
Chiến sĩ đặc công hải quân “xuất quỷ nhập thần”
Cửa Việt 1967...
Giữa biển khơi mù sương một đêm năm 1967, bên kia sông Bến Hải ở Cửa Việt (Quảng Trị), những chiến sĩ đặc công hải quân của ta lần đầu tiên “xuất quân” với sứ mệnh tiêu diệt tàu chiến địch. Dưới màn đêm đen như mực và bom pháo dội suốt ngày đêm, họ lặng lẽ lao vào giữa sóng nước, vận dụng tài lặn siêu phàm và lòng quả cảm.
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/2025), những chiến công trên sóng nước ấy được nhắc lại như bản hùng ca “xuất quỷ nhập thần”.
Đêm 10/3/1967, dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Mai Năng, Đoàn 126 đặc công hải quân bí mật áp sát bờ Bắc Cửa Việt. Lặn dưới dòng sông yên ả, các chiến sĩ bất ngờ gắn mìn vào một tàu cuốc 70 tấn của Nam Triều Tiên đang nạo vét cửa sông. Hơn 2 tiếng sau, tàu cuốc 70 tấn của Nam Triều Tiên bị ốp mìn nổ tung, chìm nghỉm. Đó là chiếc tàu đầu tiên bị bộ đội đặc công hải quân đánh chìm tại Cửa Việt, mở đầu chuỗi chiến thắng liên tiếp sau đó.
Chưa đầy hai tháng sau, giữa mùa mưa bão tháng 5/1967, nhóm đặc công lặn thâm nhập đặt mìn vào tàu LCU Mỹ neo trên sông Cửa Việt. Hai tiếng đồng hồ sau mìn phát nổ, tàu LCU bị xé toang chìm tại chỗ, nằm vắt ngang sông Cửa Việt. Sóng lửa ngùn ngụt bùng lên, nhiều lính của địch bị hất văng giữa biển đêm.
Đặc công hải quân liên kết thủy lôi đánh tàu địch ở Cửa Việt, Quảng Trị. Ảnh tư liệu
Trong sự hoảng loạn của địch, hai chiến sĩ Nguyễn Văn Kiểm, Tống Duy Kiên đuổi theo tiêu diệt mục tiêu thứ ba. Khi tàu cuốc Hayda rời bến để xả đất, hai anh thả mình trên mặt nước, áp mìn vào mạn tàu. 5h30 ngày 9/5/1967, tàu cuốc Hayda phát nổ, 1 giờ sau tiếp tục phát nổ lần 2… Tàu nhanh chóng chìm.
Trong khi đó, một phân đội khác của đặc công nước đánh thẳng vào mục tiêu lớn hơn là tàu LST chở thiết giáp 5.000 tấn. Chiến sĩ Nguyễn Hùng Lễ và đồng đội chui qua hàng rào phòng thủ, gắn hai khối nổ dưới đáy khoang xe và khoang hàng. Chỉ 2 tiếng sau khi tấn công, quả mìn kích hoạt khiến chiếc LST giật tung thân tàu rồi từ từ chìm nghỉm.
Tiếng nổ vang lên dưới đáy sông đã ghi dấu cột mốc trận đầu tiên đặc công nước đánh chìm tàu vận tải lớn bằng vũ khí kỹ thuật. Trận đánh này gây tiếng vang lớn, mở đầu những trận tham chiến huyền thoại của lực lượng đặc công hải quân Việt Nam.
Chỉ trong 5 tháng (4-9/1967) tại khu vực Cửa Việt - Đông Hà, Đội 1, Đoàn 126 tham chiến 6 trận, đánh chìm 10 tàu địch, phá hủy nhiều phương tiện và tiêu hao lớn sinh lực đối phương. Những bóng đen đặc công lặn giữa sóng dữ và đột ngột xuất hiện để gắn mìn, rồi biến mất khi tiếng nổ vang lên. Lửa bốc cháy ngợp trời, xác tàu địch trôi dạt trên sông...
Đánh đắm tàu dầu 15.000 tấn
Tháng 9/1969, cả nước đau buồn khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chính quyền Sài Gòn lợi dụng những ngày đó tấn công, đánh phá ác liệt nhiều vùng trên chiến trường miền Nam. Địch tăng cường tiếp tế cho hàng vạn quân đang bị giam chân ở đường 9 - Khe Sanh. Hàng hóa, vũ khí được chuyển theo đường biển vào cảng Cửa Việt, nơi có hệ thống bảo vệ dày đặc với tàu tuần tiễu, lô cốt, máy bay tuần thám cùng đội người nhái.
