Xã Hội

Dư luận bị ‘sốc’ khi lộ diện kẻ ‘chống lưng’ cho thực phẩm giả

Thời gian gần đây, cơ quan công an liên tục phát hiện, làm rõ các vụ buôn bán, sản xuất thực phẩm giả. Những vụ việc vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng khiến dư luận đặt câu hỏi: có hay không sự buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho thực phẩm bẩn?

Mới đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Phong (nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế) và các cán bộ Cục An toàn thực phẩm để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

CQĐT làm rõ sai phạm của cán bộ Cục ATTP, Bộ Y tế trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (Giấy chứng nhận GMP) cho Nhà máy MediPhar và Nhà máy MediUSA; Cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (Giấy phép công bố sản phẩm) cho nhóm 9 công ty của Nguyễn Năng Mạnh.

496947577_122240243006081724_2223975064250292452_n.jpg
Ông Nguyễn Thanh Phong. Ảnh: Bộ Công an

Từ năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh cùng đồng phạm tổ chức, điều hành 9 công ty, Nhà máy MediPhar và Nhà máy MediUSA sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, chủng loại đa dạng.

Lộ diện kẻ “chống lưng” cho đơn vị sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả khiến dư luận bị “sốc” khi “lá chắn” bảo vệ người tiêu dùng đã dễ dàng bị chọc thủng bởi đồng tiền.

Theo lời khai ban đầu của ông Nguyễn Thanh Phong, khi cấp dưới đi hậu kiểm ở doanh nghiệp về đã đưa phong bì “lót tay” cho ông cục trưởng và nói là "doanh nghiệp cảm ơn…"

Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, trong các tội phạm về tham nhũng và chức vụ thì tội Nhận hối lộ là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có hình phạt cao nhất là tử hình. 

Nhận hối lộ là hành vi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, đánh đổi quyền lực nhà nước lấy lợi ích để vun vén cho bản thân, vi phạm đạo đức công vụ và vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến tính đúng đắn của hoạt động công vụ, ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước đối với nhân dân...

Luật sư cho rằng, đây là vụ án hình sự phức tạp, có liên quan đến nhiều bị can, nhiều doanh nghiệp và hành vi phạm tội kéo dài, có liên quan đến nhiều cơ quan tổ chức. 

Bởi vậy, CQĐT sẽ tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của các bị can là các cán bộ ở Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế để làm rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng như số tiền mà các bị can đã nhận hối lộ để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Ngoài các bị can bị xử lý về tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 BLHS, CQĐT cũng sẽ làm rõ hành vi đưa hối lộ, nếu đủ căn cứ thì sẽ xử lý người đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 BLHS.

Theo luật sư, việc đấu tranh với thực phẩm bẩn, các hành vi tiếp tay cho thực phẩm bẩn được dư luận xã hội rất đồng tình ủng hộ. Hiện nay, Đảng và nhà nước đang quyết tâm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là lương thực thực phẩm. 

Ngoài xử lý đối với người thực hiện hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm thì sẽ xử lý nghiêm những người tiếp tay, dung túng cho thực phẩm bẩn, đặc biệt là những người có chức vụ quyền hạn và tham gia hoạt động quảng cáo sai sự thật. 

“Để đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng về thực phẩm thì việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là cần thiết, đặc biệt là hành vi của doanh nghiệp và hành vi của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các lĩnh vực này”, quan điểm của Tiến sỹ Đặng Văn Cường.

Các tin khác

Giá xăng dầu đồng loạt tăng

Từ 15 giờ hôm nay 15.5, giá xăng dầu đồng loạt tăng trở lại. Giá xăng tăng 403 - 415 đồng/lít, giá dầu tăng 285 - 627 đồng/lít/kg.

Lật mặt thực phẩm chức năng giả: Ai chịu trách nhiệm?

Về việc quy trách nhiệm cho ai, cho cơ quan nào để tình trạng sữa giả, thuốc giả hoành hành trên thị trường trong suốt thời gian dài, trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia về quản lý thị trường (QLTT) thẳng thắn cho rằng, trách nhiệm là của Bộ Y tế.