Đền Hùng là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam. Mỗi năm, hàng triệu lượt du khách hành hương về đây không chỉ để bày tỏ lòng thành kính với tiền nhân mà còn để hòa mình vào không khí linh thiêng, huyền bí và tìm hiểu văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc, đặc biệt là dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch.
Đền Hùng tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội khoảng 90km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thờ phụng các Vua Hùng – những người đã khai sinh ra nhà nước Văn Lang.
Quần thể di tích Đền Hùng bao gồm hơn 20 công trình lớn nhỏ, phân bố trên núi Nghĩa Lĩnh, trong đó nổi bật là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, lăng Vua Hùng, đền Giếng và Bảo tàng Hùng Vương. Nơi đây không chỉ có giá trị văn hóa – lịch sử sâu sắc mà còn là điểm đến tâm linh đặc biệt.

Du khách đổ về Đền Hùng 2 ngày trước lễ giỗ Tổ. (Ảnh: Ngọc Báo)
Để chuyến đi thêm trọn vẹn, bạn đừng bỏ qua những kinh nghiệm du lịch Đền Hùng từ A đến Z dưới đây.
Thời điểm lý tưởng để tham quan Đền Hùng
Mỗi mùa, Đền Hùng đều mang vẻ đẹp riêng nên du khách có thể đến đây quanh năm. Tuy nhiên, khoảng thời gian lý tưởng nhất để tham quan vẫn là từ tháng 2 đến tháng 4 Âm lịch, thời tiết thích hợp cho các hoạt động lễ hội và du lịch.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) là thời điểm được nhiều người lựa chọn nhất vì đây là dịp lễ lớn, con cháu các vua Hùng muốn hành hương về nguồn. Thời điểm này không khí lễ hội rất nhộn nhịp với nhiều hoạt động văn hóa như rước kiệu, dâng hương, biểu diễn dân gian, hội chợ…
Nếu bạn không thích đông đúc, nên tránh dịp lễ hội và đi vào ngày thường để có trải nghiệm yên tĩnh, thanh tịnh hơn.
Cách di chuyển đến Đền Hùng
Đền Hùng nằm gần thành phố Việt Trì nên việc di chuyển khá thuận tiện:
Nếu ở Hà Nội, bạn có thể đi xe khách từ bến Mỹ Đình hoặc Giáp Bát, bắt xe đi Việt Trì hoặc Phú Thọ, giá vé dao động từ 80.000 - 120.000 VNĐ/lượt. Từ trung tâm thành phố Việt Trì đến Đền Hùng khoảng 10km, có thể đi taxi, xe ôm hoặc xe buýt số 7.
Nếu đi tàu hỏa, hãy chọn tuyến Hà Nội – Việt Trì với nhiều chuyến trong ngày. Bạn có thể chọn đi tàu rồi bắt taxi hoặc xe buýt tới khu di tích.
Nếu sử dụng xe máy, ô tô cá nhân, bạn đi theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai, rẽ tại nút giao IC7 về Việt Trì rồi theo biển chỉ dẫn đến Đền Hùng.
Các điểm tham quan chính ở Đền Hùng
- Đền Hạ: Nơi tưởng nhớ thời điểm Lạc Long Quân – Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Đền được xây dưới chân núi, là điểm khởi đầu cho hành trình tham quan.
- Đền Trung: Tương truyền là nơi các Vua Hùng bàn việc nước. Kiến trúc cổ kính, mái cong, nhiều câu đối cổ được lưu giữ nguyên vẹn.

Đền Trung. (Ảnh: Tin Tức)
- Đền Thượng: Nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (cao 175m so với mực nước biển), nơi vua Hùng tế trời đất và là nơi linh thiêng nhất trong quần thể.
- Lăng Vua Hùng: Gần đền Thượng, tương truyền là nơi an nghỉ của vua Hùng thứ 6. Lăng được xây bằng đá xanh, đơn sơ mà trang nghiêm.
- Đền Giếng: Nằm dưới chân núi, cạnh giếng ngọc, nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa từng soi gương chải tóc. Kiến trúc đền nhỏ nhưng cổ kính.
- Bảo tàng Hùng Vương: Nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý như trống đồng, vũ khí, nông cụ, mô hình sinh hoạt thời Văn Lang - Âu Lạc.
Ăn gì khi du lịch Đền Hùng?
Đến Phú Thọ thăm Đền Hùng, bạn có thể thưởng thức các món đặc sản sau:
- Bánh tai: Loại bánh dân dã, làm từ gạo tẻ, nhân thịt băm, thơm mùi tiêu, là món ngon nổi tiếng ở vùng đất Tổ.

Bánh tai Phú Thọ.
- Cơm lam, thịt nướng: Đặc sản vùng cao thường thấy tại các quán ăn gần khu đền.
- Bưởi Đoan Hùng: Loại bưởi thơm, ngọt thanh, vỏ mỏng, nổi tiếng khắp vùng Phú Thọ.
- Rêu nướng, canh đắng: Món ăn độc đáo của người Mường ở huyện Thanh Sơn (gần Đền Hùng), có thể tìm thấy tại một số nhà hàng địa phương.
- Chè xanh và rượu men lá: Hai đặc sản không thể thiếu trong các dịp lễ tết, thường được du khách chọn làm quà.
Mua gì làm quà khi du lịch Đền Hùng? Bạn có thể tham khảo các gợi ý như: Chè xanh Phú Thọ thơm dịu, vị đậm, rượu men lá, bánh tai, bánh chưng gù, đồ lưu niệm thủ công như vòng gỗ, móc khóa, tượng đồng nhỏ…
Một số lưu ý khi tham quan Đền Hùng
Dưới đây là một số lời khuyên giúp chuyến tham quan của bạn được trọn vẹn:
- Trang phục lịch sự khi vào đền: Nên mặc quần dài, áo có tay để thể hiện sự tôn kính.
- Mang theo nước uống, giày thể thao vì hành trình tham quan phải leo hơn 500 bậc đá.
- Không nên mang theo quá nhiều đồ đạc, chỉ cần những vật dụng gọn nhẹ, dễ di chuyển.
- Giữ vệ sinh chung, không xả rác hoặc viết vẽ lên tường đền.
- Chụp ảnh cần có ý thức, không dùng flash hay tạo dáng phản cảm ở nơi linh thiêng.
Gợi ý lịch trình tham quan Đền Hùng trong 1 ngày
- 06h30: Xuất phát từ Hà Nội.
- 08h30: Đến Đền Hùng, bắt đầu tham quan từ đền Hạ lên đền Thượng, lăng Vua Hùng.
- 11h30: Nghỉ ngơi, ăn trưa tại nhà hàng địa phương.
- 13h: Tham quan đền Giếng và bảo tàng Hùng Vương.
- 14h30: Mua sắm đặc sản tại chợ gần khu di tích.
- 15h30: Khởi hành về Hà Nội.