Là cha mẹ, ai cũng mong muốn mang đến cho con mình môi trường phát triển tốt nhất, đặc biệt khi đến độ tuổi mẫu giáo, việc chọn một ngôi trường phù hợp trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều gia đình.
Nhưng thế nào là một ngôi trường mẫu giáo "phù hợp"? Liệu cứ đắt tiền, danh tiếng lẫy lừng thì chắc chắn sẽ tốt?
Tiểu Linh là một người mẹ đơn thân, một mình nuôi nấng cô con gái 3 tuổi tên Tinh Tinh. Để con có cơ hội được giáo dục tốt hơn, cô nghiến răng đăng ký cho Tinh Tinh vào một trường mẫu giáo nổi tiếng nhất thành phố.
Ngôi trường này học phí không hề rẻ, cơ sở vật chất trông sang trọng, giáo viên được quảng bá là giàu kinh nghiệm. Tiểu Linh tự nhủ, dù bản thân có vất vả đến đâu cũng không thể để con thiệt thòi, trong lòng ít nhiều cảm thấy an ủi.
Thời gian đầu, Tinh Tinh còn quá nhỏ, chưa quen với môi trường mới, ngày nào cũng khóc lóc không ngừng. Nhờ sự dỗ dành của giáo viên và bạn bè, bé dần dần ổn định, trở nên ngoan ngoãn hơn. Tiểu Linh thở phào, nghĩ rằng mọi chuyện đã vào guồng. Nhưng niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu, một chi tiết nhỏ đã khiến cô phát hiện ra vấn đề nghiêm trọng.
Tối hôm đó, khi đón Tinh Tinh về nhà, Tiểu Linh để ý thấy con gái mặt mày nhăn nhó, hai chân khép chặt, bước đi còn kéo lê quần. Về đến nhà, cô hỏi con có muốn đi vệ sinh không, nhưng Tinh Tinh ôm chặt quần, lí nhí đáp: "Không được tiểu đâu". Tiểu Linh nghi ngờ, nhẹ nhàng cởi quần con ra xem, và ngay lập tức sụp đổ – chân bé đầy cát, quần thì bẩn thỉu không tả nổi.

Biểu hiện lạ của cô bé 3 tuổi khiến người mẹ vô cùng lo lắng (Ảnh minh hoạ)
Tinh Tinh thì thào kể: "Cô giáo không cho bọn con đi tiểu, con nhịn không nổi nên ra bãi cát trốn đi". Tiểu Linh vừa giận vừa xót xa, ngày hôm sau lập tức tìm giáo viên để làm rõ chuyện. Sự thật khiến cô chết lặng: một số bé trong trường quá nhỏ, giáo viên ghét phiền phức nên không muốn chăm sóc nhiều, thậm chí dọa dẫm: "Bé nào đi tiểu là bị đánh!".
Các bé sợ hãi, không dám nói gì, chỉ biết lén lút ra bãi cát ngoài sân để "giải quyết". Tiểu Linh không thể tin nổi, ngôi trường "cao cấp" mà cô bỏ tiền bạc và tâm huyết chọn lựa lại đối xử với con mình như vậy.
Vì sao không nên cho trẻ đi mẫu giáo quá sớm?
Trải nghiệm của Tinh Tinh khiến người ta không khỏi xót xa, đồng thời đặt ra một câu hỏi: Liệu cho trẻ đi mẫu giáo khi còn quá nhỏ có thực sự tốt? Xét từ góc độ nuôi dạy con, việc này tiềm ẩn không ít rủi ro.
- Thiếu cảm giác an toàn, ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách
Ở độ tuổi 2-3, trẻ đang trong giai đoạn cần sự gắn bó mật thiết với cha mẹ. Đây là thời điểm các bé còn non nớt trong nhận thức về thế giới, và tình cảm từ cha mẹ là nguồn an ủi lớn nhất. Nếu bị tách khỏi cha mẹ quá sớm, trẻ dễ rơi vào trạng thái bất an, sợ hãi. Như trường hợp của Tinh Tinh, 3 tuổi đã phải xa mẹ để vào trường, thiếu đi hơi ấm gia đình, bé gần như mất đi cảm giác an toàn. Lâu dần, trẻ có thể trở nên nhút nhát, ít nói, thậm chí bị bạn lớn bắt nạt ở trường cũng không dám lên tiếng.
