Tôi bắt đầu xem bộ phim Sex Education với mục đích rất rõ ràng: để hiểu thêm tâm lý tuổi teen và biết cách dạy con hiệu quả hơn. Nhưng không ngờ, thứ khiến tôi trăn trở nhất lại là chính con gái mình và những gì bộ phim gợi lên.
Tôi nhớ hôm ấy, tôi vừa xem liền mạch 4 tập phim. Các nhân vật như Maeve và Otis, hay Aimee sống trong những hoàn cảnh gia đình rất khác nhau - người ở nhà di động, người ở biệt thự hiện đại. Người thì tằn tiện, người lại thoải mái về tiền bạc. Thế nhưng, các bạn học sinh đó vẫn chơi thân với nhau, cùng hỗ trợ nhau vượt qua đủ thứ khó khăn ở trường và trong cuộc sống.
Bộ phim không cố tô đậm sự khác biệt về hoàn cảnh, mà ngược lại, nó cho thấy xuất phát điểm không nói lên con người ta, và điều quan trọng nhất là cách sống, cách cư xử với nhau.
Tôi vừa xem vừa thở dài. Vì mấy hôm trước, tôi mới bắt gặp con gái mình đang phàn nàn với bạn bè trong nhóm về một bạn học sinh giỏi và rất nhiệt tình, nhưng nhà không khá giả, ăn mặc đơn giản. Con tôi nói với bạn: “Nhóm mình toàn con nhà tử tế, thêm bạn đó vào thì lệch tông quá”.
Lúc đó tôi giận lắm. Nhưng thay vì mắng ngay, tôi chỉ hỏi con: “Tử tế là gì hả con? Là mặc đồ xịn hay là đối xử tốt với người khác?”.

Maeve và Aimee
Sau khi xem phim Sex Education, tôi đã chia sẻ những câu chuyện, những tình bạn đẹp trong phim và hỏi con: “Nếu tính ra thì nhà cửa, tiền bạc đều là của bố mẹ, còn đã tự làm ra được đồng tiền nào mà lại lôi chuyện tiền bạc ra để “phân chia đẳng cấp” với bạn. Cả 2 đứa đều là học sinh, chưa làm ra được đồng nào thì đẳng cấp với ai?”.
Con gái tôi ngồi im. Tôi biết, câu nói đó khiến con phải suy nghĩ.
Tôi lại tiếp tục chủ động gợi chuyện. Tôi nói với con rằng, không ai được quyền chọn nơi mình sinh ra, nhưng ai cũng có thể chọn cách sống. Có những người không giàu, nhưng họ tử tế, trung thực, chăm chỉ và những điều đó quý hơn nhiều thứ quần áo hàng hiệu hay điện thoại đời mới. Tôi bảo: “Mẹ muốn con làm bạn với những người như vậy, vì rồi sau này con cũng sẽ học được cách trở thành một người tử tế thật sự”.
Hôm sau, con gái tôi chủ động nhắn lại cho bạn kia, rủ bạn cùng vào nhóm làm bài tập. Khi kể lại cho tôi nghe, giọng con nhẹ hẳn đi. Như thể con vừa gỡ được một nút thắt trong lòng mình.
Bài học tôi rút ra từ bộ phim, và từ chính câu chuyện của gia đình mình:
Trẻ con thường nhìn nhận giá trị con người qua vẻ ngoài, qua thứ mà người lớn hay vô tình gieo vào đầu con: “con nhà này giàu”, “con nhà kia hơi bệ rạc”… Chính vì vậy, cha mẹ phải là người định hướng lại, chỉ cho con thấy rằng sự tử tế, thái độ sống, cách cư xử mới là điều quan trọng để đánh giá một con người.
Phân biệt giàu nghèo, xuất thân không chỉ tạo ra khoảng cách, mà còn có thể tước đi của con những mối quan hệ giá trị. Một người bạn tốt có thể là món quà lớn nhất thời đi học và không phải ai cũng may mắn gặp được.
Và điều cuối cùng: Những gì con học được từ mình không phải là lời nói, mà là hành động. Nếu mình sống với sự tôn trọng, không phán xét, không kiêu căng với ai – thì đó mới là thứ con sẽ thấm dần và mang theo suốt đời.
Tôi vẫn đang học cách làm mẹ từng chút một, từ phim ảnh, từ những lần trò chuyện, từ những lỗi lầm của chính mình. Và tôi tin, mỗi thay đổi nhỏ của mình hôm nay sẽ là một hạt mầm tốt lành cho con ngày mai.