Kinh tế

Đại gia hàng hải mang tiếng "rửa tiền" ở Ngã 6 Phù Đổng: Bạn bè bảo tôi toàn mang tiền làm chuyện tào lao

“Nếu định nghĩa thành công là hòa vốn và có lãi, thì hơn 10 năm làm nông, tôi vẫn chưa đạt được. Nhưng tôi không thấy khó” – Trần Phong Lan nói nhẹ tênh như thể quên rằng mình đã “đốt” gần 400 tỷ đồng cho giấc mơ trồng rau quả và… nuôi đất.

Từ đại dương về với đất liền, từ cabin tàu cập cảng khắp thế giới đến ruộng đồng đầy nắng gió, người doanh nhân giàu có trong ngành hàng hải chọn làm nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Một lựa chọn không giống ai. Anh dựng nông trại, cải tạo đất bạc màu… từng bước xây dựng hệ sinh thái mang tên Danny Green.

Con đường đầy sỏi đá, hơn 10 năm chưa có lãi. Nhưng có một điều chưa từng thiếu: sự kiên trì “lì lợm” của một thủy thủ không quen lùi bước.

Tôi biết ngoài cái tên Phong Lan, anh còn có biệt danh “anh Năm ‘lì” - vì dám đem tiền kiếm được từ biển “rửa” trên đất ruộng đồng. Có lúc nào anh nhẩm tính, sau khoảng 13 năm làm nông nghiệp, anh đã lỗ hết bao nhiêu?

Trần Phong Lan : Nếu như ai đó hỏi: Danny Green đã thành công hay chưa? Tôi sẽ nói chúng tôi đang trên đường tới đích. Nhưng nếu định nghĩa thành công là hòa vốn và có lãi thì sau hơn 1 thập kỷ chúng tôi vẫn chưa đạt được. Năm ngoái lỗ gần 20 tỷ. Tổng lỗ cộng dồn chắc cũng gần 400 tỷ đồng.

Thua lỗ suốt nhiều năm như vậy, có lúc nào anh thấy mình… bí?

Trần Phong Lan: Doanh nhân ngành nào cũng vậy – lúc “bí” nhất chắc chắn là… thiếu tiền! (cười). Tôi may mắn đã vượt qua giai đoạn đó ở nghề gốc của mình là hàng hải. Số tiền lỗ hơn 10 năm cũng xuýt xoa đấy! Nhưng tôi không thấy khó. Với nông nghiệp, tôi có tiền tới đâu thì túc tắc làm tới đó.

Gia đình, bạn bè anh có ủng hộ chuyện anh làm nông nghiệp mà thua lỗ?

Trần Phong Lan : Bạn bè hay hỏi: “Mày làm nông chi cho cực? Không làm cũng sống khỏe.” Ai cũng biết tôi không thiếu tiền, nên họ bảo tôi toàn mang tiền kiếm được từ biển đi làm ba chuyện tào lao. Nhưng gia đình ủng hộ, nhất là bà xã – vì nhờ vậy mà trong nhà lúc nào cũng có đồ ăn ngon (cười lớn)!

Có bao giờ anh suy nghĩ: Vì sao mình lỗ lâu tới như vậy?

Trần Phong Lan: Có mấy ai làm nông nghiệp tử tế mà không lỗ? Nhưng tôi nghĩ từ từ rồi mình sẽ gỡ lại.

Chúng tôi đầu tư rất lớn cho R&D – có tới 5 phòng lab, hơn 50 người làm nghiên cứu. Mỗi sản phẩm đều phải qua nhiều bước thử nghiệm, mất ít nhất một năm mới đưa ra thị trường. Rau quả cũng vậy, phải trồng thử 2–3 vụ mới dám bán. Chính vì thế, chúng tôi đi chậm. Làm nông mà hấp tấp thì không thể chắc và bền!

Cũng có thể do tôi quản trị chưa tốt. Nhưng dù thế nào, mọi hệ quả – tôi gánh. Công ty lời hay lỗ, tồn tại hay không, cũng chẳng ảnh hưởng gì tới ai. Miễn sao, người dùng có sản phẩm tốt để xài. Tới chừng nào bạn không còn thấy Danny Green trên thị trường nữa, thì đơn giản: nó không còn tồn tại.

Trồng dưa lưới trong nhà màng như anh, chi phí đầu tư rất cao. Mà nghe đâu, loại trái này khiến anh lỗ dữ lắm…

Trần Phong Lan : Nói như thế không công bằng với dưa lưới. Vì chuyện lời lỗ có rất nhiều nguyên nhân.

