
Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Bloomberg).
Mặc dù các nhà phân tích gần như chắc chắn rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 4,25% - 4,5%, cuộc họp lần này vẫn mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp: lạm phát dai dẳng, thị trường lao động có dấu hiệu hạ nhiệt, sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong nội bộ và áp lực chính trị chưa từng có từ Nhà Trắng.
Bức tranh kinh tế vĩ mô đa chiều
Trong các cuộc họp gần đây, Fed đã phát tín hiệu rõ ràng về cách tiếp cận "chờ và xem". Theo ông Michael Gapen, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Mỹ tại ngân hàng Morgan Stanley, Chủ tịch Jerome Powell nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhấn mạnh sự kiên nhẫn, với lý do còn tồn tại nhiều bất ổn từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump gây ra cho triển vọng kinh tế.
Fed đã duy trì lãi suất ở mức 4,25% - 4,5% trong suốt năm nay, dù các quan chức đã để ngỏ khả năng có hai đợt cắt giảm vào cuối năm. Quyết định này phản ánh nỗ lực của ngân hàng trung ương trong việc cân bằng giữa hai nhiệm vụ cốt lõi: duy trì giá cả ổn định và tối đa hóa việc làm.
Hiện tại, bức tranh kinh tế Mỹ không khác nhiều so với vài tháng trước. Tăng trưởng việc làm trong tháng 6 vẫn tiếp diễn dù có phần chậm lại. Tuy nhiên, lạm phát vẫn là một bài toán khó giải.
Lạm phát vẫn neo ở mức cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Thước đo lạm phát ưa thích của Fed đã tăng 2,7% trong tháng 5 và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 cũng cho thấy tác động rõ rệt của thuế quan lên giá cả tại Mỹ. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Trong khi đó, thị trường lao động - dù vẫn vững chắc - đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt. Thống đốc Fed Chris Waller chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng việc làm trong khu vực tư nhân đang "gần như chững lại".
Các chuyên gia kinh tế cho rằng dữ liệu việc làm của tháng 7 và tháng 8 sẽ là yếu tố then chốt, cung cấp bằng chứng về việc liệu thị trường lao động có đang suy yếu hay vẫn kiên cường.
Khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và những bất đồng nội bộ
Bất chấp lập trường thận trọng của Fed, thị trường tài chính đang đặt cược vào một đợt cắt giảm lãi suất sắp tới. Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư dự báo có khoảng 62% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 9. Đến thời điểm đó, Fed sẽ có trong tay các báo cáo việc làm quan trọng để đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại có những ý kiến trái chiều. Bà Priscilla Thiagamoorthy, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường BMO Economics, cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 rồi thực hiện một loạt các động thái theo quý trong năm 2026.
Ngược lại, chiến lược gia kỹ thuật Larry Tentarelli của chuyên trang phân tích tài chính Blue Chip Daily Trend Report tin rằng lạm phát tăng sẽ khiến Fed càng thận trọng hơn đối với việc cắt giảm lãi suất và ông không kỳ vọng điều này sẽ xảy ra vào tháng 9.
Ông Jeffrey Roach, chuyên gia kinh tế trưởng của LPL Financial, cũng đồng tình rằng Fed có thể sẽ giữ nguyên chính sách cho đến khi áp lực lạm phát giảm bớt.
Dù vậy, quyết định giữ nguyên lãi suất có thể sẽ không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối. Nội bộ Fed đang chứng kiến sự chia rẽ ngày càng lớn giữa hai phe "bồ câu" (ủng hộ nới lỏng chính sách tiền tệ) và phe "diều hâu" (ưu tiên thắt chặt lãi suất để chống lạm phát).
Phe bồ câu, dẫn đầu là Thống đốc Fed Chris Waller, cho rằng nên cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 7. Ông lập luận rằng nền kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu và Fed không nên đợi đến khi thị trường lao động xấu đi mới hành động. Thống độc Waller cũng không quá lo ngại về lạm phát do thuế quan, dự báo đây chỉ là "sự tăng giá một lần" và sẽ chỉ là tạm thời.
Ở phía ngược lại, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm phát cao "ăn sâu vào tâm lý người tiêu dùng". Ông cho rằng tác động đầy đủ của thuế quan lên giá cả có thể mất một năm hoặc lâu hơn để thể hiện đầy đủ.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Bank of America nhận định mặc dù hầu hết các quan chức Fed dường như vẫn muốn chờ đợi thêm thông tin, những bất đồng này có thể bắt đầu một xu hướng cho thấy chia rẽ quan điểm thường xuyên hơn trong nội bộ Fed.
Áp lực chính trị chưa từng có
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn bởi những cuộc "tấn công" ngày càng gay gắt từ Tổng thống Donald Trump nhắm vào Chủ tịch Powell.
Ông Trump liên tục kêu gọi cắt giảm lãi suất, một phần là để giảm chi phí trả nợ cho chính phủ. Gần đây, ông còn đến thăm trụ sở Fed và công khai chỉ trích chi phí cải tạo tòa nhà, một động thái được xem là gia tăng áp lực trực tiếp lên ngân hàng trung ương này.
Đáp lại, ông Powell luôn giữ thái độ kiên định, nhấn mạnh rằng Fed là một tổ chức độc lập, các quyết định chỉ dựa trên dữ liệu kinh tế và ông không thể bị sa thải một cách hợp pháp nếu không có lý do chính đáng.
Về tổng thể, mặc dù quyết định trong cuộc họp tuần này gần như đã được định sẵn, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ mọi tín hiệu từ tuyên bố của Fed và buổi họp báo của Chủ tịch Powell để tìm kiếm manh mối cho tháng 9. Bất kỳ sự thay đổi nào trong ngôn ngữ hoặc sự xuất hiện của các phiếu bất đồng đều sẽ được phân tích kỹ lưỡng.
Bà Gina Bolvin, Chủ tịch của công ty quản lý đầu tư Bolvin Wealth Management Group, cảnh báo Chỉ số CPI của tháng 6 cho thấy biết con đường trở lại mức lạm phát 2% sẽ không bằng phẳng, cho Fed lý do để tạm dừng trước khi cắt giảm lãi suất. Theo bà, những ai mong đợi một sự xoay trục mạnh mẽ từ Fed có thể sẽ phải thất vọng.