Bộ chỉ huy hải quân của địch đã ra lệnh cho các đơn vị vận tải sử dụng tàu dưới 4.000 tấn vào cảng Cửa Việt dỡ hàng, còn các tàu trọng tải lớn hơn phải neo đậu ngoài biển, cách bờ từ 1-5 hải lý.
Đêm 5/9, trinh sát phát hiện một tàu chở dầu trọng tải 15.000 tấn neo ngoài khơi Cửa Việt, cách bờ 3km. Quân ta quyết định tấn công. Tuy nhiên, mục tiêu lần này không hề đơn giản. Tàu chở dầu khổng lồ dài hàng trăm mét như toà nhà cao tầng giữa mặt biển. Phía trên có 2 máy bay lượn vòng vòng cảnh giới. Trên tàu có lính canh gác, camera 24/24h. Dưới nước, tàu có đội người nhái bảo vệ.
Cửa sông có tàu tuần tiễu ven biển, tàu cuốc, tàu quét mìn và tàu cứu thương của địch. Phía nam Cửa Việt, sát mép biển có 2 lô cốt và nhiều đài quan sát...
Tổ trực tiếp đánh địch gồm 3 người. Ngoài Thiếu tá Trần Quang Khải (SN 1952, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hoá) còn có ông Trần Xuân Hỗ và tổ trưởng Bùi Văn Hy.
Thiếu tá Trần Quang Khải, người đã khiến quân địch khiếp sợ
“Khi đó tôi mới 17 tuổi - là người trẻ nhất nhưng có nhiều kinh nghiệm đánh tàu nhất trong 3 anh em”, ông Khải nói.
Chiều tối 6/9/1969, tổ đặc công đã vượt đò Cửa Tùng sang bờ Nam, đi dọc theo mép biển. Tới 22h, ông Khải cùng đồng đội đến bờ bắc Cửa Việt nhận vũ khí, đặc biệt là mang theo hai quả mìn rùa Liên Xô nặng 6,8kg rồi đeo phao xuống nước vượt sông Cửa Việt sang bờ Nam.
"Người dân thương chúng tôi lắm. Thương vô cùng. Nắm cơm cùng với tép moi chiều hôm đó tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi khi thực hiện nhiệm vụ đánh phá tàu... Nếu không có người dân cưu mang, che giấu thì chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ được". Thiếu tá Trần Quang Khải |
“Đêm 7/9, biển động dữ dội. Mỗi lần chúng tôi bơi ra, sóng hất ngược vào bờ như tường nước. Tôi bảo anh Hỗ: “Sóng thì vô biên, sức người có hạn, phải lặn qua từng đợt, lặp lại 3-4 lần mới vượt ra được sóng mặt thì chỉ còn sóng lừng”. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, chúng tôi không chớp đúng con nước, bị trôi đi. Tôi nếm thấy vị nước từ lợ chuyển sang mặn chát nên biết đã bị cuốn rất xa. Chúng tôi đành quay vào bờ, tìm chỗ giấu vũ khí và ẩn nấp”, ông Trần Quang Khải nhớ lại.
Đêm 8/9, hai chiến sĩ Trần Quang Khải và Trần Xuân Hỗ tiếp tục mặc áo phao, mang vũ khí vượt sóng tiếp cận mục tiêu.
Sau lần 1 thất bại, ông Khải rút ra kinh nghiệm. “Đèn ở đầu tàu và cuối tàu cùng với mắt mình thành 3 điểm thẳng hàng. Bơi thẳng tới, không cần bơi đón.
Ánh sáng đèn pha làm mặt biển quanh tàu sáng như ban ngày. Anh Hỗ luồn về bên trái mạn tàu, tôi luồn sang phải. Cả hai tìm khoang chứa dầu, rồi cạo hà, áp mìn, rút chốt chống tháo. Mỗi quả mìn cách nhau khoảng 3m, đặt ở độ sâu 0,5m so với mặt nước biển. Loại mìn này đặc biệt là khi đã rút chốt chống tháo thì dù địch có làm cách gì đi nữa thì mìn vẫn nổ”, ông Khải kể.