Trung bình mỗi tháng, chúng tôi cung cấp 70 - 80 tấn dưa lưới, gần 1.000 tấn/ năm, doanh thu tổng khoảng 20 tỷ đồng. Nhưng năm 2024 vừa rồi thất bại lớn: thời tiết cực đoan. Nắng, mưa không đúng lúc. Dưa hỏng hơn 50%. Dù vẫn đạt chuẩn hữu cơ nhưng hương vị không hấp dẫn. Tôi phải bỏ. Có lô hàng bán ra rồi vẫn thu hồi.

Năm đó thất bại quá lớn! Tôi quyết định: nếu trời không cho thì tôi cũng không cố. Thời tiết xấu sẽ nghỉ trồng hoặc hủy sớm. Không nhất thiết công ty cứ phải có dưa lưới để bán.

Thế vì sao ban đầu anh lại chọn dưa lưới, một trái cây vốn không phải thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam?

Trần Phong Lan : Chuyện cũng ngồ ngộ. Tôi luôn mơ làm nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, nhưng là dân hàng hải rẽ ngang nên chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Năm 2012, tôi khởi nghiệp với lúa giống, nhưng mất rất nhiều tiền mà chẳng ra kết quả. Sau đó gặp chuyên gia Israel đến Việt Nam chào bán công nghệ nhà màng, họ gợi ý trồng dưa lưới.

Khi ấy, dưa lưới ở Việt Nam rất hiếm, giá cao. Muốn mua trái ngon, có khi mất cả hơn triệu đồng. Mà người tiêu dùng thì ít hiểu. Tôi thấy thú vị nên quyết định thử. Mùa đầu tiên rất tốt. Cây gặp đất lạ, ít sâu bệnh. Nhưng chỉ đến mùa thứ 2-3 là thất bại ê chề.

Dù vậy, tôi vẫn bám trụ – chắc vì tôi… lì! (cười).

Chắc anh nói vui. Lựa chọn dưa lưới có thể vì chữ “duyên”, nhưng để đi đường dài có lẽ rất cần một cam kết và tầm nhìn dài hạn.

Trần Phong Lan: Con đường nào rồi cũng sẽ gập ghềnh. Dưa lưới hay trái cây nào cũng đều có rủi ro.

Có mùa dưa, cả nông trại bị sâu bệnh phá trắng. Tôi kiên trì không dùng phân thuốc hóa học vì xác định, dù làm cái gì thì bản thân mình và người thân phải sử dụng được. Tất cả sản phẩm, cho tới hôm nay trước khi đem bán, người đầu tiên kiểm thử chính là tôi và các con của mình.

Tôi đi từ “tay ngang” thành “nông dân chuyên nghiệp” là nhờ kiên trì. Nhưng nói thật, ý người không thắng được trời. Làm nông mà. Dù cố gắng tới đâu, vẫn sẽ có lúc thất bại. Nên nếu ai đó hỏi bí quyết của tôi hay tầm nhìn? Không có đâu – tôi nói thật: chỉ là… lì mà thôi! (cười)

Với sự cam kết sâu sắc về chất lượng như vậy, khi đầu tư làm dưa lưới, anh có nghĩ Việt Nam sẽ có loại trái cây tinh hoa mang tầm quốc tế – như dưa lưới Taki của Nhật?

Trần Phong Lan: Thực ra dưa lưới chỉ là một trong số rất nhiều sản phẩm của chúng tôi. Hơn 10 năm qua, tôi luôn đi tìm giống cây bản địa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam để phục hồi và phát triển. Như chuối lửa – một giống quả rất ngon từng thất truyền ở Tây Nguyên.

Chuyện bắt đầu từ lần tôi… bị lừa (cười). Tôi mua chuối đỏ Dacca của Úc, nhưng người ta lại bán cho giống chuối lửa bản địa. Trồng rồi mới phát hiện. Trái vỏ dày nhưng ăn rất ngon nếu chăm đúng cách. Từ một cây, chúng tôi cấy mô và phát triển quy mô lớn tại Gia Lai.

Tôi hiểu: không phải giống cây nào cũng nên phục hồi – chỉ chọn thứ có thể trồng tốt và thương mại. Như cải mèo Tây Bắc – chúng tôi đang làm mạnh. Hay ổi sẻ (ổi lòng đào) – trái mềm thơm nhưng nhiều hạt, thích hợp để chế biến. Cây này rất hợp vùng ngập nước ở miền Tây. Nếu phát triển được cũng là một ý hay: Vừa kiếm tiền, vừa giữ đất.

Nhưng theo anh, đâu mới là tinh hoa nông sản Việt?

Trần Phong Lan: Tôi không nghĩ đó là câu hỏi quan trọng. Vì sẽ không có chuyện Việt Nam có cái mà thế giới không có.

