Sáng 23-7, lãnh đạo UBND xã Yên Na (Nghệ An) cho biết trước diễn biến phức tạp của mưa lớn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, chính quyền xã Yên Na đã khẩn trương ban hành Lệnh sơ tán khẩn cấp, tổ chức di dời 120 hộ dân với 550 nhân khẩu tại bản Vẽ đến nơi an toàn.
Nhà máy thủy điện Bản Vẽ.
Tại xã Yên Na có Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, đang tiến hành xả nước từ hồ chứa. Trong đêm 22-7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã ký thông báo khẩn.
Thông báo nêu: "Lúc 21 giờ ngày 22-7, lưu lượng về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m3/s (tần suất 0,02%, tức là 5.000 năm mới xảy ra một lần)".
Hồ thủy điện Bản Vẽ đang cắt giảm lũ với lưu lượng xả xuống hạ du là 1.727m3/s và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Thông báo khẩn của UBND tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.
Nước từ hồ thủy điện Bản Vẽ đổ xuống sông Nậm Nơn rồi đổ xuống sông Cả (sông Lam) về xuôi ra Cửa Hội (giáp Hà Tĩnh, Nghệ An).
Người dân ở Bản Vẽ, xã Yên Na (Nghệ An) được sơ tán lên ở trong trường học.
Chiều và tối 22-7, trên địa bàn các xã miền núi Nghệ An có mưa lũ, nước đổ về nhanh ở dòng Nậm Mộ, sông Nậm Nơn. Khi thủy điện Bản vẽ xả nước, khu vực hạ lưu sông Cả, sông Lam sẽ lên nhanh.
Khu vực tác động trực tiếp của thủy điện Bản Vẽ xả lũ gồm các xã ở Nghệ An: Tương Dương, Tam Thái, Lượng Minh, Tam Quang, Con Cuông, Cam Phục, Châu Khê, Mậu Thạch, Anh Sơn, Yên Xuân, Nhân Hòa, Anh Sơn Đông, Vĩnh Tường và Thành Bình Thọ...