Xã Hội

Nghị quyết của Bộ Chính trị: Không "hình sự hóa" quan hệ kinh tế, dân sự

Tóm tắt:
  • Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW đổi mới xây dựng và thi hành pháp luật phát triển đất nước kỷ nguyên mới.
  • Mục tiêu đến 2030 có hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, phục vụ phát triển kinh tế và xã hội.
  • Việc tháo gỡ vướng mắc pháp luật hoàn thành năm 2025, hoàn thiện văn bản pháp luật đầu tư, kinh doanh đến 2028.
  • Tầm nhìn đến 2045 xây dựng pháp luật chất lượng cao, tôn trọng quyền con người và quản trị quốc gia hiện đại.
  • Nghị quyết nhấn mạnh thi hành pháp luật công bằng, phòng ngừa vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Trong nghị quyết, Bộ Chính trị yêu cầu quán triệt thực hiện tốt nhiều nội dung về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Nghị quyết đặt mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy , tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Nghị quyết Bộ Chính trị không hình sự hóa quan hệ kinh tế , dân sự để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Ảnh: PV.

Năm 2025, theo nghị quyết, sẽ cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Nghị quyết cũng nêu tầm nhìn đến 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả , đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Trong nhiều giải pháp đặt ra, nghị quyết nhấn mạnh việc tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.

Theo nghị quyết, phải phát huy cao độ tinh thần phục vụ Nhân dân, tư duy kiến tạo phát triển, hành động vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nhất quán quan điểm người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm .

Ưu tiên bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trong các lĩnh vực dân sinh quan trọng khác (an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng...).

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng yêu cầu tăng cường đối thoại, tiếp nhận, lắng nghe phản ánh, kiến nghị, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương.

Thường xuyên đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế kịp thời nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ, tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định của pháp luật.

"Đề cao công tác phòng ngừa, cảnh báo vi phạm pháp luật đi đôi với việc tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lạm quyền, thiếu trách nhiệm ; đồng thời, góp phần khắc phục bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Nghiêm cấm việc lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để trục lợi hoặc can thiệp, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân", nghị quyết nhấn mạnh.

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng khẳng định, không “hình sự hóa” các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự; không dùng biện pháp hành chính để can thiệp, giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế.

Các tin khác

Chàng trai chi hơn nửa tỉ đồng cho bộ sưu tập "những người bạn nhựa"

Nhen nhóm ước mơ sưu tầm mô hình từ bé, mãi đến năm 2016, anh Nguyễn Ngọc Thành Tâm mới bắt đầu thực hiện. Anh đã chi hơn nửa tỉ đồng để sở hữu hàng trăm mô hình từ siêu anh hùng, quái vật, tới các nhân vật biểu tượng với đủ loại hình dáng, kích thước khác nhau.

Apple tôn vinh Việt Nam theo cách đặc biệt nhân ngày đại lễ 30/4

Việc Apple dành riêng một chiến dịch để vinh danh các nhà phát triển Việt trong dịp 30/4 là một hành động đặc biệt, cho thấy Việt Nam đang dần chuyển mình thành nơi tạo nên những nhà phát triển tài năng có bản sắc, có sức lan tỏa trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Chu Quần Phi - Từ cô gái "công xưởng" đến nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc không mang danh "người thừa kế"

Chu Quần Phi, từ một cô gái làm công trong nhà máy đã vươn lên trở thành “Nữ hoàng kính điện thoại” và người giàu nhất tỉnh Hà Nam. Hành trình khởi nghiệp từ tay trắng của Chu Quần Phi không chỉ là câu chuyện về ý chí kiên cường mà còn là minh chứng cho tài năng kinh doanh xuất chúng.