Ví dụ, vải thiều của Việt Nam rất nổi tiếng nhưng Trung Quốc, Thái Lan cũng có! Hoặc xoài cát Hoà Lộc rất nổi tiếng, nhưng liệu nó có đủ sức đại diện cho tất cả xoài Việt Nam?

Với tôi, “tinh hoa” không nằm ở giống cây, mà ở chất lượng được thế giới công nhận . Ví dụ: sầu riêng Musang King của chúng tôi hiện là một phần trong chuỗi cung ứng toàn châu Á. Người ta hay nói, Musang King là đặc sản của Malaysia. Thực tế, giá sầu riêng bán ra thế giới cao hay thấp không phụ thuộc đất trồng. Do chất lượng tốt hay không cũng như các yếu tố marketing, kỹ năng bán hàng, và cả sự may mắn…

Còn nếu nói về tinh hoa riêng biệt, tôi sẽ chọn con đường ẩm thực . Ngày xưa, người Việt nhìn đồ hộp Tây như món xa xỉ. Giờ đây, tôi mơ làm đồ hộp, ví dụ riêu cua đồng – thứ rất Việt – để bán cho họ. Cái gì thuần Việt, đúng chuẩn, khi đi ra thế giới đều có thể khiến người ta nhớ thương – đó là con đường mà tôi chọn.

Anh nghĩ sao khi nhiều người làm nông nghiệp tử tế vẫn có lãi – vì họ chọn một sản phẩm mũi nhọn, không “ôm đồm” như anh?

Trần Phong Lan: Mỗi người một hướng đi. Thế giới có cả vạn con đường, tại sao tôi phải giống người ta?

Mọi người hãy quan sát, nhìn vào con đường của chúng tôi. Công ty tôi là nơi cung cấp nguồn thực phẩm hữu cơ cho nhu cầu hàng ngày. Chúng tôi đi từ farm tới bàn ăn, từ thực phẩm cho tới mỹ phẩm, dược liệu… Không chỉ trồng mà còn chế biến sâu. Mục tiêu là tối ưu hóa đầu vào, tận dụng tất cả tài nguyên – từ thân, lá, vỏ, rễ – biến thứ người ta bỏ đi thành giá trị.

Từ phân bón hữu cơ, tới các món đồ hộp như riêu cua đồng, cá kho... Mỗi thứ chúng tôi làm không chỉ để bán, mà còn giữ lại vị Việt – theo cách bền vững nhất.

Có người nói: “Làm nhiều quá! Không ổn! Phải “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”... Nhưng nhìn ra thế giới, có mấy ai sống tốt nhờ “nhất nghệ tinh”? Giữa thời đại biến động, đa ngành – đa năng mới là cách tồn tại.

Anh làm nhiều thế, liệu có dễ bán không?

Trần Phong Lan: Ai cũng phải bán hàng mà! Liệu có phải cứ bán ít sẽ hiệu quả? Ngày xưa, chúng tôi rất chật vật mới đưa được dưa lưới vào hệ thống siêu thị. Nhưng bây giờ, tự công ty đã có hệ thống cửa hàng riêng. Khi vào đó, nếu có đa dạng cái để mua thì vẫn hay hơn là đơn điệu.

Tất nhiên làm thế thì bài toán cũng nan giải! Nhưng mục tiêu của chúng tôi là muốn trở thành nơi đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm an toàn. Chúng tôi không có ý định chỉ tập trung làm một vài thứ và coi đó là tinh hoa!

Tôi rất hiểu triết lý và con đường của anh, nhưng tôi cũng nghĩ: Khi đã là doanh nhân, ai chẳng tính đến chuyện có lãi.

Trần Phong Lan : Tôi nghĩ vài năm nữa công ty sẽ có lời. Nhưng tôi không biết trước tương lai sẽ biến động ra sao. Tôi chỉ có thể khẳng định một điều: Mình đã làm nông nghiệp bằng tất cả sự tử tế và chân thành.

Tôi không chịu áp lực doanh số. Không vay nợ. Tôi làm mọi thứ rất thật và bình tĩnh. Tôi nghĩ khi mình “gieo đủ nhân tốt”, tiền lãi chỉ là kết quả sớm hay muộn.

Điều quan trọng, những gì công ty làm đã tạo ra kết quả ngay tức thì, và người tiêu dùng đang thụ hưởng hàng ngày. Cho dù tương lai có ra sao, nội trong một nông trại, chúng tôi tạo ra 600-700 công ăn việc làm và nó gắn với 600-700 gia đình. Đó là chuyện ý nghĩa.

Nhiều người nói họ rất quý thương hiệu của tôi vì tin tưởng. Muốn ăn rau hữu cơ - có ngay. Hoặc bạn tôi ở Mỹ về tận đây xách cua đồng đóng hộp mang đi. Có đứa cháu bên Đức ăn gà ác của tôi mà hồi phục sức khỏe. Tất cả chuyện nhỏ nhặt đó, nếu tôi không làm thì có thể là ai? Chưa biết, hoặc không có.