Vừa gắn xong mìn, họ bị địch phát hiện. Đạn AR-15 và lựu đạn nổ rền vang quanh thân tàu như mưa. Pháo sáng rợp trời, tàu chiến và trực thăng vây kín vùng biển. Con tàu hoảng loạn nhổ neo chạy về Cửa Việt.
"Ở nhà chúng tôi đã hứa rồi, nếu chỉ còn cách tàu 10-15m thì dù có bị phát hiện cũng bơi thẳng vào để áp mìn. Chúng tôi sợ gì cái chết". |
“Lựu đạn ném xuống như mưa... mà bạn biết đó, ở dưới nước thì tính cơ động rất thấp, không có chỗ ẩn nấp. Tuy nhiên, trong thời gian lựu đạn ném xuống và phát nổ, chúng tôi đã kịp di chuyển ra vị trí khác. Lúc ấy, dây liên lạc của 2 anh em bị đứt. Tôi bị thương...”, ông Khải nhớ lại
Khoảng 22h, mìn hẹn giờ phát nổ. Một cột lửa khổng lồ bốc lên từ con tàu 15.000 tấn rực sáng cả vùng biển. Tàu chìm giữa biển lửa. Trận đánh ghi dấu một trong những chiến công lớn nhất của lực lượng đặc công nước Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Thiếu tá Khải nhớ lại, vùng biển này có cá mập, sau khi xảy ra vụ nổ có nhiều máu nên việc tìm kiếm của phía địch không dễ dàng.
Hàng chục tờ báo nước ngoài thời điểm đó đăng tải sự kiện này với những dòng chữ như “không thể lý giải nổi”, “ngoài sức tưởng tượng”, “kinh hoàng”... Phía địch không thể lý giải nổi sau thiệt hại lớn này.



Năm 2015, ông Trần Quang Khải được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì thành tích đặc biệt xuất sắc. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho người lính từng “trở về từ đáy biển”.
“Tổ quốc trên hết,” ông Khải nhắc lại câu nói của người tổ trưởng Bùi Văn Hy năm ấy trước giờ xuất kích. Một câu nói mà ông mang theo suốt cuộc đời - từ những lần lặn sâu trong đêm đến mỗi lần đứng trước sóng biển quê hương.
"Nếu có thể, tôi chỉ mong sau này con cháu biết được, từng có những người lặng lẽ đi dưới nước để Tổ quốc được yên bình. Không cần vinh danh, chỉ cần nhớ". |
Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Quân chủng Hải quân từng nhấn mạnh, nhiệm vụ ra đời của Quân chủng chính là “gánh vác sứ mệnh lịch sử” bảo vệ biển trời Tổ quốc.
Những trang sử hào hùng của đặc công nước tại Cửa Việt và ngoài khơi 1969 chính là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đó. Ngày nay, hình ảnh đặc công nước “xuất quỷ nhập thần” vẫn là niềm tự hào của người dân Việt Nam về những Yết Kiêu thời bình.
70 NĂM HẢI QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM (7/5/1955 – 7/5/2025) 7/5/1955: Bộ Quốc phòng thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - khởi nguồn Hải quân Nhân dân Việt Nam. 24/1/1959: Thành lập Cục Hải quân trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, đặt nền móng cho tổ chức lực lượng. 3/1/1964: Nâng cấp Cục Hải quân lên Quân chủng Hải quân, khẳng định vai trò nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 2-5/8/1964: Trong “trận đầu thử lửa”, Hải quân bắn rơi 8 máy bay Mỹ, buộc tàu khu trục Maddox phải rút lui khỏi vùng biển Việt Nam. 1965-1975: Hải quân mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, thực hiện các chuyến “tàu không số”; đặc công nước lập chiến công ở Cửa Việt; lực lượng pháo - tên lửa bờ giữ vững miền Bắc... 1975: Giải phóng quần đảo Trường Sa. 2010-2015: Được đầu tư hiện đại hóa, thành lập Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Lữ đoàn Không quân Hải quân 954, hoàn thiện 5 thành phần lực lượng chiến đấu. Hiện nay: Hải quân chủ động nắm tình hình, nâng cao chất lượng huấn luyện, thực hiện thành công nhiệm vụ cứu hộ - cứu nạn, tăng cường hợp tác quốc tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. |