Vụ bê bối kỳ lạ này không chỉ rúng động dư luận Trung Quốc mà còn khiến cư dân mạng Việt Nam "lót dép hóng". Nhân vật chính là người đàn ông 38 tuổi giả gái dưới biệt danh “Hồng tỷ Nam Kinh” để lừa tình. Cảnh sát phát hiện có 1.691 nam giới là nạn nhân, từ sinh viên, nhân viên văn phòng, huấn luyện viên thể hình cho đến người nước ngoài. Họ bị lén ghi hình khi quan hệ với Hồng tỷ và video bị phát tán trên mạng.
Scandal Hồng tỷ Nam Kinh không chỉ khiến dư luận sốc về quy mô và sự kỳ quái, mà còn đặt ra hàng loạt câu hỏi về tâm lý con người, bản năng ham muốn và sự thao túng tâm lý đầy tinh vi.

Kẻ giả gái lừa hàng nghìn đàn ông.
Sự thật đằng sau vụ Hồng tỷ - kẻ thao túng ngầm
Hồng tỷ Nam Kinh là người đàn ông họ Jiao, 38 tuổi, thuê trọ tại thành phố Nam Kinh. Trong các hình ảnh được chia sẻ, Jiao thường xuyên xuất hiện trong trang phục phụ nữ, trang điểm đậm và đội tóc giả, tự xây dựng hình ảnh một phụ nữ đã ly hôn, cô đơn và cần được yêu thương. Với danh xưng "Hồng tỷ”, hắn nhắn tin với hàng loạt nam giới, hẹn gặp tại phòng trọ với lời mời gọi quan hệ tình dục “miễn phí”, chỉ yêu cầu mang theo vài món quà nhỏ như trái cây, sữa, dầu ăn hoặc giấy vệ sinh, những thứ có vẻ vô hại và không tốn kém.
Tuy nhiên, bên dưới lớp vỏ ngọt ngào đó là một kế hoạch tinh vi, Jiao đã âm thầm ghi lại các cuộc “giao lưu thân mật” và đăng clip lên mạng. Cảnh sát quận Giang Ninh vào cuộc sau khi nhận được tố giác và bắt giữ nghi phạm vào ngày 6/7 với cáo buộc phát tán văn hóa phẩm đồi trụy.

Các "nạn nhân" thường mang đến món quà nhỏ.
Vì sao 1.691 người đàn ông bị “dính bẫy”?
Câu hỏi khiến dư luận bàng hoàng không chỉ là “làm sao Jiao có thể lừa được nhiều người đến vậy?” mà là: “Tại sao nhiều người ở lại ngay cả khi nhận ra đó là đàn ông?”. Thậm chí, theo lời kể của một số nhân chứng, "Hồng tỷ” có vóc dáng nam tính rõ rệt, bàn tay to, yết hầu lộ rõ, nhưng không ít người vẫn chọn tiếp tục cuộc gặp gỡ thay vì rút lui.
Các nhà tâm lý học đã chỉ ra ba lớp tâm lý cốt lõi trong hiện tượng này.
Thứ nhất là “miễn phí”, một cái bẫy ngọt ngào. Không có tiền bạc trao tay, không có giao dịch tài chính. Chính điều này khiến nhiều người cảm thấy mình không mạo hiểm gì nhiều, không có rủi ro pháp lý nên dễ dàng bỏ qua những nghi ngờ ban đầu để thử vận may. Sự “miễn phí” là một chiếc bẫy hoàn hảo, bởi nó đánh vào lòng tham, vào tâm lý muốn “trải nghiệm không mất gì”.
Tiếp theo là chiến thuật thao túng cảm xúc, khi bị chất vấn về giới tính, Jiao thường né tránh hoặc giả vờ nổi giận, khiến đối phương lúng túng và mất phương hướng. Hắn thao túng cảm xúc đối phương để chiếm thế thượng phong, làm cho tình huống trở nên mơ hồ và khó thoát ra.
Thứ ba là yếu tố ham muốn lấn át lý trí. Một khi đã bước chân vào căn phòng trọ ấy, nhiều người đàn ông đã bị ham muốn điều khiển thay vì lý trí. Sự bốc đồng, bản năng thể xác cùng với suy nghĩ “đã đến đây rồi thì cứ làm tới” khiến họ tiếp tục ở lại dù trong đầu vẫn còn nghi ngờ.

Các clip quay lén bị phát tán trên mạng xã hội. (Ảnh: Mirrormedia)
Nhà tâm lý học nổi tiếng Sigmund Freud từng nói rằng, ham muốn thể xác cũng cơ bản như cơn đói, một bản năng sống còn. Nhưng trong trường hợp này, bản năng ấy bị khai thác để tạo nên một hệ thống quyền lực đảo ngược.
Hồng tỷ tuy mang danh là người “cho đi” nhưng thực chất lại là kẻ đặt luật chơi. Các chàng trai tin rằng mình đang làm chủ tình huống nhưng chính Jiao kiểm soát toàn bộ diễn biến. Hắn định nghĩa lại vai trò giới tính, phá vỡ ranh giới truyền thống giữa kẻ đi săn và con mồi, giữa người chủ động và người bị động.
Điều trớ trêu là trong xã hội mà đàn ông thường là phía chủ động tìm kiếm các mối quan hệ tình dục, ở đây họ lại trở thành nạn nhân của một “cuộc đi săn đảo ngược”.
Cái giá của sự nhẹ dạ
Giờ đây, khi vụ việc được phơi bày, hàng loạt nạn nhân đang đối diện với hậu quả nặng nề. Danh tính bị tiết lộ trên mạng, nhiều người bị người thân nhận diện, tài khoản mạng xã hội bị lục lọi. Một số người đối mặt với khủng hoảng tâm lý, xấu hổ, sợ hãi và cả nguy cơ mất gia đình, sự nghiệp.
Món quà tưởng vô hại như một hộp sữa, túi trái cây... đã trở thành "giấy thông hành" dẫn đến bê bối đời người. Trải nghiệm miễn phí giờ đây trở thành bài học đắt giá nhất mà họ từng trả.
Vụ việc Hồng tỷ Nam Kinh nghe như một câu chuyện khó tin, gần như là hài kịch đen trong xã hội hiện đại. Vụ bê bối này không chỉ là câu chuyện về kẻ lừa đảo tinh vi mà còn là tấm gương phản chiếu những khía cạnh bản năng, sự cả tin và mặt tối của xã hội hiện đại – nơi cái gọi là “trải nghiệm tự do” đôi khi lại mang cái giá quá đắt.