“Con gì đầu voi thân xương rồng, lúc thì 2 chân, lúc 3 chân, biết đi dép là con gì hả mọi người. Đứa cháu học mầm non đố tôi như vậy. Nó bảo con đó có thật, không phải trong phim hoạt hình, các bạn trên lớp đều biết. Vậy mà tôi đang bó tay… Có ai biết không, chỉ tôi với?”, T.H đăng tải lên Facebook cá nhân.
Cô cho biết năm nay 30 tuổi, đang làm kế toán tại một công ty, vừa rồi gia đình có việc nên cả nhà sum họp đầy đủ. Đang ngồi ăn trái cây ở phòng khách thì lũ trẻ trong nhà chạy lại đố nhưng cô không có đáp án. Nhập đúng miêu tả như trên lên Google cũng chẳng ra được kết quả.
“Đường cùng” nên cô thử đăng tải lên mạng xã hội hỏi xem. Ấy vậy mà bài đăng nhanh chóng thu hút lượng tương tác cao từ netien. Có một số ý kiến cũng “bó tay” y hệt T.H, song cũng có người đã chỉ ra đáp án chính xác. Đó chính là: Lirilì Larilà. Đây là một nhân vật nổi tiếng trong Vũ trụ Brainrot (thối não).

Đó chính là Lirilì Larilà




Có rất nhiều phiên bản khác nhau của Lirilì Larilà trên mạng xã hội, tùy người dùng AI tạo ta, với những câu chuyện khác nhau. Song, đặc điểm nhận dạng chung vẫn là đầu voi, thân xương rồng, chân đi dép lê.
Lirilì Larilà là sinh vật lai giữa voi và cây xương rồng ở Sa mạc. Trên thực tế, con vật này không tồn tại ở ngoài đời thật, nó được tạo bởi AI, qua trí tưởng tượng của người sáng tạo ra nó. Bởi thế, có khi Lirilì Larilà 2 chân, khi 3-4 chân và biết đi dẹp. Chúng thường xuất hiện ở Sa Mạc, nơi gắn liền với loài cây xương rồng.
Cái tên Lirilì Larilà cũng là vô nghĩa, không thuộc thứ tiếng nào trên thế giới.



Nhiều nước trên thế giới đã tạo ra thú nhồi bông, đồ chơi bằng nhựa hình thù Lirilì Larilà để bán trên các nền tảng thương mại điện tử.
Lirilì Larilà không có cốt truyện rõ ràng, thường được mô tả là một sinh vật vừa ngô nghê, vừa siêu thực - cơ thể mọc gai như xương rồng, nét mặt trầm mặc, di chuyển lững thững giữa sa mạc với cặp dép lê quen thuộc.
Nhân vật này xuất hiện cạnh những cái tên khác như Chimpanzini Bananini hay Brr Brr Patapim,... Từ một sinh vật tưởng chừng vô danh, Lirilì Larilà đã trở thành biểu tượng meme thời đại mới, không chỉ lan rộng tại Việt Nam mà còn phổ biến ở Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines…
Tại Việt Nam, theo ghi nhận của chúng tôi gần đây tại Thảo Cầm Viên, nhiều em nhỏ khi nhìn vào chú voi đã liền gọi là Lirilì Larilà, như một phản xạ âm thanh, dù không hiểu nghĩa. Nhiều bé khi được hỏi cũng cho biết rất yêu thích nhân vật này, bởi cái tên đọc rất kêu hoặc do nó: đẹp, xấu hay lạ lẫm.
Lirilì Larilà là một nhân vật thuộc vũ trụ Brainrot - xu hướng, trend trên mạng xã hội trong năm 2025, khởi nguồn từ một số video trong một cộng đồng nhỏ trên TikTok tại Ý. Sau đó, lan rộng ra thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ở đó, bao gồm một loạt hệ sinh thái các nhân vật hư cấu, hành động không có logic, ngôn ngữ méo mó và tên gọi kỳ lạ được tạo ra bởi AI (trí tuệ nhân tạo).
Người sáng tạo nghĩ ra các ý tưởng càng dị càng tốt như: Ngỗng gắn cánh quạt, Cá mập đi giày thể thao, Voi đi dép, Ếch thân bánh xe, Đầu ly trà thân con người…Đặc trưng của chúng là việc sử dụng các âm thanh lặp đi lặp lại, tạo cảm giác ám ảnh, phi lý nhưng cuốn hút.

Lirilì Larilà cùng các nhân vật khác trong Vũ trụ Brainrot.
Dù có vẻ lộn xộn, hỗn loạn và vô nghĩa, các nhân vật này được các trẻ em - đặc biệt là dưới 6 tuổi rất yêu thích… Song, người lớn thường không biết hoặc không quá quan tâm. Về vấn đề này, chuyên gia truyền thông Jordan Foster phân tích rằng hiện tượng này lan rộng là vì đánh trúng ba yếu tố “bắt não”, "virus cảm xúc": Âm thanh dễ thuộc, dễ bắt chước - trẻ nhỏ có xu hướng ghi nhớ những gì ngắn, lặp đi lặp lại, đặc biệt khi được phát theo nhịp nhanh;
Màu sắc bắt mắt, chuyển động liên tục - khiến não trẻ luôn trong tình trạng kích thích, khó rời mắt; Tính kết nối xã hội - khi một trẻ trong lớp “học thuộc” meme này, những trẻ khác nhanh chóng học theo. Tại nhiều trường mẫu giáo, trào lưu “Tung Sahur” đã lan nhanh hơn cả trò chơi dân gian.