Chợ dân sinh vốn là “tâm điểm” tiêu thụ túi nilon, hộp nhựa xốp trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, sự thay đổi trong nhận thức đang rõ rệt khi nhiều tiểu thương và người dân Hà Nội lên tiếng ủng hộ chính sách cấm sản phẩm nhựa dùng một lần từ năm 2028.

Nhiều tiểu thương vẫn sử dụng túi nilon để đựng sản phẩm. (Ảnh: Thanh Trà)
Chị Phan Thị Sáng – tiểu thương chợ Thanh Xuân – cho biết mỗi ngày chị dùng khoảng 1kg túi nilon, tương đương 35 nghìn đồng. “ Có người mua xin tới 2–3 túi chỉ để đựng rau với cá, sợ dính nước bẩn. Nhưng tôi cũng phải nói thẳng là dùng nhiều túi quá là ô nhiễm, hại sức khỏe. Các cô chịu khó bẩn một chút còn hơn để môi trường chịu đựng lâu dài” , chị chia sẻ.
Tương tự, cô Lê Thị Hạnh, bán đồ khô tại chợ Ngã Tư Sở, cho biết: “Mình bán đồ khô, cá khô, lắm lúc họ xin mấy cái túi buộc cho đỡ mùi. Nhưng cũng có người đi chợ mang hộp thuỷ tinh đựng, vừa sạch sẽ là đảm bảo an toàn sức khoẻ. Giờ cấm túi nilon một lần, thì quan trọng người mua họ thay đổi thói quen thôi là được.”
Từ phía người tiêu dùng, nhiều người cũng chấp nhận sự bất tiện ban đầu. Anh Hoàng Minh (Cầu Giấy) nói: “ Ngày trước tiện tay là xài túi nilon, giờ thì vợ tôi nhắc mãi, đi chợ là mang giỏ cói, đồ sống đựng hộp thuỷ tinh luôn.”
Hay chị Chị Nguyễn Thu Hà (Thanh Trì) cho biết: “Lúc đầu không quen, nhưng sau thấy cũng ổn. Đồ ăn sạch, không bị thôi nhiễm chất nhựa, an toàn hơn.”
Hà Nội: 60% rác là túi nilon, nhựa dùng một lần
Theo thống kê, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Riêng Hà Nội, con số lên tới 1.427 tấn mỗi ngày – trong đó hơn 60% là túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Túi nilon được sử dụng 'vô tội vạ' tại các khu chợ dân sinh. (Ảnh: Thanh Trà)
Không chỉ tồn tại dai dẳng trong tự nhiên đến cả ngàn năm, túi nilon còn là “sát thủ vô hình” với sức khoẻ. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường), khi đốt túi nilon sẽ phát sinh khí độc Dioxin, Furan – những chất có thể gây ngộ độc, giảm miễn dịch, rối loạn chức năng và ung thư.
PGS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội – phân tích thêm: Phần lớn túi nilon trên thị trường là loại tái chế từ nhựa bẩn, có nguy cơ chứa chì, cadimi – kim loại nặng gây tổn thương gan, thận, vô sinh hoặc dậy thì sớm. Đặc biệt, khi dùng để đựng thực phẩm nóng, các chất phụ gia trong nhựa dễ bị thôi nhiễm vào đồ ăn, tạo ra những tác động lâu dài đến nội tiết và sức khỏe.
Trong khi đó, về mặt môi trường, túi nilon bị vứt bừa bãi có thể làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, gây ngập úng, tạo điều kiện cho muỗi và vi khuẩn sinh sôi. Dưới lòng sông, ngoài biển, chúng bị sinh vật nhầm là thức ăn, gây tử vong hàng loạt cho động vật thủy sinh.
GS.TS Trịnh Kim Chi nhấn mạnh: “Túi nilon không chỉ tồn tại lâu dài mà còn làm thay đổi tính chất đất, giảm độ phì nhiêu, cản trở sinh trưởng cây trồng. Chúng khiến chúng ta đang ăn, uống, sống cùng chất độc mỗi ngày mà không hề biết.”
Đánh thuế cao với nhựa dùng một lần
Để chính sách cấm túi nilon và nhựa dùng một lần phát huy hiệu quả thực chất, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, cần có chính sách áp dụng mức thuế cao đối với việc sản xuất và tiêu thụ túi nilon khó phân hủy, qua đó làm tăng chi phí sử dụng và giảm động lực tiêu dùng. Song song, ban hành các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và độ an toàn cho các sản phẩm thay thế như túi sinh học, hộp giấy, túi vải...
Bên cạnh đó, phía chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam nên công nhận các chứng chỉ quốc tế uy tín dành cho sản phẩm sinh học – chẳng hạn như chứng chỉ compostable của châu Âu hoặc Mỹ – để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong quá trình sản xuất, tiếp cận thị trường và tiếp thị sản phẩm.
Ngoài ra, việc khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế và sản xuất vật liệu sinh học nội địa cũng đóng vai trò then chốt, giúp Việt Nam chủ động nguồn cung, giảm chi phí sản xuất và hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu sản phẩm thay thế từ nước ngoài.
Nhiều địa phương đi trước một bước
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương trên cả nước chủ động tiên phong trong việc giảm thiểu đồ nhựa. Từ năm 2019, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) trở thành địa phương đầu tiên cấm du khách mang theo túi nilon ra đảo. Năm 2022, Cô Tô (Quảng Ninh) cũng áp dụng biện pháp tương tự. Trước đó, Vịnh Hạ Long đã cấm đồ nhựa dùng một lần từ năm 2018. TP.HCM đặt mục tiêu đến 2030 hạn chế tối đa túi nilon tại xã đảo Thạnh An và khu du lịch Cần Giờ.
Về mặt pháp lý, nghị định 08/2022 của Chính phủ quy định từ sau năm 2025, các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch sẽ không được sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy. Từ 2026, việc sản xuất và nhập khẩu túi nilon cỡ nhỏ sẽ bị hạn chế mạnh. Và đến sau năm 2030, mục tiêu cuối cùng là dừng hẳn sản xuất, nhập khẩu các loại túi nilon, hộp xốp và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Thực tế, túi nilon mới chỉ xuất hiện từ khoảng năm 1957, chưa đầy 70 năm trong lịch sử nhân loại. Trước khi có túi nhựa, con người vẫn sinh sống, buôn bán và tiêu dùng bình thường bằng các loại vật liệu thân thiện với môi trường. Bởi vậy, một tương lai không túi nilon là hoàn toàn khả thi.