Chính phủ ban hành giá FIT, chỉ sau 3 năm (từ năm 2018-2021) đã có hàng nghìn doanh nghiệp đầu tư nhà máy và vài trăm dự án đi vào vận hành. Ngay như ở Trung Quốc, giá điện rác cũng không cao hơn nhiều so với Việt Nam nhưng nhờ chính sách ổn định và thủ tục minh bạch, chỉ trong vòng thời gian ngắn đã có hơn 1.000 nhà máy đốt rác phát điện đi vào vận hành, con số lớn nhất thế giới.
Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho rằng, trước hàng loạt vướng mắc đối với dự án điện rác, Chính phủ và các bộ ngành cần sớm tháo gỡ, bổ sung các thông tư, nghị định hướng dẫn, sớm xem xét ký hợp đồng dịch vụ cam kết giá rác và khối lượng rác cho các nhà đầu tư.
Đặc biệt với các dự án chuyển đổi công nghệ cũ từ đốt rác thủ công lạc hậu sang đốt rác phát điện (đang làm thủ tục dở dang), hiệp hội này cho rằng cần có sự tháo gỡ của các bộ ngành, đặc biệt là sở ngành, UBND các địa phương để các nhà máy sớm được xây dựng.
“Các chính sách về khung giá phát điện cho loại hình này cũng cần phải phù hợp, đảm bảo sự ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Nếu không, dù mang tiếng là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thì các dự án điện rác vẫn nằm trên giấy”, vị này cho hay.