Từ cậu bé đạp xe đạp giữa trưa nắng đến ngôi sao sân khấu
Duyên phận với cải lương của NSND Trọng Bình bắt đầu từ những buổi trưa nắng gay gắt ở làng Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Cuối những năm 1980, cậu bé Trọng Bình mới 13, 14 tuổi, thường xuyên đạp xe đạp 6km từ nhà đến trường. Cứ đến một đoạn đường nhất định, có chiếc loa phát thanh xã, Trọng Bình dừng lại để nghe chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam, phát vào chiều thứ 3 và thứ 6.
![]() |
![]() |
![]() |
Đó còn là những lần "chui rào, đặt gạch, núp đống rơm ở sân kho" để xem Đoàn Cải lương Trung ương biểu diễn các vở nổi tiếng như Đôi dòng sữa mẹ, Mùa tôm, Khúc hát tình đời... Từ những buổi xem lén ấy, Trọng Bình thuộc nằm lòng những bài ca cổ như Cau Hà Châu têm trầu Xuân Mỹ, Chung gánh nước non, Cô gái tưới đậu...
Đặc biệt, mỗi thứ 7, Trọng Bình chăm sang nhà hàng xóm quét sân, băm rau lợn giúp để tối được xem nhờ tivi những vở cải lương như Bên cầu dệt lụa, Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Tô Ánh Nguyệt.
Những giai điệu ấy len lỏi vào tâm hồn Trọng Bình. Đến hạn cuối nộp hồ sơ thi đại học, dù bố mẹ định hướng vào sư phạm nhưng Trọng Bình bất ngờ rẽ lối sang sân khấu, điện ảnh, thi tuyển diễn viên và đứng ở tốp đầu 26 thí sinh trúng tuyển.
Những năm tháng vật lộn với nghèo khó
![]() |
![]() |
Thời gian học trường sân khấu có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời NSND Trọng Bình. Gia đình không có điều kiện tài chính, anh phải vừa học vừa làm. Suốt 4 năm trời, ban ngày anh đạp xe một vòng từ Sài Đồng sang Mai Dịch (chừng 50 km) để theo đuổi đam mê nghệ thuật, tối đến làm ca đêm tại Công ty Kim khí Thăng Long.
Tiền lương công nhân anh dùng để phụ giúp cha mẹ còn học bổng hạng A để trang trải cho việc học hành. Sự hy sinh và nỗ lực ấy được đền đáp xứng đáng khi Trọng Bình liên tục đạt học sinh xuất sắc toàn trường và tốt nghiệp loại ưu, sau đó đầu quân về Nhà hát Cải lương Việt Nam.
NSND Trọng Bình chia sẻ về cuộc sống khó khăn:
Thời điểm đó, lương một nghệ sĩ trẻ chỉ có 144.000 đồng/tháng. Bi kịch gia đình càng trở nên nặng nề khi đứa con đầu lòng anh liên tục ốm đau.
"Cháu đầu tiên ốm nhiều lắm, mỗi lần ốm lại co giật rất thương", NSND Trọng Bình kể. Tình cảnh túng thiếu buộc anh phải kiếm thêm nghề phụ. Mỗi sáng sớm, trước khi đến nhà hát, anh ra ga Hàng Cỏ quét vệ sinh để kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình.
Khi được hỏi liệu có cảm thấy ái ngại khi phải làm lao động chân tay, NSND Trọng Bình khẳng định "làm cái gì cũng được, miễn không phạm pháp". Chính tinh thần ấy giúp anh vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất và chưa khi nào Trọng Bình nghĩ đến việc rời bỏ cải lương.
Hành trình tỏa sáng trên sân khấu
Cơ hội đầu tiên đến với NSND Trọng Bình vào năm 2007 khi được NSND Hoàng Quỳnh Mai tin tưởng giao vai trong vở Cung phi Điểm Bích. Vở diễn này trở thành "bom tấn" tại hội diễn, mở ra cánh cửa mới cho sự nghiệp anh.
Năm 2012, vai diễn phú ông trong vở Cổ tích một tình yêu đánh dấu bước ngoặt quan trọng. Để tạo nên nhân vật độc đáo - lão nhà giàu cóc cáy không biết chữ dùng tiền để mua chức tước, anh nhiều đêm thức trắng nghiên cứu kịch bản và tập luyện trước gương.
Trọng Bình tập luyện cả tháng trời để có tạo hình nhân vật có dáng đi không bình thường và vai diễn này đã mang về cho anh giải Nam diễn viên xuất sắc với số điểm tuyệt đối 7/7 từ hội đồng giám khảo.
Năm 2020, vai Trần Thiệp trong vở Bão ngầm - một trùm buôn ma túy có hai mặt ngoài thương gia, trong tội phạm - lại một lần nữa khẳng định tài năng diễn xuất đa dạng anh với huy chương Vàng.
Bằng sở trường vai kép độc, lão độc, lão mùi, anh có nhiều vai diễn bạn bè, đồng nghiệp phải nể như thái giám Lương Đăng trong vở Bên ánh sao Khuê, hay Thục Phán trong Chiếc áo thiên nga mang đến cho anh huy chương Vàng tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018.

Cháy hết mình, không phân biệt vai lớn, vai nhỏ
"Đời làm nghệ thuật thật sung sướng, lúc được làm cha, làm chồng, làm con, làm vua; lúc làm kẻ đê hèn, hiểm ác, lúc làm trung thần dốc một lòng cho non sông đất nước. Tôi hạnh phúc khi được sống trong nhân vật và cất giọng thể hiện các làn điệu cải lương rồi tung hứng cùng đạo diễn, bạn diễn", NSND Trọng Bình từng chia sẻ.
Để có được thành công đó, anh phải khổ luyện rất nhiều. Nhận kịch bản, Trọng Bình dành thời gian nghiên cứu để lựa chọn cách thể hiện độc đáo.
Năm 2024, Trọng Bình là 1 trong 42 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND đợt 10. Hiện tại, bên cạnh vai trò nghệ sĩ, anh còn làm quản lý nghệ thuật và giảng viên tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Với học trò, anh luôn nhấn mạnh tinh thần cháy hết mình, không phân biệt vai lớn, vai nhỏ, vai chính hay vai thứ.
NSND Trọng Bình cũng hát chầu văn tại các đền, phủ. Anh chia sẻ dù là nghề phụ nhưng lại giúp anh kiếm tiền, nuôi nghề chính là cải lương vì với Trọng Bình, cải lương vẫn số 1.
Ảnh: FBVN, video: VTV