Làng Gokova nằm biệt lập, cách Thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 450km. Đây là một nơi cảnh đẹp như tranh vẽ với làn nước suối màu lam và những ngọn núi nhấp nhô, tuy nhiên dân số chỉ có khoảng 120 người. Đặc biệt hơn, gần một nửa dân số bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh. Tình hình nghiêm trọng đến mức ngôn ngữ ký hiệu trở thành phương tiện giao tiếp chính tại đây.
Quản lý ngôi làng, Eyup Tozn, cho biết: "Chúng tôi học và giao tiếp hàng ngày với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu như một cộng đồng độc lập. Bất kỳ người nào mới đến đây chắc chắn sẽ gặp chút khó khăn để làm quen với dân làng. Mọi người dân hầu như đều là người khuyết tật".
Nguyên nhân gây ra tình trạng đau buồn này vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, nhiều người dân tin rằng tỷ lệ người câm điếc cao trong cộng đồng là do hôn nhân cận huyết.
Ngôi làng này rất biệt lập và hiếm khi có người ngoài đến sinh sống; do đó anh em trong họ kết hôn không phải là chuyện hiếm lạ.

Làng Gokova có vị trí biệt lập, dẫn đến sự phổ biến hôn nhân cận huyết..
Sati Tozun, một người dân trong làng cho biết: "Tôi có bốn đứa con không thể nói và nghe. Con tôi lại tiếp tục hạ sinh 3 đứa cháu, tất cả đều bị câm điếc bẩm sinh. Chị dâu tôi cũng có con khuyết tật. Ngôi làng này đa phần là người khuyết tật".
Một số dân làng cho rằng sự phổ biến của tình trạng câm điếc bẩm sinh là do nguồn nước bị ô nhiễm. Từ những khu công nghiệp gần đó, các kim loại như sắt, asen và hóa chất thải thấm vào sông suối cùng nguồn nước sinh hoạt, tàn phá sức khỏe con người.
"Tôi nghĩ rằng tình trạng này không phải do hôn nhân cận huyết mà là do nguồn nước không còn an toàn", Tozn nói.
Rahmi Cizin, một người dân địa phương, cũng chia sẻ rằng dân làng không được tiếp cận với nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, năng lực chăm sóc y tế cho người khuyết tật còn rất kém.
Dân làng Gokova thường đánh trống khi trẻ em chào đời. Họ cố gắng tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào để xác định đứa trẻ sơ sinh có bị điếc hay không. Đứa bé khóc hay giật mình là điều hạnh phúc với mọi người.

Đến nay, dân làng Gokova vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây nên bi kịch của mình.
Bí ẩn xung quanh tỷ lệ điếc cao ở ngôi làng Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn có lời giải đáp. Chưa có chứng cứ cụ thể về việc trẻ em bị khuyết tật là do được sinh ra trong gia đình mà cha mẹ có quan hệ họ hàng.
Ngôi làng này có nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc với làng Dhadkaie ở Kashmir, Ấn Độ. Đây là nơi sinh sống của khoảng 2.800 cư dân và có tỷ lệ người câm điếc cao nhất thế giới.