- Khả năng tự chăm sóc kém, giáo viên khó lòng chu đáo
Trẻ dưới 3 tuổi thường chưa thể tự ăn uống hay đi vệ sinh mà không cần người lớn hỗ trợ. Với khả năng tự lập còn hạn chế, các bé dễ trở thành "gánh nặng" trong mắt giáo viên. Một lớp học 30-40 trẻ, dù giáo viên có tận tâm đến đâu cũng khó lòng chăm sóc từng bé chu đáo. Như Tinh Tinh đã gặp phải, một số giáo viên thậm chí chọn cách "bỏ mặc", đẩy trách nhiệm sang chính những đứa trẻ chưa đủ nhận thức. Hậu quả là nhu cầu cơ bản của trẻ bị phớt lờ, thậm chí còn bị đối xử bất công.

Phụ huynh cần cân nhắc nhiều yếu tố khi chọn trường mẫu giáo cho con (Ảnh minh hoạ)
Thế nào là một trường mẫu giáo "đáng tin cậy"?
Rõ ràng không phải cứ trường đẹp, học phí cao là tốt. Đầu tư tiền bạc chưa chắc đã mua được sự yên tâm. Điều quan trọng là phải chọn một ngôi trường thực sự quan tâm và có trách nhiệm với trẻ.
Vậy làm sao để cha mẹ tinh tường hơn trong việc chọn trường? Dưới đây là vài gợi ý thiết thực:
- Xem xét môi trường
Môi trường học tập ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ, nhưng "môi trường" ở đây không chỉ là những tòa nhà khang trang hay sân chơi hiện đại.
Cha mẹ cần chú ý đến từng chi tiết: lớp học có sạch sẽ, thoáng đãng không? Thực đơn ăn uống có đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh? Giường ngủ có thoải mái? Quan trọng hơn cả là đội ngũ giáo viên - họ có đủ kiên nhẫn không? Có dùng cách dọa nạt để quản lý trẻ không? Hãy đến tận nơi quan sát, thậm chí lặng lẽ theo dõi cách giáo viên tương tác với các bé.
- Tìm hiểu danh tiếng: Kinh nghiệm của người đi trước là vàng
Một ngôi trường tốt hay không, không ai rõ bằng những phụ huynh đã từng gửi con ở đó. Hãy trò chuyện với các bố mẹ khác để nghe chia sẻ thực tế - những điều này thường đáng tin hơn lời quảng cáo hoa mỹ.
Ngoài ra, cảm nhận của chính con bạn cũng là tín hiệu quan trọng. Nếu trẻ về nhà lúc nào cũng uể oải, thậm chí sợ đi học, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trường có vấn đề. Những trường có thời gian hoạt động lâu năm thường đáng cân nhắc hơn vì họ đã tích lũy được kinh nghiệm quản lý.
- Thử trải nghiệm: Trăm nghe không bằng một thấy
Nhiều trường mẫu giáo có chương trình học thử, hãy tận dụng cơ hội này để đưa con đến trải nghiệm vài ngày. Quan sát xem bé ăn uống, chơi đùa có vui vẻ không, có thoải mái khi ở cạnh giáo viên không. Nếu trẻ không thích nghi tốt, hoặc về nhà có biểu hiện bất thường (như Tinh Tinh không dám đi vệ sinh), đó là lúc bạn cần cảnh giác.
Mẫu giáo là bước đầu tiên để trẻ làm quen với xã hội. Chọn đúng trường, con sẽ lớn lên trong niềm vui; chọn sai, trẻ có thể mang vết thương lòng khó phai. Suy cho cùng, "trường tốt" không phải là nơi xây dựng từ danh tiếng hay giá cả, mà là nơi thực sự yêu thương và tôn trọng nhu cầu của trẻ.
Theo Sohu