Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm rưỡi và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Sự chênh lệch về kho vũ khí, nguồn nhân lực, sức mạnh kinh tế cùng sự ủng hộ và trợ giúp từ bên ngoài được coi là những yếu tố chính ảnh hưởng đến tiến trình và kết quả của cuộc xung đột này.
Chi tiêu quốc phòng
Theo số liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, chi tiêu quốc phòng của Nga trong năm 2022 đứng thứ 3 thế giới, đạt 86,4 tỷ USD, tương đương 4,1% GDP của nước này cùng năm. So với ngân sách quốc phòng năm 2021, Nga đã chi thêm hơn 20 tỷ USD.
Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của Ukraine năm 2022 đứng thứ 11 thế giới, với ngân sách 44 tỷ USD. So với chi phí quốc phòng một năm trước đó, tỷ lệ chi tiêu cho các hoạt động quân sự của quốc gia này tăng tới 640%.

Trong hai năm 2023 và 2024, số tiền được Nga và Ukraine chi cho quốc phòng tiếp tục tăng, một phần vì cuộc xung đột giữa hai nước leo thang. Tính tới thời điểm hiện tại, xung đột giữa hai nước láng giềng này chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Về nhân lực
Theo số liệu do hãng tin TASS công bố, quân đội Nga vào đầu năm 2022, thời điểm trước khi xảy ra xung đột với Ukraine, có khoảng 1 triệu lính. Một lượng lớn trong số đó được điều động tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở bên kia biên giới. Tính đến cuối tháng 5/2025, quy mô của quân đội Nga đạt 1,5 triệu người.

Về Ukraine, do những diễn biến phức tạp trên thực địa nên các lực lượng vũ trang Kiev phải duy trì lượng lớn binh sĩ. Trong thông cáo phát đi tháng 7/2022, tức 5 tháng sau khi xung đột nổ ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine khi đó Oleksii Reznikov cho biết, quân đội nước này có khoảng 700.000 lính chính quy. Nếu cộng thêm nhân lực từ Lực lượng Biên phòng, Vệ binh quốc gia và cảnh sát, Kiev sẽ có khoảng 1 triệu thành viên các lực lượng vũ trang.
Khi tham dự một sự kiện được tổ chức hồi đầu năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tiết lộ, Kiev hiện nắm trong tay khoảng 880.000 binh sĩ “đang thực hiện nghĩa vụ bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Ukraine trước 600.000 lính Nga”.
Video: Ông Zelensky tiết lộ số lượng quân nhân Ukraine hồi tháng 1/2025. Nguồn: Wartranslated
Tổng quan về vũ khí của hai bên
Theo thông tin từ trang Bulgaria Military, các lực lượng vũ trang Nga ở thời điểm đầu năm 2022 sở hữu nhiều loại xe tăng tiên tiến như T-72B3M, T-80BVM và T-90M; các xe chiến đấu bộ binh như BMP-2 và BMP-3, BTR-82A. Về pháo binh, trong biên chế của quân đội Nga có các hệ thống 2S19, TOS-1A, BM-21, BM-27 và BM-30.
Trong lĩnh vực phòng không, quân đội Nga sở hữu nhiều tổ hợp tiên tiến như Panstir-S1, S-300, S-350 Vityaz và S-400. Về không quân, Moscow có nhiều loại tiêm kích như Su-27, Su-30SM, Su-35; các cường kích như Su-25 và Su-34; các trực thăng tấn công như Mi-24, Mi-28 và Ka-52. Về hải quân, các chiến hạm và tàu ngầm thuộc biên chế Hạm đội Biển Đen được Nga điều động tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, phía Nga đã chú trọng phát triển máy bay không người lái (UAV) để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ trinh sát cho đến tấn công cảm tử. Điển hình là UAV trinh sát Orlan-10; các UAV cảm tử Lancet, Geran-2 và Kub-BLA.

Trong khi đó, quân đội Ukraine ở thời điểm đầu năm 2022 chủ yếu sở hữu những vũ khí phát triển từ thời Liên Xô cũ như các xe tăng T-64, T-72 và T-80; các xe chiến đấu BMP-1 và BMP-2, BTR-80; pháo phản lực BM-21, BM-27 và BM-30. Ngoài ra, nền công nghiệp quốc phòng Ukraine cũng chế tạo một số khí tài nội địa như xe tăng T-84, xe bọc thép BTR-4 và pháo tự hành 2S22 Bohdana.
Từ giữa năm 2022, Lục quân Ukraine nhận được nguồn viện trợ quân sự lớn từ phương Tây. Ban đầu là các xe tăng T-72, PT-91 và M-55S, sau đó là các chiến tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 và Leopard 2 từ Đức, Challenger 2 từ Anh. Tới cuối năm 2023, Ukraine đã nhận 31 xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất.
Về phòng không, các hệ thống S-125, S-200, S-300 và Buk giữ vị trí chủ đạo trong phòng thủ đường không của Ukraine khi xung đột mới nổ ra. Về sau, các quốc gia phương Tây đã cung cấp cho Kiev những tổ hợp tiên tiến như Patriot, IRIS-T, NASAMS, Stormer HVM,…
Về pháo binh, Ukraine đã nhận được một loạt hệ thống pháo tự hành từ phương Tây như CAESAR của Pháp, PzH 2000 từ Đức, AHS Krab của Ba Lan, Archer từ Thụy Điển, AS-90 của Anh, các pháo phản lực M270 và M142 HIMARS từ Mỹ.

Về tên lửa đạn đạo, tờ New York Times hồi tháng 4 năm ngoái tiết lộ, Mỹ đã viện trợ khoảng 100 tên lửa ATACMS cho Ukraine, với các loại đầu đạn từ tăng tầm cho đến mang đạn chùm.
Vấn đề hiện đại hóa quân sự của Ukraine và Nga
Trong bài bình luận đăng trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tháng 3/2025, các chuyên gia nhận định, quân đội Ukraine đang đặt mục tiêu sử dụng các hệ thống robot quân sự tự động để thay binh sĩ đảm nhận một số nhiệm vụ trên tiền tuyến; phát triển hơn nữa các UAV góc nhìn thứ nhất (FPV); tăng cường nghiên cứu phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để ứng dụng cho nhiều robot quân sự; phát triển hệ thống nhận diện mục tiêu cho phép khóa đối phương ở khoảng cách 2km…

Trong khi đó, bài đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) hôm 11/6 cho rằng, nền công nghiệp quốc phòng của Nga trong thời gian tới sẽ chú trọng hơn nữa việc đầu tư vào UAV và các thiết bị mặt đất không người lái (UGV) cũng như khả năng chống sự can thiệp của các thiết bị tác chiến điện tử.