Kinh tế

Một phụ nữ ở Hà Nội vừa mất gần 1 tỷ đồng thế nào?

Công an TP Hà Nội ngày 14/5 cho biết, thời gian qua, Công an thành phố đã cảnh báo về thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng (shipper) gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người vì người chủ quan mà sập bẫy các đối tượng.

Cụ thể, gần đây nhất là ngày 08/5/2025, Công an phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội tiếp nhận tin trình báo của chị H (SN 1985; trú tại Long Biên, Hà Nội) về việc bị lừa hơn 900 triệu đồng. Theo đó, ngày 06/5/2025, chị H có nhận được điện thoại của đối tượng xưng là nhân viên giao hàng, thông báo chị có đơn hàng cần thanh toán. Do tin tưởng nên chị H đã chuyển tiền thì đối tượng gọi điện thông báo bị nhầm số tài khoản và hướng dẫn chị nhận lại số tiền đã chuyển nhầm đồng thời hủy thẻ hội viên.

Đối tượng gửi cho chị 01 mã QR và hướng dẫn dùng tài khoản ngân hàng quét mã để được hoàn lại tiền và hủy thẻ. Do chủ quan, chị H đã sử dụng tài khoản ngân hàng của mình để quét mã và ấn xác nhận thì tài khoản ngân hàng của chị bị trừ hết số tiền hiện có là 2 triệu đồng. Khi thắc mắc với nhân viên chăm sóc khách hàng thì chị được thông báo sai thao tác. Người này yêu cầu quét mã lại để được hoàn lại số tiền trên.

Liên tiếp sau đó, chị H dùng thêm tài khoản khác để quét mã theo hướng dẫn và tiếp tục bị trừ tiền. Đối tượng liên tục dụ dỗ rằng phải chuyển thêm tiền để được hoàn lại số tiền đã mất. Tổng cộng, chị H đã chuyển hơn 900 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Khi bị yêu cầu tiếp tục chuyển thêm 200 triệu đồng để hoàn thành tiến trình hoàn tiền, chị mới nghi ngờ và đến Công an trình báo.

Một phụ nữ ở Hà Nội vừa mất gần 1 tỷ đồng thế nào?- Ảnh 1.

Việc shipper giả mạo có thể đọc chính xác đơn hàng là một thủ đoạn tinh vi mới so với trước đây - Ảnh minh họa: VTV

Qua vụ việc trên, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa trực tiếp nhận hàng đã đặt và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản. Tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo.

Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng. Khi bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân cần đến cơ quan Công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ kịp thời.

Bộ Công an bóc trần thủ đoạn lừa đảo giả danh shipper

Liên quan đến hình thức lừa đảo giả danh shipper, ngày 12/4, Bộ Công an cho biết, kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua một số phương thức, thủ đoạn sau:

Các nghi phạm lừa đảo thu thập, mua bán dữ liệu những người thường xuyên mua hàng online, sau đó giả danh shipper gọi điện thoại thông báo giao hàng vào những khung giờ bị hại thường không có nhà, gửi thông tin chuyển khoản đề nghị thanh toán.

Sau đó, nghi phạm thông báo chưa nhận được tiền, lừa bị hại tiếp tục chuyển tiền hoặc gửi tin nhắn thông báo bị hại đã đăng ký một gói dịch vụ nào đấy, với mức phí từ 2-10 triệu đồng trên tháng. Đồng thời hướng dẫn nạn nhân tiếp tục chuyển tiền để hủy gói dịch vụ... để chiếm đoạt.

Kẻ lừa đảo giả danh shipper đến giao hàng (bên trong hầu hết là hàng giả, hàng rẻ tiền hoặc không có giá trị), đề nghị thanh toán trước hoặc thanh toán khi giao hàng nhưng không cho kiểm tra hàng hóa.

Các nghi phạm lừa đảo tiếp cận với các kênh livestream bán hàng, tiếp cận với những khách hàng đặt mua hàng online, đề nghị xác thực đơn hàng tại các trang web giả mạo hoặc yêu cầu tải app theo dõi giao hàng để chiếm quyền kiểm soát điện thoại, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Các nghi phạm gọi điện giả danh shipper giao hàng để thu thập thông tin cá nhân của người dân, sử dụng cho các phương thức, thủ đoạn lừa đảo khác.

Các tin khác

Cựu Cục trưởng ATTP - Bộ Y tế khai 5 lần được cấp dưới "mang phong bì về cho sếp"

Kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan CSĐT, Bộ Công an xác định, bị can Nguyễn Thanh Phong – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cùng 4 đồng phạm khác bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”. Bị can Phong khai nhận, mỗi lần đoàn công tác thực hiện hậu kiểm tại doanh nghiệp về, cấp dưới là ông Cao Văn Trung đều đưa cho ông một phong bì với lý do là “doanh nghiệp cảm ơn”, bên trong chứa 50 triệu đồng.