Kinh tế

Cổ phiếu VPBank tăng trần với thanh khoản cao kỷ lục trước thềm sự kiện quan trọng

Phiên giao dịch 14/5 chứng kiến diễn biến đáng chú ý tại cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Đóng cửa, cổ phiếu này tăng trần 6,78% lên mức 18.900 đồng/cp với thanh khoản đạt mức cao nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán là gần 95,6 triệu đơn vị.

Với diễn biến trên, VPB là mã tăng giá mạnh nhất nhóm VN30 và đứng đầu toàn thị trường về khối lượng giao dịch.

Cổ phiếu VPBank tăng trần với thanh khoản cao kỷ lục trước thềm sự kiện quan trọng- Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu VPB trong phiên 14/5. (Nguồn: HSC)

Cổ phiếu VPB bật tăng mạnh trong bối cảnh ngày mai (15/5) là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt. Với tỷ lệ chi trả là 5%/mệnh giá (500 đồng/cp), số tiền mà VPBank dự kiến dùng để chia cổ tức là 3.967 tỷ đồng.

Đây là năm thứ ba liên tiếp VPBank trả cổ tức tiền mặt. Trước đó, năm 2024, VPBank đã chi tới 7.934 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Tổng cộng ba năm, ngân sách dành cho cổ tức tiền mặt đã đạt gần 20.000 tỷ đồng.

Trước đó, Ban lãnh đạo VPBank đã tuyên bố duy trì chính sách cổ tức tiền mặt trong 5 năm liên tiếp (từ năm 2023).

Chia sẻ tại Đại hội thường niên 2025, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho biết việc chia cổ tức được thực hiện sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của cổ đông, vừa đảm bảo ngân hàng vẫn có đủ vốn để duy trì tăng trưởng ở mức tương đối cao theo chiến lược đã đề ra.

Cũng theo ông Dũng, đối với lĩnh vực ngân hàng, vốn vô cùng quan trọng và phải cân đối mục tiêu lâu dài là đủ vốn dành cho tăng trưởng và nhu cầu cổ tức tiền mặt của cổ đông.

"Từ năm 2010-2022, chúng ta kiên trì không chia cổ tức để phát triển ngân hàng và đã đạt được mức tăng trưởng vượt trội so với bình quân toàn ngành. Năm 2022, cân đối mục tiêu tăng trưởng dài hạn và nhu cầu cổ tức tiền mặt của cổ đông, VPBank đã bắt đầu chia cổ tức bằng tiền mặt. 3 năm vừa qua, ngân hàng đã dành gần 20.000 tỷ đồng để chia cổ tức, đáp ứng nhu cầu cổ đông mà vẫn đảm bảo các năm tiếp theo vẫn đủ vốn để duy trì tăng trưởng cao", ông Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, VPBank sẽ tiếp tục duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt trong hai năm tới. Tuy nhiên, mức chia cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh, tình hình huy động vốn và tăng trưởng từng năm.

"Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng VPBank sẽ tiếp tục duy trì việc chia cổ tức tiền mặt cho năm thứ tư và năm thứ năm", ông Dũng nhấn mạnh.

Cổ phiếu VPBank tăng trần với thanh khoản cao kỷ lục trước thềm sự kiện quan trọng- Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu VPB kể từ khi lên sàn. (Nguồn: HSC)

Theo số liệu báo cáo tài chính quý I/2025, VPBank là ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản lớn nhất hệ thống, chỉ đứng sau nhóm ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối là (BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, MB).

Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản VPBank đạt hơn 994.000 tỷ, tăng 8% so với cuối năm 2024. Dự kiến trong quý II/2025, quy mô tổng tài sản VPBank sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng. Đứng sau VPBank lần lượt là Techcombank, ACB, SHB, Sacombank và HDBank.

Các tin khác

Giá xăng dầu đồng loạt tăng

Từ 15 giờ hôm nay 15.5, giá xăng dầu đồng loạt tăng trở lại. Giá xăng tăng 403 - 415 đồng/lít, giá dầu tăng 285 - 627 đồng/lít/kg.

Giá vàng quay đầu giảm

Sáng nay (15/5), giá vàng trong nước lại quay đầu giảm. Theo đó, giá vàng miếng SJC về mốc 120 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn giá thấp nhất còn quanh mốc 114 triệu đồng/lượng.

Choáng ngợp trước viễn cảnh tương lai của khu tập thể cũ nát ở Hà Nội: "Biến hình" thành cao ốc 55 tầng, tái định cư tại chỗ cho toàn bộ 8.300 cư dân

Mục tiêu của việc lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân là xây dựng lại theo hướng tăng tầng cao công trình và hệ số sử dụng đất, giảm mật độ xây dựng để dành không gian trống, không gian xanh cho hoạt động công cộng.

Rào cản lớn khiến quỹ phát triển khoa học và công nghệ bị ‘đóng băng’

Theo đại biểu Quốc hội, nhiều doanh nghiệp lúng túng, thậm chí lo ngại khi thực hiện chi từ quỹ vì không rõ đâu là chi phí hợp lệ. Đây chính là rào cản lớn khiến Quỹ Khoa học công nghệ của doanh nghiệp bị “đóng băng”. Từ đó, đại biểu đề nghị cho phép trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối đa 15%.