Sản phẩm của chúng tôi đã có chỗ đứng với cả thị trường quốc tế. Mấy năm qua, chúng tôi mở đường đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Trung Đông, Malaysia, Singapore, Campuchia… Có nhiều đơn hàng khiến tôi phải bay gấp sang Hồng Kông, Nhật để kịp giao.

Tiền lãi chỉ là một phần của thành công. Có những thứ “đắt” hơn thế hàng vạn lần. Còn nếu cứ hỏi bao giờ có lãi, hoặc gồng lỗ được tới đâu? Tôi không trả lời được. Quan trọng, “bây giờ và ở đây”, tôi vẫn đang nói chuyện với bạn về nông nghiệp.

Anh có nghĩ mình đang lỗ vì cách chi tiền “rộng tay” quá? Năm ngoái, việc thương hiệu của anh xuất hiện ở ngã 6 Phù Đổng – mặt bằng đắt đỏ bậc nhất Việt Nam – đã gây xôn xao. Có người còn nói đùa anh đang... rửa tiền.

Trần Phong Lan : Thế bạn có nghĩ tôi “rửa tiền” (cười)?

Có hai lý do. Một là làm thương hiệu – không chỉ cho khách trong nước mà cả quốc tế. Ngã 6 Phù Đổng là nơi rất nhiều du khách qua lại, và chúng tôi cần một “mặt tiền” ở trung tâm thành phố như vậy để chuẩn bị cho hành trình ra thế giới.

Hai là khẳng định vị thế. Đặt cửa hàng ở đó, bạn phải có nội lực thực sự – cả về sản phẩm lẫn nguồn lực vận hành.

Chúng tôi xác định sẽ ở đó lâu lâu dài! Muốn ký 5 năm nhưng trước mắt, chỉ được có 3 năm, vì đó là quy định của TP.HCM. Còn trụ được bao lâu… không ai nói trước được.

Vậy sau ngần ấy năm làm nông, giấc mơ lớn của anh là gì?

Trần Phong Lan : Tôi lớn lên trong gia đình thuần nông ở Cần Thơ. Sau này thành sĩ quan tàu biển. Nhưng càng đi biển nhiều, tôi càng nhớ đất liền. Với tôi, niềm hạnh phúc là gom đủ tiền, mua được một mảnh đất nào đó, dù nó xấu với người ta. Nhưng vì mình không có tiền nên phải chọn chỗ rẻ mà mua. Và tôi không bao giờ nghĩ có đất xấu. Chỉ là liệu ta có đủ tình yêu để đầu tư cho nó hay không. Khi đã biến đất xấu thành tốt: “hoá phép” cho chỗ hoang vu, khô cằn đá sỏi thành nông trại xanh mướt thì tôi thấy rất vui.

Từ khi bắt đầu cho tới giờ, tình yêu đất của tôi không thay đổi. Tôi ước một ngày, khắp Việt Nam không còn mảnh đất nào bỏ hoang. Từng thửa đất của người Việt sẽ trổ hoa, kết trái. Hoa trái ấy tỏa đi khắp thế giới, khiến năm châu thương mến. Chúng ta sẽ đứng thẳng lưng và nói: Đây là nông sản đẳng cấp “made in Vietnam”. Chúng tôi - Danny Green, sẽ là một phần trong dòng chảy mạnh mẽ ấy.

Nhưng trước tình hình thế giới đang căng thẳng – chiến tranh thương mại, khủng hoảng chuỗi cung ứng… anh có chiến lược gì để hiện thực giấc mơ ấy?

Trần Phong Lan: Nhân viên của tôi cũng hay hỏi vậy. Tôi chỉ cười: “Có gì mà lo”? Chiến lược của tôi là chẳng có chiến lược gì. Như Kim Dung viết: “Dùng vô chiêu thắng hữu chiêu”.

Thế giới có thể đổi thay từng giờ từng phút, thậm chí từng sát na. Nhưng nếu mình đủ mạnh thì có gì phải sợ? Muốn mạnh phải làm sao? Từ trước tới giờ, tôi vẫn tin: làm tốt việc của mình là chiến lược lớn nhất .

Nếu đi Mỹ khó quá, ta còn thị trường nội địa 100 triệu dân và biết bao nước khác. Vấn đề sản phẩm của bạn có đủ tốt hay không? Tôi tin, các nhà lãnh đạo sẽ có sách lược cho quốc gia. Còn tôi, một doanh nhân bình thường, chỉ cần kiên định làm thật tốt công việc của mình mỗi ngày.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện./

Các tin khác