Rạn san hô Hòn Chồng - Đặng Tất (P.Bắc Nha Trang, Khánh Hòa) có diện tích khoảng 4,75 ha, độ phủ san hô dao động từ 15,7% đến 65,7%, trung bình đạt 32,4% - mức tương đối cao so với mặt bằng các khu vực ven bờ.
Theo ghi nhận, khu vực này có tới 62 loài san hô cứng tạo rạn, trong đó nhóm san hô Acropora còn lại tới 8 loài - cao nhất trong toàn vịnh. Hệ sinh thái rạn cũng thu hút và duy trì khoảng 40 loài cá rạn sinh sống. Ngoài các rạn san hô chính, còn xuất hiện san hô cứng rải rác xen lẫn với vụn san hô, rong biển và cỏ biển. Trong đó, loài cỏ biển phổ biến là Thalassia hemprichii, cùng với các loài rong thuộc chi Galaxaura và Gracilaria chiếm ưu thế.

Rạn san hô Hòn chồng
ẢNH: BQL VỊNH NHA TRANG
Đây là một trong số ít khu vực biển có rạn san hô gần bờ, đóng vai trò quan trọng là nơi cư trú, sinh sản của nhiều loài sinh vật biển. Tuy nhiên, hệ sinh thái phong phú này nằm ngay sát bãi tắm thu hút nhiều người dân và khách du lịch.

Rạn san hô Hòn Chồng - Đặng Tất nhìn từ trên cao
ẢNH: BÁ DUY
Theo Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, áp lực lên hệ sinh thái này đang gia tăng nghiêm trọng. Từ 16 - 18 giờ hàng ngày, thủy triều xuống thấp khiến các rạn san hô lộ rõ, hàng trăm du khách, người dân đổ xô đến khám phá. Nhiều người dẫm đạp trực tiếp lên san hô, bắt các sinh vật biển. Thậm chí, một số du khách còn quay clip, livestream khoe trên mạng xã hội việc đứng trên rạn san hô, khiến hành vi này lan truyền và được bắt chước.

Rạn san hô nằm sát bãi tắm của người dân
ẢNH: BÁ DUY
Bên cạnh đó, từ tháng 6 - 8 hàng năm, nhiệt độ nước biển tăng cao gây tẩy trắng san hô cục bộ, kết hợp với bão lũ và sao biển gai, ốc ăn san hô. Đặc biệt nghiêm trọng, mỗi khi có mưa lớn, nước thải từ đường Phạm Văn Đồng chảy tràn ra biển Hòn Chồng, tạo vệt nước đen bốc mùi hôi, gây ô nhiễm trực tiếp đến hệ sinh thái rạn san hô.

Khi thủy triều xuống thấp khiến các rạn san hô lộ rõ, người dân đổ xô đến khám phá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rạn san hô
ẢNH: BÁ DUY
Thời gian qua, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn tích cực. Các buổi tuyên truyền lưu động được tổ chức thường xuyên tại bãi tắm Hòn Chồng và dọc đường Phạm Văn Đồng, đặc biệt vào những ngày thủy triều xuống thấp. Đơn vị đã lắp đặt 8 bảng chỉ dẫn cho người dân và du khách tại các vị trí quan trọng.

Một bảng hướng dẫn cho người dân và du khách trên bãi tắm Hòn Chồng
Hàng ngày, các tổ công tác kiên trì đi dọc bờ biển để nhắc nhở trực tiếp người dân và du khách tránh xa khu vực có san hô, không bắt các loài thủy sản quý hiếm. Xe tuyên truyền lưu động với loa phát thanh cũng thường xuyên chạy dọc khu vực góp phần lan rộng mục đích, ý nghĩa của hoạt động cho nhiều nhóm đối tượng, độ tuổi của người dân và du khách khi tham gia vui chơi, tắm biển tại khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất.

Vào những ngày thủy triều xuống thấp, BQL vịnh giăng dây hạn chế khu vực tắm nhưng nhiều người dân chưa tuân thủ
ẢNH: BÁ DUY

Nhiều người dân dẫm đạp trực tiếp lên san hô, bắt các sinh vật biển
ẢNH: BÁ DUY
BQL vịnh còn gửi văn bản tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn hệ sinh thái đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Nha Trang.
Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về việc bảo vệ rạn san hô Hòn Chồng trên mạng xã hội. Kết quả bước đầu cho thấy, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường biển đã được nâng cao đáng kể, đa số chấp hành yêu cầu không giẫm đạp và bắt thủy sản trên vùng rạn san hô.
BQL vịnh Nha Trang cho biết, các hoạt động bảo vệ thực tế được triển khai có hệ thống. Mỗi tuần, đội ngũ tình nguyện viên và cán bộ quản lý tổ chức vớt rác đáy biển, làm sạch môi trường giúp san hô phát triển tốt hơn (hạn chế khả năng bị lưới, dây kéo gãy đổ khi có các dòng hải lưu mạnh chảy qua). Bắt sao biển gai – địch hại của san hô. Chỉ trong 3 ngày tháng 6 vừa qua, đội ngũ tình nguyện viên đã thu gom được hơn 220 kg rác và gỡ bỏ những mảng lưới đánh cá quấn chặt rạn san hô.

Đội ngũ tình nguyện viên thường xuyên tổ chức vớt rác đáy biển, làm sạch môi trường giúp san hô phát triển tốt hơn
ẢNH: BÁ DUY
BQL vịnh cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra tuyên truyền bảo vệ rạn san hô, cỏ biển và môi trường vào ngày nước thủy triều xuống thấp (từ tháng 4 - 9 hàng năm). Đồng thời hợp tác với Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga khảo sát đa dạng sinh học rạn san hô và đề xuất giải pháp bảo vệ hiệu quả.

Vấn đề nước thải từ đường Phạm Văn Đồng chảy ra biển gây ảnh hưởng rạn san hô đang được kiến nghị giải quyết
ẢNH: TN
Về tương lai, BQL dự kiến lắp đặt dàn phao phân vùng tạo ranh giới rõ ràng giữa khu vực bảo vệ san hô, cỏ biển và vui chơi. Lực lượng tuần tra 24/24 giờ sẽ được thành lập để đảm bảo giám sát liên tục. Song song đó, vấn đề nước thải từ đường Phạm Văn Đồng chảy ra biển đang được kiến nghị giải quyết căn cơ thông qua các dự án nâng cấp hệ thống thoát nước.